Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Thú sưu tập tranh và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chưa khi nào hoạt động sưu tập tranh tại phố núi Pleiku lại được quan tâm như thời gian gần đây. 

logo-van-hoa-va-phat-trien.jpg

Việc một số cá nhân sẵn lòng bỏ ra số tiền không nhỏ để sở hữu các tác phẩm mỹ thuật rồi lần đầu tiên Bảo tàng tỉnh sưu tập tranh của họa sĩ trong tỉnh được xem là điều đáng quý trong đời sống văn hóa. Nói như đại văn hào Victor Hugo: “Yêu cái đẹp là nhận ra ánh sáng”.

Một không gian đậm chất “nghệ” là cảm nhận của nhiều người khi bước vào ngôi nhà ấm cúng của nhà thơ, họa sĩ Lê Vi Thủy. Nội thất bài trí theo phong cách vintage vừa cổ điển vừa hiện đại. Trên tường, ngoài một số tranh của chủ nhà còn điểm xuyết tác phẩm của nhiều họa sĩ Gia Lai đã và đang tạo dựng được tên tuổi trong giới mỹ thuật. Đó là các bức: Bản sắc làng (họa sĩ Lê Hùng), Hoa pơ lang đường về (Hồ Thị Xuân Thu), Mùa quỳ (Nguyễn Văn Chung), Cá (Mai Quý Ngọc)…

nha-tho-hoa-si-le-vi-thuy-ben-tac-pham-mua-quy-cua-hoa-si-nguyen-van-chung-anh-pd.jpg
Nhà thơ, họa sĩ Lê Vi Thủy bên tác phẩm "Mùa quỳ" của họa sĩ Nguyễn Văn Chung. Ảnh: P.D

Lê Vi Thủy cho hay, chị mong muốn về lâu dài sẽ sưu tập đầy đủ tranh của một số họa sĩ mà mình yêu mến nhằm lưu lại dấu ấn sáng tạo đặc trưng của từng người với những phong cách khác nhau. Theo chị, đó là sở thích, là cách thư giãn, mang đến xúc cảm tựa như được nghe bản nhạc hay.

Cách chị Lê Vi Thủy sưu tập cũng rất cảm hứng. “Hôm đó, tôi thấy anh Nguyễn Văn Chung đưa bức “Mùa quỳ” lên trang cá nhân là mê ngay. Tôi nhắn hỏi anh, bức này đã có ai sưu tập chưa, nếu chưa thì để cho em”-chị Thủy kể.

Bức tranh phác họa khung cảnh thiên nhiên sống động với nét chấm phá là một phụ nữ Jrai gùi củi đi giữa ngờm ngợp quỳ vàng. Riêng với tác phẩm sơn mài “Hoa pơ lang đường về” mang đậm phong cách Tây Nguyên đời thường, thể hiện bằng gam màu âm trầm, sang trọng của nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu thì chị phải cân nhắc vài lần vì lý do tài chính, song sau đó vẫn quyết định “rước” về treo vì đã trót yêu.

Qua một thời gian lặng lẽ sưu tập, đến nay, Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh) đã sở hữu khoảng 30 tác phẩm hội họa của những tác giả mà anh yêu mến ở nhiều tỉnh thành. Chất liệu các tác phẩm anh sưu tập rất phong phú, từ sơn dầu, sơn khắc, sơn mài đến acrylic, tranh xé dán…

Với các tác giả Gia Lai, anh vừa sưu tập bức “Nhà em ở bên đồi” (họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu), một tác phẩm vừa góp mặt ở triển lãm “Nghe kể chuyện làng mình” được nữ họa sĩ tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh hồi tháng 9-2024. Gần đây nhất, anh sở hữu bức “Gió chiều” ngay khi triển lãm “Dấu ấn đại ngàn” của họa sĩ Mai Quý Ngọc khép lại vào đầu tháng 1-2025 tại Bảo tàng tỉnh.

Vượt qua sự eo hẹp túi tiền viên chức, bất chấp sự tò mò của một số người với câu hỏi: “Mua tranh để làm gì?”, bộ sưu tập của Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn ngày càng dày thêm. Anh trò chuyện: “Thế hệ của mình khổ quá, làm gì nghĩ được đến chuyện chơi tranh. Vì vậy, bây giờ tôi muốn tạo ra một không gian để con cái có điều kiện tiếp xúc gần hơn, được sống trong môi trường nghệ thuật”. Anh quan niệm, nghệ thuật là yếu tố rất quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. Hội họa mang đến những rung cảm sâu xa, tạo ra năng lượng tích cực khiến tâm trạng thoải mái, dễ chịu cho người sở hữu.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn cho hay, anh mua tranh không chỉ để thưởng thức mà còn “ngắm nghía” bằng con mắt của một người “mắc bệnh nghiên cứu” với mong muốn lan tỏa, góp phần quảng bá nghệ thuật, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cộng đồng. “Nhiều người cho rằng mua tranh là xa xỉ. Đó là vì họ chưa biết nó đẹp, nó giá trị chỗ nào. Tôi hy vọng các ý kiến chia sẻ về những tác phẩm mình sưu tập có thể giúp mọi người đến gần hơn với nghệ thuật”-anh nói.

khach-tham-quan-chiem-ngam-cac-tac-pham-tai-trien-lam-dau-an-dai-ngan-cua-hoa-si-mai-quy-ngoc-tai-bao-tang-tinh-anh-pd.jpg
Khách tham quan triển lãm “Dấu ấn đại ngàn” của họa sĩ Mai Quý Ngọc tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Năm 2025 đánh dấu lần đầu tiên Bảo tàng tỉnh sưu tập tác phẩm của các họa sĩ trong tỉnh. Ông Lê Thanh Tuấn-Giám đốc Bảo tàng tỉnh-thông tin: Đơn vị vừa sưu tập 2 tác phẩm của họa sĩ Mai Quý Ngọc gồm bức “Tâm sự” (chất liệu acrylic tổng hợp, đạt giải C Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2018) và tác phẩm “Mùa lan” (chất liệu sơn dầu). Giám đốc Bảo tàng tỉnh khẳng định, tuy kinh phí hạn hẹp nhưng thời gian tới, đơn vị tiếp tục sưu tập dần để sau này mở rộng không gian trưng bày mỹ thuật Gia Lai cũng như mỹ thuật Tây Nguyên tại Bảo tàng.

Đây là tin vui với người cầm cọ bởi họa sĩ nào cũng đều mong muốn lan tỏa giá trị tác phẩm ngay tại vùng đất đã bao dung, nuôi lớn cảm hứng sáng tạo. Đơn cử, họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu từng bán một số tác phẩm với giá thấp hơn nhiều so với mức đã định bởi lý do rất dễ mến: nhà sưu tập là người trong tỉnh. Bà cho hay, nếu 1 bức tranh có nhiều nhà sưu tập cùng muốn sở hữu thì bà luôn ưu tiên người Gia Lai.

Họa sĩ tại phố núi bắt đầu sống tốt với nghề, công chúng chịu… bỏ tiền ra mua tranh, khác với nhiều năm về trước. Thật đáng kinh ngạc khi chỉ trong 15 ngày mở cửa triển lãm “Dấu ấn đại ngàn” (từ ngày 21-12-2024 đến 5-1-2025), họa sĩ Mai Quý Ngọc đã bán được hơn nửa số tranh trong tổng số 45 bức được trưng bày.

Mỹ thuật đang đi thẳng vào đời sống, cống hiến những giá trị mà chỉ loại hình nghệ thuật này có được. Nhu cầu “ăn no, mặc ấm” chuyển sang “ăn ngon, mặc đẹp”, giao lưu tình cảm, thưởng thức nghệ thuật là điều rất đáng ghi nhận trong đời sống văn hóa của phố núi.

Có thể bạn quan tâm