Sống trẻ - Sống đẹp

"Thủ lĩnh" thanh niên thôn Đoàn Kết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Anh Trịnh Quốc Lợi-Bí thư chi đoàn thôn Đoàn Kết (xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) được biết đến là một tấm gương thanh niên nhiệt tình tham gia các phong trào và là người cần cù, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình.
Năm 2011, khi vừa tròn 19 tuổi, anh thanh niên dân tộc Tày Trịnh Quốc Lợi đã viết đơn xung phong đi bộ đội. Sau hơn 1 năm nỗ lực rèn luyện, anh vinh dự được kết nạp vào Đảng. Đến năm 2013, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Lợi được cấp ủy tin tưởng phân công làm Bí thư chi đoàn thôn Đoàn Kết.
Thôn Đoàn Kết đất chật người đông, thanh niên sau khi học xong THPT gần như không có việc làm ổn định. Nhiều người bỏ làng đi làm ăn xa ở các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… Vấn đề tìm kiếm việc làm và nâng cao thu nhập cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) luôn là nỗi trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương. “Để huy động được ĐVTN tham gia sinh hoạt Đoàn thì trước hết phải đảm bảo được cuộc sống, việc làm ổn định cho họ ngay trên chính quê hương mình”-anh Lợi tâm niệm.
Anh Trịnh Quốc Lợi chăm sóc ruộng thuốc lá của gia đình. Ảnh: T.Đ
Anh Trịnh Quốc Lợi chăm sóc ruộng thuốc lá của gia đình. Ảnh: T.Đ
Từ suy nghĩ ấy, anh Lợi mạnh dạn đề xuất với Ban Thường vụ Đoàn xã Ia Ma Rơn và Đảng ủy, UBND xã ưu tiên các nguồn vốn chương trình, dự án ở địa phương cho ĐVTN được tiếp cận, tham gia. Nhờ đó, nhiều thanh niên được tham gia các mô hình nuôi heo rừng lai, dê Bách Thảo, bò sinh sản… để từng bước phát triển kinh tế gia đình. Cuối thôn Đoàn Kết có vùng đất trũng ngập úng lâu nay bỏ hoang cỏ dại mọc đầy đã được chính quyền xã cho hộ thanh niên đứng ra thuê trồng sen và chăn nuôi vịt lấy trứng.
Anh Trịnh Văn Khu cho biết: “Mấy năm trước, được chính quyền hỗ trợ 1 cặp dê sinh sản, gia đình tôi đã nhân giống lên gần 20 con. Sau khi bán bớt dê, tôi mua được 1 con bò và 2 sào ruộng. Đến nay, cuộc sống gia đình đã ổn định. Vợ chồng tôi yên tâm xây dựng cuộc sống mà không phải đi làm thuê nay đây mai đó nữa”.
Còn đoàn viên Nguyễn Hoàng Nam thì cho hay: Nhờ được tạo điều kiện đi tham quan, học tập kinh nghiệm nuôi hươu mà gia đình anh có thêm tự tin để vay vốn đầu tư chuồng trại nuôi hươu lấy nhung phát triển kinh tế. “Đến nay, gia đình tôi đã nuôi được đàn hươu sao 15 con lấy nhung, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Cuộc sống gia đình giờ ổn định hơn trước nhiều”-anh Nam nói.
Năm 2020, xã Ia Ma Rơn đặt mục tiêu về đích nông thôn mới. Cùng xã thực hiện mục tiêu này, cấp ủy chi bộ thôn Đoàn Kết đã giao trách nhiệm cho chi đoàn làm nòng cốt phối hợp với Ban Nhân dân thôn vận động người dân thực hiện tiêu chí môi trường và nâng cao thu nhập. Bí thư chi đoàn Trịnh Quốc Lợi cho hay: Cả 8 đoàn viên trong chi đoàn phải gương mẫu thực hiện trước việc di dời chuồng trại nhốt heo, bò ra xa khu nhà người ở, phấn đấu trong tháng 3 sẽ làm xong rồi giúp các hộ dân khác. Đồng thời, đào các hố rác ở dọc đường làng để thu gom rác thải, hàng tuần tổ chức tổng vệ sinh thôn làng cho sạch sẽ.
Không chỉ năng nổ nhiệt tình tham gia công tác Đoàn, anh Lợi còn là tấm gương cần cù, dám nghĩ dám làm trong phát triển kinh tế gia đình. Anh cho biết: “Mình đi bộ đội về, nhà 4 anh em nhưng chỉ có 7 sào lúa nên phải nhường lại cho các em. Mình thuê 2 ha đất để trồng thuốc lá, chi phí hết 50 triệu đồng/mùa. Hết mùa thuốc lá lại trả đất cho họ rồi về chăn nuôi bò, sang năm lại thuê tiếp. Trồng thuốc lá vất vả lắm nhưng mình còn trẻ, có sức khỏe nên phải cố gắng. Năm ngoái, mình lãi gần 200 triệu đồng từ vườn thuốc lá. Năm nay, cây thuốc lá được mùa, được giá chắc sẽ lãi nhiều hơn. Mình phải cố gắng để tích lũy tiền cưới vợ nữa”-anh Lợi cười tươi nói.
Anh Hoàng Tuấn Linh-Bí thư Huyện Đoàn Ia Pa: “Anh Trịnh Quốc Lợi là một thủ lĩnh thanh niên đầy nhiệt huyết vì cuộc sống cộng đồng và là người cần cù, dám nghĩ dám làm trong phát triển kinh tế gia đình”.
TRẦN ĐỨC

Có thể bạn quan tâm