Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Thứ trưởng Bộ GTVT: Có quá nhiều bài học cần rút ra từ Cát Linh - Hà Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, sau 13 năm, dự án Cát Linh - Hà Đông đã chạm đến thời khắc lịch sử, trở thành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam cũng như Hà Nội chính thức khai thác.

Trao đổi với báo chí chiều nay, 4.11, trước thời điểm bàn giao, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, có rất nhiều bài học rút ra từ dự án Cát Linh - Hà Đông, do đây là dự án thí điểm kinh nghiệm chưa nhiều. Từ khâu chuẩn bị đầu tư chưa tốt, dự án thí điểm đầu tiên nên kinh nghiệm chưa nhiều, phải điều chỉnh bổ sung, trình các cấp thẩm quyền vì kéo dài. Hệ thống quy định của pháp luật với các dự án EPC chưa có, chưa đồng bộ. Đây cũng là bài học cho việc triển khai các dự án đường sắt đô thị khác trong tương lai.
 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông. Ảnh: Thành Chung


Đặc biệt, giải phóng mặt bằng (GPMB) xong cơ bản vào 2015, thi công tới cuối 2017 là xong, nhưng có nhiều phần như khảo sát, thiết kế kéo dài cả 5 năm.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn, sau thời điểm bàn giao giữa Bộ GTVT và TP.Hà Nội vào 7 giờ sáng 6.11, tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ chính thức khai thác vận hành thương mại.

Cụ thể, tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ khai thác 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 vận hành kỹ thuật từ cuối 2020 đến đầu 2021. Giai đoạn 2 từ ngày 6.11, sẽ khai thác giai đoạn đầu theo yêu cầu của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước. Quy chuẩn của Trung Quốc và tiêu chuẩn châu Âu đánh giá giai đoạn này kéo dài 1 - 3 năm, nhưng Hội đồng nghiệm thu đã thống nhất với TP.Hà Nội và tư vấn Ricardo sẽ khai thác trong 1 năm.

Sau 1 năm thì tư vấn đánh giá an toàn hệ thống sẽ chuyển sang giai đoạn 3 là khai thác, vận hành bền vững.

“Sau 10 năm thi công xây dựng và 13 năm nếu tính từ thời điểm Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án, đây là thời điểm mang tính chất lịch sử để đưa tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam và của Hà Nội vào hoạt động. Đây là dự án rất mới với hàng loạt khó khăn vướng mắc, nhưng các bên, đặc biệt là Bộ GTVT đã vượt qua vô vàn khó khăn”, ông Tuấn cho hay.

Về lưu lượng chạy tàu, theo ông Tuấn, còn phụ thuộc vào lưu lượng hành khách, phải có thời gian để nhân dân tiếp nhận. Từ Cát Linh xuống ga Hà Đông dài 13 km chỉ kéo dài khoảng 23 phút, nhưng nếu đi ô tô phải mất 45 phút đến 1 tiếng. Ngoài ra, khu depot đặt ở ga Yên Nghĩa (Q.Hà Đông), quy mô 40 ha dự trữ quỹ đất, để có thể phát triển nối dài từ ga Hà Đông về Xuân Mai (dài 15 km), tổng chiều dài toàn tuyến Cát Linh - Hà Đông - Xuân Mai là 30 km.

Vì sao công nghệ Trung Quốc lại đánh giá tiêu chuẩn châu Âu?

Trả lời câu hỏi dự án được thiết kế và sử dụng theo công nghệ Trung Quốc nhưng đánh giá lại theo công nghệ của châu Âu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tiêu chuẩn thiết kế của dự án đường sắt đô thị ở Việt Nam hiện chưa có, mới chỉ có tiêu chuẩn về thi công, khai thác. Bộ GTVT mới chỉ ban hành thông tư về khai thác.

Trong quá trình thực hiện theo khung tiêu chuẩn chung, cái gì không có thì dựa theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, nhưng tiêu chuẩn của Trung Quốc cũng dựa theo châu Âu. Đơn vị châu Âu đánh giá tiêu chuẩn an toàn, việc đánh giá trên cơ sở thiết kế của dự án chứ không đánh giá theo tiêu chuẩn của châu Âu.

“Ngay từ đầu các tiêu chuẩn đã không đồng bộ, vì vậy, việc thực hiện có nhiều khó khăn. Việc này rút ra được nhiều kinh nghiệm cho các dự án sau này”, ông Đông nêu. Thứ trưởng Bộ GTVT nêu rõ, trong quá trình chuẩn bị đầu tư chưa tốt nên việc thực hiện đã phải điều chỉnh nhiều. Do đó, trong tương lai, các dự án trong đô thị phải tách riêng dự án giải phóng mặt bằng và thi công, để đảm bảo tiến độ của dự án.

“Dự án xây dựng có tính chất trọn gói chưa đồng bộ. Dự án ODA thực hiện theo hợp đồng FIDIC, EPC nhưng các tiêu chuẩn ở Việt Nam chưa có quy định chi tiết, chưa phù hợp nên gặp nhiều khó khăn”, ông Đông nói thêm.

Dự án 3 - 4 lần lỡ hẹn, chậm 6 năm

Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng cho biết, dự án vô cùng phức tạp, dù đã tính tới việc khai thác từ những năm 2014 - 2015, nhưng không thể vận hành được. “Đến nay, sau khoảng 3 - 4 lần lỡ hẹn thì chúng tôi mới triển khai khai thác. So với kế hoạch thì thực tiễn khai thác đã chậm khoảng 6 năm", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, lý do chậm trễ của dự án rất nhiều, do thủ tục, hợp đồng, giải phóng mặt bằng và các tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam.


 

Ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội. Ảnh: Thành Chung


Nhiều lo ngại cho rằng, Hà Nội mới chỉ có 1 dự án đường sắt đô thị thì khó phát huy hiệu quả. Ông Tuấn thừa nhận và cho biết, chỉ một dự án thì sẽ không phát huy được hiệu quả, vì vậy, trong quy hoạch của Hà Nội đã có hệ thống đường sắt đô thị để tạo sự đồng bộ. Hiện, một số dự án đang được thi công và đang chuẩn bị đầu tư các dự án như Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Nam Thăng Long - Nội Bài...

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Metro Hà Nội, thì cho biết luật quy định, hành khách đi đường sắt đô thị được mua bảo hiểm. Bắt đầu từ ngày 6.11, hành khách đầu tiên đi tàu thì hợp đồng bảo hiểm sẽ được kích hoạt ngay. Nếu xảy ra tình huống mất an toàn trong quá trình đi tàu, hành khách sẽ được chi trả bảo hiểm.

Cũng như xe buýt, vé đường sắt đô thị được trợ giá, bảo hiểm với hành khách nằm trong giá vé và trường hợp xảy ra thiệt hại với hành khách thì sẽ được bảo hiểm chi trả, hành khách không phải bỏ thêm đồng nào ngoài tiền vé đã mua.
Đang xử lý trách nhiệm

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên liên quan đến xử lý trách nhiệm của các bên do chậm trễ kéo dài, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dự án chậm trễ do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên, dự án thí điểm và kéo dài nên sẽ không lường trước được những phát sinh.

Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư là Bộ GTVT chịu trách nhiệm chung khi dự án chậm trễ. Chủ đầu tư đã làm không tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nghiệm thu dự án chưa thông suốt. Bộ GTVT sẽ mổ xẻ để làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng phần việc và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo MAI HÀ (TNO)

Có thể bạn quan tâm