Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

Thủ tướng Estonia lên tiếng về lệnh truy nã của Nga

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas khẳng định lệnh bắt giữ của Nga chỉ nhằm đe dọa bà trong bối cảnh có nhiều đồn đoán bà có thể đảm nhận chức vụ cao trong Liên minh châu Âu (EU).

"Lệnh bắt giữ nhằm đe dọa và khiến tôi ngừng những quyết định mà lẽ ra tôi sẽ đưa ra. Chẳng có gì mới mẻ cả và chúng tôi không sợ hãi" – Thủ tướng Estonia Kallas khẳng định với Reuters bên lề Hội nghị An ninh Munich ngày 18-2.

Là thành viên của cả EU và NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), Estonia thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Kiev trong xung đột Nga - Ukraine.

Thủ tướng Kallas là một trong những nhân vật chỉ trích Moscow gay gắt nhất kể từ khi Điện Kremlin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine cách đây gần 2 năm.

Vào ngày 13-2, cảnh sát Nga đưa Thủ tướng Kallas cùng nhiều chính trị gia các nước Baltic vào danh sách truy nã, với cáo buộc phá hủy đài tưởng niệm của Liên Xô.

Giới chức vùng Baltic chỉ có nguy cơ bị bắt giữ nếu băng qua biên giới Nga. Nếu không, họ không đối mặt với bất cứ hậu quả thực tế nào.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas là một trong những nhân vật chỉ trích Moscow mạnh mẽ nhất về xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas là một trong những nhân vật chỉ trích Moscow mạnh mẽ nhất về xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: Reuters

Vai trò nổi bật của Thủ tướng Kallas trong việc thúc đẩy EU hành động nhiều hơn để hỗ trợ Ukraine đã dẫn đến suy đoán ở Brussels rằng bà có thể đảm nhận vai trò cấp cao sau cuộc bầu cử nghị viện EU tiếp theo vào tháng 6, có thể là người đứng đầu chính sách đối ngoại.

Thủ tướng Kallas khẳng định đồn đoán nêu trên là một trong những nguyên nhân khiến Nga thực hiện điều bà mô tả là "hành động hung hăng" nhằm vào bà.

Khi được hỏi liệu bà có quan tâm đến bất kỳ vai trò nào ở châu Âu trong tương lai hay không, Thủ tướng Kallas đáp: "Chúng ta vẫn chưa đến giai đoạn đó. Tôi hiện là thủ tướng của Estonia".

Estonia năm ngoái khởi xướng các cuộc đàm phán để tăng cường cung cấp đạn dược của châu Âu cho Ukraine, dẫn đến việc 27 thành viên EU đồng ý viện trợ cho Kiev một triệu đạn pháo vào tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, EU nhiều khả năng chỉ thực hiện được 50% mục tiêu này.

Viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine đang có nguy cơ bị gián đoạn. Ảnh: Reuters

Viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine đang có nguy cơ bị gián đoạn. Ảnh: Reuters

Có thể bạn quan tâm