Xã hội

Thu nhập bình quân tháng người lao động trong quý 1 tăng 339.000 đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý 1/2021 đạt 6,3 triệu đồng, tăng 339 nghìn đồng so với quý trước và tăng 106 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2020.

 (Ảnh minh họa: Phạm Hậu/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Phạm Hậu/TTXVN)


Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, quý 1/2021, số người tham gia thị trường lao động giảm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên thu nhập bình quân của người lao động lại được ghi nhận tăng và là điểm sáng trong bức tranh lao động, việc làm những tháng đầu năm.

Theo đó, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý 1/2021 đạt 6,3 triệu đồng, tăng 339.000 đồng so với quý trước và tăng 106.000 đồng so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung quý 1/2021 so với cùng kỳ năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất, tăng 5,2%; khu vực dịch vụ có tốc độ tăng là 1,5% và khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng thu nhập bình quân thấp nhất, tăng 0,8%.

Đặc biệt, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương quý 1/2021 đạt 7,2 triệu đồng, tăng 556.000 đồng so với quý trước và tăng 132.000 đồng so với cùng kỳ năm 2020.

Theo ông Nam, sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 ngay trước dịp Tết Nguyên đán đã làm thay đổi xu thế tăng thường thấy so với cùng kỳ các năm trước. Thông thường, theo đà tăng dân số, lực lượng lao động năm sau luôn tăng so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, lực lượng lao động quý 1/2021 xuống thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 200.000 người và thấp hơn cùng kỳ khi chưa có dịch (năm 2019) khoảng 600.000 người.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý 1/2021 ước tính là 68,7%, giảm 1,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2020.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của khu vực thành thị là 66,7%, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 69,9%.

Xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở hầu hết các nhóm tuổi, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 15-24 tuổi (thành thị: 41,2%; nông thôn: 48%) và nhóm từ 55 tuổi trở lên (thành thị: 35%; nông thôn: 47,9%).

“Điều này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị; đây là đặc điểm điển hình của thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao,” ông Nam nhấn mạnh.

Trong tổng số 23,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia thị trường lao động (ngoài lực lượng lao động) của quý 1/2021 có đến 60,8% ở khu vực nông thôn; họ chủ yếu ở độ tuổi đang đi học và nghỉ hưu.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, trong tổng số 49,9 triệu lao động có việc làm; lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 39,5%, tương đương 19,7 triệu người, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 32,3%, tương đương 16,1 triệu người.

Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất, 28,2%, tương đương 14,1 triệu người.

Trong quý 1 này, số người có việc làm phi chính thức là 20,7 triệu, giảm 251,7 nghìn người so với quý trước và tăng 525,4 nghìn người so với cùng kỳ 2020.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý 1/2021 là 57,1%, tăng 1,1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2020. Tỷ lệ này tăng cao ở khu vực nông thôn và ở nữ giới.

Theo Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm