Kinh tế

Nông nghiệp

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh: Tập trung tìm giải pháp tăng năng suất, chất lượng cây mì

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 8-4, tại TP. Pleiku, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị về thực trạng và định hướng phát triển mì bền vững tại Việt Nam. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đak Lak Y Giang Gry Niê Krơng, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Như Cường chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh trọng điểm trồng mì trên nước ta.

Thực trạng sản xuất 

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết: Năm 2021, cây mì được trồng tập trung chủ yếu tại 5 vùng chính, gồm: trung du miền núi phía Bắc 100 ngàn ha; Bắc Trung Bộ 53 ngàn ha; duyên hải Nam Trung Bộ 102 ngàn ha; Tây Nguyên 172,5 ngàn ha; Đông Nam Bộ hơn 92,5 ngàn ha (giảm 40 ngàn ha so với năm 2015). Năng suất bình quân đạt 20,3 tấn/ha (tăng 1,4 tấn so với năm 2015), trong đó vùng Đông Nam Bộ gần 30 tấn/ha, duyên hải Nam Trung Bộ 20,4 tấn/ha, Tây Nguyên hơn 20 tấn/ha, Bắc Trung Bộ hơn 18 tấn/ha và trung du miền núi phía Bắc gần 13 tấn/ha.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Lê Nam


Hiện nay, cơ cấu các giống mì mới đang được trồng phổ biến tại Việt Nam, như: KM94, KM95, HLS-11, KM98-1, KM140, KM419 và KM98-7... Ngoài ra, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và các viện thành viên đã phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế-CIAT, cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản-JICA và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc-FAO triển khai 9 giống mì mới được công nhận lưu hành bao gồm: 6 giống kháng bệnh khảm lá mì là HN3, HN5, HN1, HN36, HN80, HN97, giống mì HL-S12, HL-S14, STB1 có năng suất cao. Các giống mì mới có thời gian sinh trưởng 9-10 tháng, kháng bệnh khảm lá vi rút cao. Đặc biệt, 2 giống mì HN1 và HN36 có khả năng kháng bệnh, năng suất, tinh bột cao.

Cả nước hiện có 27 tỉnh có nhà máy chế biến tinh bột mì và có khoảng 120 nhà máy chế biến tinh bột mì quy mô công nghiệp, tổng công suất thiết kế 11,3 triệu tấn củ tươi/năm, tổng công suất thực tế 8,62 triệu tấn/năm. Công nghệ chế biến tinh bột mì của Việt Nam ở mức trung bình so với thế giới và chủ yếu sử dụng công nghệ của Trung Quốc, Thái Lan. Chính vì vậy, vấn đề nổi cộm trong chế biến mì đó là tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Việt Nam là nước xuất khẩu mì và sản phẩm từ mì đứng thứ 3 thế giới. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu mì đạt gần 2,9 triệu tấn, trị giá gần 1,2 tỷ USD, tăng 2,4% về lượng và 16,5% về trị giá so với năm 2020. Trung Quốc là thị trường chính nhập khẩu mì, chiếm 90-94%.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Nam



Còn Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt thông tin: Từ tháng 6-2017, bệnh khảm lá vi rút hại mì lần đầu tiên xuất hiện và gây hại ở tỉnh Tây Ninh. Đến nay, bệnh đã lan rộng ra 27 tỉnh, thành phố trong cả nước và gây hại hơn 65.450 ha; bệnh rệp sáp bột hồng xâm nhập gây hại mì ở một số tỉnh vùng Đông Nam Bộ, miền Trung, Bắc Trung Bộ qua con đường vận chuyển hom giống với diện tích nhiễm 308 ha; bọ phấn trắng là môi giới truyền bệnh khảm lá mì diện tích 3.558 ha; nhện đỏ gây hại với diện tích 1.964 ha…

Gia Lai là tỉnh có diện tích mì lớn nhất cả nước với hơn 81 ngàn ha. Ngoài việc được sử dụng làm lương thực cho con người, làm thức ăn gia súc, mì còn là cây công nghiệp xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Toàn tỉnh có 5 nhà máy chế biến tinh bột mì với tổng công suất 1.250 tấn thành phẩm/ngày. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa, do diện tích canh tác không tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn thấp nên sản lượng bình quân chỉ đạt khoảng 20 tấn/ha. Việc tăng nhanh diện tích trồng mì thời gian qua đã phá vỡ quy hoạch, kế hoạch của tỉnh Gia Lai, dẫn đến đất bị xói mòn, rửa trôi nghiêm trọng. Ngoài ra, người trồng mì chủ yếu canh tác theo phương thức quảng canh, ít đầu tư thâm canh nên đất trồng mì có xu hướng thoái hóa, bạc màu, khó phục hồi. Ngoài ra, cây mì lại thường xuyên xảy ra sâu bệnh hại, nhất là bệnh khảm lá vi rút; giá mì không ổn định, sản phẩm chế biến từ cây mì còn đơn điệu nên thu nhập của người trồng mì tương đối thấp khoảng 20-25 triệu đồng/ha.

Giải pháp phát triển cây mì bền vững

Ở Việt Nam, mì được xem là cây dễ trồng, ít kén đất, ít vốn đầu tư, phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau và điều kiện kinh tế nông hộ. Mì đồng thời cũng là cây thức ăn gia súc quan trọng, tinh bột mì là mặt hàng xuất khẩu có giá trị, thị trường đầu ra tốt. Việt Nam có thế mạnh về sản xuất mì, diện tích trồng mì đứng thứ 3 sau lúa và bắp. Tinh bột mì và mì lát Việt Nam đã trở thành 1 trong 7 mặt hàng xuất khẩu có triển vọng, được Chính phủ và các địa phương quan tâm. Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường, để phát triển cây mì bền vững, các đơn vị: Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các viện nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với Hiệp hội mì Việt Nam, Sở Nông nghiệp và PTNT các địa phương cần tăng cường nghiên cứu, đầu tư khoa học công nghệ trong trồng và chế biến; đa dạng hóa sản phẩm từ mì; đa dạng hóa thị trường; tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh liên kết, gắn vùng sản xuất nguyên liệu và nhà máy chế biến. Tăng cường nghiên cứu, chọn, tạo nhân nhanh, chuyển giao mạnh mẽ các giống mì (năng suất, hàm lượng tinh bột cao, kháng bệnh khảm lá) và canh tác, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất mì. Tăng cường liên kết giữa vùng sản xuất và nhà máy chế biến, tổ chức lại sản xuất, tập trung phát triển hợp tác xã tại các vùng sản xuất mì; đầu tư xây dựng nhà máy phải gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, công tác khuyến nông. Xây dựng đề án xây dựng vùng nguyên liệu tập trung ổn định gắn với các nhà máy chế biến; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân trong việc liên kết sản xuất với chế biến...

Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội mì Việt Nam Nghiêm Minh Tiến: Trong 10 năm gần đây, tốc độ phát triển ngành mì của Việt Nam gia tăng nhanh. Sản phẩm từ cây mì được xuất khẩu chính sang thị trường Trung Quốc với trên 90%, công tác xúc tiến thị trường khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc còn chậm. Với mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng từ 5 đến 10%, hướng đến mục tiêu đề ra đến năm 2030 đạt từ 1,5 đến 2,0 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, ngành mì đang nỗ lực cùng với các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT để xúc tiến Đề án "Tái cơ cấu ngành" trình Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn 2050. “Giải pháp trước mắt là chuyển giao giống sạch bệnh cho người nông dân. Còn về lâu dài cần thay thế giống cũ bằng bộ giống mới có năng suất, chất lượng cao và kháng được bệnh. Đồng thời, Hiệp hội sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương để bàn bạc việc áp dụng bắt buộc các nhà máy phải cam kết với địa phương đầu tư vùng nguyên liệu 500-1.000 ha/năm, đáp ứng 30-40% nguyên liệu cho nhà máy”-ông Tiến cho hay.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Nam


Đối với Gia Lai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cho rằng: Giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ không mở rộng diện tích mì mà từng bước giảm xuống còn khoảng 65 ngàn ha. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành, địa phương tập trung hướng dẫn, hỗ trợ nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh kỹ thuật cao, lựa chọn các giống mì có khả năng kháng bệnh cao để sản xuất, nâng cao năng suất trên 1 đơn vị diện tích. Khuyến khích các nhà máy liên kết với các hợp tác xã, hộ dân trồng mì theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, áp dụng các giải pháp kỹ thuật chế biến sâu, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị thương mại cao nhằm từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người trồng mì. “Gia Lai mong muốn Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm, hỗ trợ tỉnh nguồn giống mì có khả năng kháng bệnh cao để đảm bảo nguồn giống tốt hỗ trợ cho người dân. Xem xét, sớm đầu tư xây dựng Trung tâm sản xuất giống mì khu vực Tây Nguyên, đặt tại tỉnh Gia Lai để chủ động nguồn giống kháng bệnh, năng suất cao, chất lượng tốt góp phần thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu mì ở khu vực Tây Nguyên ổn định, bền vững. Đồng thời, đề nghị Trung tâm Khuyến nông quốc gia quan tâm hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất mì tiên tiến đặt ở các vùng sản xuất mì tập trung của tỉnh để người dân có thể tham quan, học tập, áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất mì”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đề xuất.

Cán bộ khuyến nông huyện Kbang hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây mì cho đồng bào dân tộc thiểu số (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Đức Thụy



Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu: Thời gian tới, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế. Tăng cường liên kết giữa các nhà máy với bà con nông dân. Quan điểm của Bộ là không đặt nặng vấn đề tăng diện tích, giữ ổn định khoảng 500 ngàn ha, mà phải tập trung thâm canh, tăng năng suất, giảm chi phí giá thành sản xuất; đặt mục tiêu đến năm 2025 năng suất bình quân lên 25 tấn/ha và đến năm 2030 đạt 30 tấn/ha. Cùng với đó, thay đổi cách nhìn về cây mì không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà xác định là cây hàng hóa. Tiếp tục rà soát, xây dựng nhà máy chế biến phải gắn với vùng nguyên liệu, đảm bảo cân đối cung-cầu, đổi mới công nghệ để đa dạng chế biến sâu các sản phẩm từ mì. Tập trung giải pháp về tăng cường tính liên kết sản xuất. Xây dựng đề án phát triển cây mì bền vững gắn với các giải pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề tồn tại hiện nay.
 

LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm