Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Thủ tướng chỉ đạo đóng tất cả cửa rừng tự nhiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều diện tích rừng giao rồi nhưng do lực lượng mỏng, cùng với tình trạng tiêu cực, tham nhũng, bảo kê, bao che dẫn đến mất rừng diễn ra tương đối phổ biến.

 Những thân gỗ lớn bị lâm tặc đốn hạ trong rừng phòng hộ Đức Cơ, địa phận xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai
Những thân gỗ lớn bị lâm tặc đốn hạ trong rừng phòng hộ Đức Cơ, địa phận xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai


Đó là kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị “Các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020” tổ chức ở Đak Lak sáng 20-6.

Thủ tướng cho rằng việc suy giảm diện tích, chất lượng rừng Tây nguyên trong những năm qua là hết sức nghiêm trọng, nếu không sớm ngăn chặn thì hậu quả sẽ khôn lường.

4 năm mất 180.000 ha rừng

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát cho biết đến hết năm 2014, diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch cho Tây nguyên hơn 3,3 triệu ha. Cụ thể, đất có rừng hiện nay là hơn 2,5 triệu ha, giảm 180.000ha rừng so với năm 2010.

Theo ông Phát, diện tích rừng tự nhiên giảm là do chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả là 110.000ha, chiếm 40,3%; chuyển rừng sang mục đích xây dựng công trình thủy điện, giao thông... 37.000 ha, chiếm 13,8%; còn lại là do phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất canh tác với gần 123.000 ha, chiếm 45%...

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chỉ trong vòng 4 năm mà Tây nguyên mất 180.000 ha rừng là một con số quá lớn. Ngoài việc mất rừng, chất lượng rừng còn lại rất kém, những cây gỗ to, những cây gỗ quý đã bị chặt phá một cách nghiêm trọng.

“Vì vậy, nếu không nhanh chóng chấn chỉnh thì rừng Tây nguyên sẽ kiệt quệ, hậu quả sẽ khôn lường”-Thủ tướng cảnh báo. Cũng theo Thủ tướng, rừng Tây nguyên là mái nhà của Đông Dương, có vị trí chiến lược rất quan trọng và cũng ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung và Đông Nam bộ. “Mất rừng là mất Tây nguyên, tôi nói nghiêm trọng là ở chỗ đó”-Thủ tướng nhấn mạnh.

Về nguyên nhân mất rừng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng căn bản là “rừng chúng ta đang vô chủ, cha chung không ai khóc”. Theo số liệu, rừng giao cho người dân chỉ chiếm 4%, số còn lại 96% giao cho các tổ chức nhưng gần như không được

quản lý, giám sát chặt chẽ. “Nhiều diện tích rừng giao rồi nhưng do lực lượng mỏng, cùng với tình trạng tiêu cực, tham nhũng, bảo kê, bao che dẫn đến mất rừng diễn ra tương đối phổ biến”-Thủ tướng nói.

Không được cấp phép, tận thu gỗ

Để chấn chỉnh nạn mất rừng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương xây dựng các phương án, giao cho một lực lượng chuyên trách chủ trì thực hiện để điều tra, truy bắt các băng nhóm phá, tiêu thụ gỗ rừng.

“Cũng cần làm rõ trách nhiệm của kiểm lâm, địa bàn, tránh tình trạng cha chung không ai khóc. Điều này chúng ta đã nói nhiều rồi, cây gỗ chứ không phải cây kim bỏ trong túi mà giấu được. Các cơ sở chế biến gỗ tự nhiên cần được dẹp bỏ và phải cấm xuất khẩu gỗ tự nhiên đã qua chế biến để chặn đầu ra. Chúng ta đã cấm xuất khẩu gỗ tròn nhưng chưa cấm gỗ tự nhiên đã qua chế biến, đó là một kẽ hở” - Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Dừng cấp phép các thủy điện chiếm rừng

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh Tây nguyên dừng cấp phép cho các công trình thủy điện bao chiếm rừng, đất rừng. Yêu cầu các thủy điện phải thực hiện nghiêm quy định trồng rừng thay thế, kiên quyết thu hồi giấy phép đối với những thủy điện không chấp hành việc trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tạo cơ chế chính sách để người ở dưới tán rừng, người có đất rừng đủ sống...

Về giải pháp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chính phủ sẽ đóng tất cả các cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại cho mục đích khác, kể cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai, trừ các dự án liên quan an ninh, quốc phòng quan trọng. Từ nay các địa phương không được cấp phép, tận thu gỗ nữa nhằm ngăn chặn việc lợi dụng chủ trương chuyển đổi rừng nghèo để phá rừng”.

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ không cho chuyển rừng nghèo, rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp. “Chúng ta đã có một diện tích cây cà phê, cao su và các cây công nghiệp khác tương đối lớn. Vì vậy chúng ta đi vào thâm canh, đầu tư công nghệ cao để tăng chất lượng, giá trị cây trồng chứ không phải cứ mở ra tràn lan để tăng diện tích, sản lượng. Các địa phương cần rút kinh nghiệm sâu sắc về vấn đề này”-Thủ tướng kết luận.

Theo Tuoitre

Có thể bạn quan tâm