Kinh tế

Doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững” diễn ra sáng 11-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lắng nghe các đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp cũng như các bộ, ngành Trung ương và địa phương; đồng thời nhấn mạnh nhiều nội dung lớn mang tính chất nền tảng để nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành cùng lãnh đạo các sở, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và đại diện nhiều doanh nghiệp.

Hơn 130 ngàn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp về những khó khăn, thách thức khi vừa phải chống dịch, vừa duy trì hoạt động kinh doanh trong thời gian qua. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động “biến nguy thành cơ”, tìm ra giải pháp khắc phục khó khăn, đoàn kết vươn lên phát triển, góp phần cùng sự phát triển chung của đất nước. Trên cơ sở nhận diện thời cơ, thách thức, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp tập trung đánh giá những mặt được, chưa được; chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển doanh nghiệp đúng hướng, lành mạnh, bền vững, góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội đất nước.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với doanh nghiệp với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững” tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Nguyễn
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Nguyễn


Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin: Đến hết tháng 7-2022, cả nước có khoảng 871.000 doanh nghiệp đang hoạt động có phát sinh thuế, tăng gần 13% so với năm 2019. Trong đó, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông-lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,4%; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 31,2%; dịch vụ chiếm 67,4%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 7 tháng qua ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2021. Một điểm đáng mừng trong bối cảnh khó khăn hiện nay nhưng gần 92% doanh nghiệp cho rằng sẽ giữ nguyên quy mô kinh doanh hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh trong quý III-2022; 85% doanh nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III-2022 sẽ ổn định và có xu hướng tốt lên so với các quý trước.

Tính riêng 7 tháng năm 2022, cả nước có hơn 130.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; quy mô, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2022 đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, hiện nay, thị trường của doanh nghiệp, nhất là thị trường nội địa trong một số ngành phục hồi 75-85% so với thời điểm trước dịch bệnh Covid-19; thị trường du lịch và vận tải hàng không nội địa phục hồi tương ứng gần 100% và 85%.

Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp ngành dệt may, logistics, hàng không, nhà thầu xây dựng, chế biến và xuất khẩu thủy sản cùng một số bộ, ngành, địa phương đã tập trung phân tích một số điểm nghẽn về thị trường, cơ sở hạ tầng, giá nhiên liệu cao làm đứt gãy chuỗi cung ứng dịch vụ; các chính sách miễn giảm về tài chính, thuế đất. Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ nhiều giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, góp phần tích cực vào việc phục hồi phát triển kinh tế. Ông Phạm Việt Dũng-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam-nêu thực trạng: Thời gian qua, giá nhiên liệu và một số giá đầu vào ở mức cao ảnh hưởng rất lớn đến các hãng hàng không, doanh nghiệp cung ứng vận chuyển hành khách. Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu và điều chỉnh khung giá trần nội địa cho các hãng hàng không và kiểm soát các hãng mới; tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ liên quan đến miễn, giảm thuế đất…

Công nhân Công ty cổ phần Bê tông và Xây lắp điện (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) tăng cường hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: Minh Nguyễn
Công nhân Công ty cổ phần Bê tông và Xây lắp điện (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) tăng cường hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: Minh Nguyễn


Trong khi đó, ông Trương Văn Cẩm-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam-nhận định: Các doanh nghiệp dệt may đang gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi một số nước còn áp dụng chính sách “Zero Covid” gây khó khăn trong việc cung ứng nguyên vật liệu cũng như tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, tình hình lạm phát ở một số nước; xung đột giữa Nga-Ukraine khiến nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận chuyển cũng tăng cao. Ông Cẩm đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may, thành lập khu công nghiệp dệt may lớn để giải quyết vấn đề về vải, nhuộm, hóa chất. Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Tài chính cần có quy định về thuế cho sản phẩm dệt may xuất khẩu tại chỗ…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp, sự trao đổi thẳng thắn của đại diện các bộ, ngành, địa phương cũng như các giải pháp được nêu ra. Thủ tướng khẳng định, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các thị trường an toàn, lành mạnh, công khai minh bạch, nhất là thị trường bất động sản, vốn, lao động và lao động chất lượng cao; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải cách hành chính mạnh mẽ thông qua việc xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số. Đồng thời, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội để doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tạo việc làm ổn định cho người dân.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát những vướng mắc, khó khăn hiện nay của tất cả các loại hình doanh nghiệp, các nguồn vốn và có kế hoạch xử lý kịp thời, hiệu quả để giải quyết dứt điểm vướng mắc; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, trong đó có nguồn lực của doanh nghiệp. “Chính phủ và các bộ, ngành làm tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, dự báo chiến lược, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời giúp doanh nghiệp định hướng mở rộng thị trường, sản xuất kinh doanh”-Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu, tháo gỡ các vướng mắc, rào cản pháp lý ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động, đào tạo và đào tạo lại nghề cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách thể chế, cắt giảm, đơn giản hóa tất cả các thủ tục hành chính trong kinh doanh, chống các hành vi tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu, nhất là tham nhũng vặt gây khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo thuận lợi và niềm tin cho doanh nghiệp…

Với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chính phủ luôn đồng hành, sát cánh, chia sẻ, tiếp thu tối đa các ý kiến của tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời, đề nghị mỗi doanh nhân, doanh nghiệp hãy là một chiến sĩ tinh nhuệ, quả cảm, bản lĩnh trên mặt trận kinh tế, nỗ lực cùng Chính phủ sớm giành được chiến thắng trong cuộc chiến đấu với đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển bền vững”.

 

 MINH NGUYỄN

 

Có thể bạn quan tâm