Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Tăng cường hợp tác Quốc phòng Việt - Trung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh, tăng cường hợp tác Quốc phòng Việt - Trung để tránh xung đột quân sự, đem lại hoà bình, ổn định cho hai nước và khu vực.

- P.V: Xin Thứ trưởng cho biết những hoạt động chính của Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam trong chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc lần này?

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Đoàn đại biểu cấp cao của Bộ Quốc phòng Việt Nam sang công tác ở Bắc Kinh và Thành Đô, Trung Quốc lần này có ba nội dung chính. Thứ nhất, tham dự Hội nghị an ninh quốc tế Munich. Đây là diễn đàn an ninh do Đức thành lập và luân phiên tổ chức tại nhiều thành phố trên thế giới và năm nay tổ chức tại Trung Quốc.

 

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Trung Quốc là nước chủ nhà rất tích cực, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm của các chuyên gia, các nhà quân sự quốc phòng, an ninh thế giới đối với môi trường an ninh khu vực, cũng như vai trò và trách nhiệm của Trung Quốc đối với an ninh khu vực và thế giới.

Trong hội nghị lần này, Đoàn Việt Nam sẽ có bài phát biểu về quản lý an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mục đích thứ hai của Đoàn, cũng là mục đích trọng tâm, đó là tổ chức đối thoại chính sách quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc lần thứ 9 tại Thành Đô. Trong đối thoại này, hai bên sẽ thảo luận ba nội dung lớn.

Một là đánh giá tình hình an ninh khu vực có liên quan đến quốc phòng an ninh của Việt Nam, của Trung Quốc cũng như là liên quan đến an ninh của châu Á- Thái Bình Dương.

Hai là, điểm qua việc lên kế hoạch hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây là nội dung trọng tâm của Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 9.

Nội dung thứ ba cũng rất quan trọng đó là Viện chiến lược quốc phòng Việt Nam cùng với Viện nghiên cứu chiến lược Trung Quốc sẽ ký biên bản thoả thuận hợp tác về sưu tầm tư liệu liên quan đến tư tưởng Hồ Chí Minh- Mao Trạch Đông trong xây dựng tình đoàn kết hữu nghị của quân đội hai nước Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian chống Pháp và chống Mỹ.

Có thể nói, chuyến đi lần này vừa đa phương, vừa song phương, vừa hợp tác nghiên cứu chiến lược nên chúng tôi đánh giá rất cao và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến làm việc lần này.

- P.V: Được biết ngày 2-11, Thứ trưởng đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn. Xin Thứ trưởng cho biết kết quả đạt được trong cuộc gặp?

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Ngay sau khi chúng tôi đến Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã có buổi tiếp Đoàn Quốc phòng Việt Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã tiếp đoàn trọng thị, thân mật và cầu thị.


Đồng chí Thường Vạn Toàn cũng nêu rõ, Quân ủy Trung ương, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hết sức coi trọng quan tâm đến quan hệ quốc phòng giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trong đó có những điểm sáng như hợp tác về quốc phòng biên giới, hợp tác về đào tạo, hợp tác về nghiên cứu.

Đồng chí Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng mong muốn trong thời gian tới, hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng với phương châm hiệu quả, thiết thực và phong phú trong nhiều lĩnh vực.   

Đáp lại ý kiến của đồng chí Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, tôi và đoàn Việt Nam đã gửi tới đồng chí Thường Vạn Toàn lời thăm hỏi thân tình, trọng thị của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam; đồng thời chúng tôi cũng trình bày với đồng chí Thường Vạn Toàn về dự kiến tăng cường hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc trong thời gian tới.

Phía Việt Nam hoàn toàn nhất trí với những đề nghị, sáng kiến của đồng chí Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, và cụ thể hoá nó bằng nội dung đối thoại chính sách diễn ra vào ngày 4-11 tại Thành Đô, Trung Quốc.

 

 

Đặc điểm của chuyến làm việc lần này là đã có sự chuẩn bị rất tốt, từ trước đây hơn một tháng, khi tôi tháp tùng Đoàn đại biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Trung Quốc, tôi đã gặp đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng, Thượng tướng Tôn Kiến Quốc và đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng, Thượng tướng Thạch Kiến Quốc để bàn những nội dung cơ bản sẽ trao đổi trong lần này, thống nhất những nội dung hai bên cùng chuẩn bị.

Đối thoại chính sách quốc phòng lần này lại là công tác chuẩn bị để đầu năm tới Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sang thăm Việt Nam, kết hợp với tham dự đối thoại chính sách quốc phòng biên giới, kết hợp với giao lưu quốc phòng biên giới Việt - Trung tại Lai Châu và Vân Nam (Trung Quốc-P.V), sẽ thoả thuận chính thức và ký kết hàng loạt văn bản quan trọng trong hợp tác quốc phòng Việt - Trung.

Chúng tôi rất phấn khởi về kết quả cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn. Đồng chí Thường Vạn Toàn cũng bày tỏ rất hài lòng trước những gì mà hai bên đang thực hiện, đồng thời đồng chí cũng khẳng định phía Trung Quốc sẽ tiếp tục cố gắng nhiều hơn để tăng cường hợp tác quốc phòng Trung Quốc - Việt Nam, đem lại hoà bình ổn định cho Việt Nam, cho Trung Quốc và đóng góp cho hoà bình ổn định của khu vực.

- P.V: Xin Thứ trưởng cho biết những nội dung chính mà hai bên sẽ bàn thảo trong Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt - Trung lần thứ 9?

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Như tôi đã nói, đây là hoạt động thường niên nhằm trao đổi vấn đề an ninh khu vực; kiểm điểm lại kế hoạch hợp tác quốc phòng của năm trước và xây dựng kế hoạch hợp tác trong năm kế tiếp. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của Đối thoại lần này là chuẩn bị tốt cho chuyến thăm chính thức Việt Nam vào đầu năm 2017 của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn. Vì vậy chúng tôi có nhiều nội dung cần bàn bạc, đặc biệt là những nội dung chưa thỏa thuận được, cần tích cực chuẩn bị trong thời gian tới.

Trước hết là chúng tôi cần tích cực chuẩn bị để hai Bộ trưởng Quốc phòng ký kết được Biên bản Tầm nhìn Quốc phòng Việt - Trung những năm đầu thế kỷ 21. Đây là văn kiện quốc phòng cao nhất trong các văn kiện thông lệ được sử dụng trên thế giới. Sau Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc sẽ là nước thứ 3 Việt Nam ký kết văn kiện quan trọng này. Trong đó nổi lên định hướng, chính sách của hai nước cũng như cam kết của hai Chính phủ, hai Đảng, hai Quân đội về việc tăng cường quan hệ quân đội Việt - Trung trong khuôn khổ Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung.

Thứ hai là chúng tôi cũng chuẩn bị để hai bên ký lại Hiệp định Giao lưu hợp tác quốc phòng biên giới được ký năm 2003. Dự kiến dịp tới sẽ ký lại toàn bộ hợp tác giao lưu, công tác phối hợp để bảo vệ an ninh biên giới trên bộ và trên Vịnh Bắc Bộ. Đây cũng là một văn kiện rất quan trọng, vừa đưa ra những điểm mang tính chủ trương vừa chứa đựng những vấn đề mang tính kỹ thuật, nhất là trong công tác phối hợp bảo vệ biên giới, chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ an ninh và phối hợp xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, phát triển.

Thứ ba là ký kết văn kiện về hợp tác giáo dục đào tạo, trong đó trọng tâm là giáo dục đào tạo tiếng Trung Quốc tại Việt Nam và ngược lại cho những sỹ quan biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, sỹ quan các đơn vị giáp biên giới. Rõ ràng khi hai bên có một đội ngũ sỹ quan hiểu ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế, chính trị của nhau thì quan hệ của hai bên sẽ tốt lên rất nhiều, đặc biệt là đối với lớp trẻ.

Thứ tư là ký kết nội dung hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, trước mắt là trên Vịnh Bắc Bộ. Thời điểm máy bay CASA212 gặp nạn, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã lập tức trao đổi với Đại sứ, Tùy viên Quân sự của bạn, nhờ Bộ Quốc phòng Trung Quốc giúp đỡ vì điểm gặp nạn của máy bay này nằm ngay ở đường phân định trên Vịnh Bắc Bộ. Phía Trung Quốc ngay lập tức đáp ứng tích cực bằng những hành động hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực. Đây là hoạt động hợp tác rất có ý nghĩa, thực tế nhưng đồng thời cũng mang lại sự thông cảm, hiểu biết, chia sẻ, đoàn kết trên biển, trước hết là trên Vịnh Bắc Bộ.

Thứ năm là phải chuẩn bị và đi vào ký kết Bản Thỏa thuận của hai Viện nghiên cứu chiến lược về Tư tưởng Hồ Chí Minh và Tư tưởng Mao Trạch Đông. Đây là công trình sưu tầm tư liệu của hai bên về quá trình phối hợp của Đảng Cộng sản hai nước trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông xây dựng. Chúng ta vẫn thường nói là phải noi gương hai vị Chủ tịch trong quan hệ Việt - Trung từ trước đến nay và đây là di sản vĩ đại của hai vị Chủ tịch đã để lại cho nhân dân hai nước.

Lần này chúng tôi sẽ làm rõ di sản cho đời sau của hai vị lãnh tụ cụ thể là như thế nào; noi gương những gì để làm tài liệu nghiên cứu, học tập, tuyên truyền cho lớp trẻ. Có thể nói rằng còn nhiều nội dung khác, như hợp tác hải quân, ví dụ thời gian qua ta đón tiếp nồng hậu 3 tàu của Hải quân Trung Quốc vào thăm cảng Cam Ranh. Phía Trung Quốc rất hài lòng khi được ghé thăm quân cảng chiến lược vô cùng có giá trị của Việt Nam, hiện nay đã biến thành cơ sở kết hợp kinh tế, quốc phòng và đối ngoại của Quân đội Việt Nam.

- P.V: Xin Thứ trưởng cho biết, ngoài đối thoại chính sách quốc phòng, Quân đội hai nước còn có những cơ chế hợp tác nào khác để góp phần phát triển lành mạnh quan hệ hai nước?

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Có thể nói Việt Nam đã cố gắng, nỗ lực hết sức để xây dựng nhiều cơ chế trên nhiều tầng nấc để tăng cường quan hệ với Quân đội Trung Quốc. Ngoài Đối thoại Chính sách Quốc phòng cấp Thứ trưởng, trước hết chúng ta có quan hệ cơ chế hợp tác giữa Tổng cục Chính trị  của Quân đội hai nước nhằm chia sẻ những vấn đề liên quan đến công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Dưới đó là cơ chế hợp tác giữa hai Văn phòng của Tổng cục Chính trị.

Đối với Bộ Quốc phòng, ngoài Đối thoại này còn có cơ chế Đường dây nóng trực tiếp giữa hai Bộ trưởng. Đường dây nóng này ít khi sử dụng, nhưng khi vui nhất hay khi tình hình phức tạp nhất thì lại sử dụng rất hiệu quả. Ví dụ nhân ngày vui của hai nước thì hai Bộ trưởng Quốc phòng gọi điện chúc mừng nhau; những lúc căng thẳng, như liên quan tình hình Biển Đông hai Bộ trưởng Quốc phòng gọi điện cho nhau để trao đổi, nêu quan điểm, đồng thời khẳng định giải quyết các vấn đề trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.

Ở cấp đơn vị thì nổi bật là cơ chế hợp tác giao lưu biên giới mà bộ đội biên phòng của Việt Nam và các cơ quan tương ứng với Trung Quốc thực hiện. Chúng ta có 4 cấp giao lưu biên phòng là cấp của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Biên phòng, cấp Quân khu và các đơn vị thuộc Chiến khu miền Nam Trung Quốc, cấp Tỉnh đội và các Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh của Việt Nam với các tỉnh của Trung Quốc. Đây là những cơ chế rất hiệu quả, rất thực tế vì thường xuyên diễn ra, cọ xát hàng ngày. Dưới đó là tuần tra chung của biên phòng, được kết hợp giữa bộ đội biên phòng với thanh niên, cựu chiến binh, phụ nữ, thiếu nhi. Đây là cơ chế hai bên coi là điểm sáng trong quan hệ quốc phòng Việt - Trung. Trên biển có cơ chế tuần tra chung của hải quân, cảnh sát biển; cơ chế mối liên hệ giữa hai Văn phòng tìm kiếm cứu nạn quốc gia, ở Việt Nam Văn phòng này trực thuộc Bộ Quốc phòng, còn ở Trung Quốc thì Bộ Quốc phòng đóng vai trò quan trọng.

Chúng ta có nhiều cơ chế và hai bên xác định cơ chế nào thực sự hiệu quả thì mới triển khai và cơ chế nào chưa hiệu quả thì phải làm cho hiệu quả. Tôi tin rằng với những cố gắng nỗ lực các cơ chế này sẽ đóng góp cho mối quan hệ tốt đẹp về quốc phòng giữa hai nước. Một điểm cần nói thêm là trên các diễn đàn đa phương chúng ta cũng có phối hợp với Trung Quốc, đặc biệt là các diễn đàn do ASEAN chủ trì như Diễn đàn Bộ trưởng Quốc phòng ADMM, ADMM+, ADMM + 1.

Trên các diễn đàn này hay trong quan hệ song phương với Trung Quốc, điều khiến chúng tôi hài lòng là bên cạnh việc nêu những điểm đồng, điểm tích cực trong quan hệ hai nước, hai quân đội thì hai bên cũng thẳng thắn nêu những điểm tồn tại và thẳng thắn đấu tranh với nhau dựa trên quan điểm chính thống của Đảng, Nhà nước hai bên.

Ví dụ về vấn đề Biển Đông chúng ta đấu tranh một cách minh bạch, rõ ràng, thẳng thắn bằng quan điểm chính thống nhưng cũng rất tôn trọng bạn, đặc biệt là phải đấu tranh nhưng không để đổ vỡ quan hệ; đấu tranh để Việt Nam không bị bất kỳ một ai lôi kéo vào mối quan hệ phức tạp trong khu vực nhằm chống Trung Quốc; ngược lại chúng ta cũng hy vọng, đấu tranh và tin rằng Trung Quốc cũng phải tôn trọng chúng ta; đấu tranh trên cơ sở hai quốc gia có chủ quyền tôn trọng lẫn nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt về quốc phòng quân sự thì đấu tranh nhưng không để xảy ra xung đột quân sự. Đây là mục tiêu đầu tiên, cao nhất, quan trọng nhất trong quan hệ quốc phòng Việt - Trung.

- P.V: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm