(GLO)- Đó là câu chuyện của 2 nông dân Chế Văn Dũng và Nguyễn Hữu Thanh (cùng ở tổ dân phố 9, phường Yên Thế, TP. Pleiku).
Con trâu vốn không chịu được khí hậu phía Tây Trường Sơn nắng gió kéo dài, lại rất cần đồng bãi chăn thả, thích dầm mình dưới nước, có chỗ ngả mình “nằm nhai bóng râm”. Biết vậy, nhưng nhận thấy đất vườn nhà rộng, có chỗ để làm chuồng, nhà lại chỉ cách Biển Hồ (hồ B) hơn 1 km, bên hồ có bãi cỏ rộng, có nhiều tán cây, bụi le râm bóng nên ông Dũng “thử nghiệm” nuôi trâu.
Đàn trâu của ông Dũng và ông Thanh. Ảnh: Đ.P |
Vào năm 1998, ông khởi đầu bằng việc nuôi 3 con nghé: 1 đực, 2 cái. Nào ngờ, đàn trâu phát triển tốt đến không ngờ. Hơn 10 năm sau, riêng số nghé trong đàn đã có đến 20 con lớn bé. Nhằm vào thời điểm trâu bò được giá, ông đồng loạt xuất chuồng những con đực, còn nghé cái thì giữ lại để tiếp tục nhân rộng đàn. “Đợt ấy, tôi thu về gần nửa tỷ đồng, cả nhà mừng hơn trúng số”-ông Dũng hào hứng kể.
Nuôi trâu dễ, lại “1 vốn 4 lời” vì thức ăn chính là rơm rạ, chủ yếu nuôi nhốt trong chuồng, chỉ thả ra bãi từ đầu giờ chiều đến chập tối. Vì vậy, ông Dũng rủ thêm người bạn “nối khố” ở gần nhà-ông Nguyễn Hữu Thanh cùng nuôi để có bạn chăn dắt. Ngồi bên nhau dưới bóng râm bên bãi bồi chiều nhạt nắng, ông Thanh cười phô hàm răng móm mém kể sự thể chuyện nuôi trâu cùng: “Là chỗ thâm tình nên bước đầu tôi chỉ góp vốn bằng cách mua lại 2 con nghé cái trong đàn của anh Dũng, làm chuồng nhốt riêng nhưng lại chăn thả chung. Những năm sau, khi tôi tăng đàn thì anh Dũng lại giảm bớt, sao cho tổng đàn không quá 40 con mới đủ điều kiện bãi chăn nuôi”.
Hiện cả đàn của 2 ông chỉ có 22 con, trong đó có 11 con trâu cái đẻ 1 con/năm, 1 con trâu đực giống, còn lại là nghé con chưa tách mẹ. “Cứ vào dịp trước Tết, chúng tôi xuất chuồng đồng loạt những con nghé hơn 1 năm tuổi cho thương lái. Đôi khi, có bán lẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số các nơi tìm đến mua nghé đực đưa về cúng Yàng. Bình quân, mỗi năm lãi ròng từ đàn trâu cũng ngót 100 triệu đồng. Nhờ đó, anh em tôi có khoản tiền dành dụm xây nhà, mua đất vườn trồng cà phê, nuôi con ăn học, sắm sanh vật dụng đắt tiền trong nhà”-ông Dũng chia sẻ.
Như để khẳng định những điều vừa nói, ông Dũng gửi đàn trâu cho ông Thanh trông coi rồi vồn vã mời tôi về nhà mình để “mục sở thị”. Nhà ông Dũng xây kiên cố, khang trang, có khoảng sân rộng phía trước. Phía sau nhà, vườn đất rộng, trong đó có khoảng 1 ha cà phê đã mấy mùa thu hoạch. Bên cạnh chuồng trâu là dãy chuồng nuôi gà thả rông đủ các giống rất đẹp mắt, đến vài trăm con; còn có cả ngỗng, ngan… Bên hiên là chiếc xe công nông, bên cạnh lỉnh kỉnh những phụ tùng máy móc nông nghiệp. Chừng như đọc được sự tò mò của tôi, ông Dũng giải thích: “Nhà nông phải có thế anh à. Đâu chỉ có trồng trọt, chăn nuôi mà còn vận chuyển nông sản cho mình, cho hàng xóm. Đến khi máy móc hỏng hóc, tìm thợ sửa chữa rất khó, lại mất nhiều thời gian chờ đợi, vì thế tôi học nghề, trở thành thợ sửa chữa máy nông cụ luôn”.
Ngồi với nhau bên bàn nước đặt ngoài sân có giàn bông giấy lòa xòa, trở lại câu chuyện nuôi trâu, tôi hỏi: “Các anh gặp khó khăn gì trong quá trình nuôi?”. Anh Dũng trần tình: “Để cải thiện chất lượng đàn trâu, lại tránh được tình trạng giao phối cận huyết, chúng tôi mong muốn có được con trâu đực lai trong đàn. Với giá như hiện nay, con trâu đực lai độ 2 năm tuổi có giá khoảng hơn 50 triệu đồng. Nếu được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, chúng tôi sẵn sàng bỏ ra 50% kinh phí để sở hữu một con như vậy. Nó không chỉ phối giống cho đàn trâu của chúng tôi mà còn cho cả những đàn trâu ở xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah), phía bên kia hồ nữa”.
Đa dạng hóa vật nuôi, cây trồng để làm giàu chính đáng là chủ trương của Đảng và Nhà nước. Vậy nên, mong muốn cải thiện chất lượng đàn trâu của 2 nông dân này quả thật đúng đắn!
Đình Phê