Kinh tế

Thủ tướng: Nông nghiệp Việt cần có 100 bà Thái Hương, 100 bà Kiều Liên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Muốn nông nghiệp phát triển, năng suất cao, chúng ta cần 100 nhà làm nông nghiệp như bà Thái Hương - (cố vấn chiến lược của Tập đoàn TH True Milk), 100 bà làm về sữa như bà Kiều Liên (Tổng Giám đốc Vinamilk)", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví von tại Hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia vừa được tổ chức sáng nay 7/8. 
Tại Hội nghị, Thủ tướng cho biết năng suất lao động Việt Nam vẫn thấp song chúng ta đã có cải thiện. Bên cạnh thực tế, cũng phải nhìn nhận tốc độ tăng năng suất đã cao hơn trước rất nhiều.
 
Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia năm 2019
"Phải nhìn nhận thẳng là tốc độ tăng năng suất lao động của chúng ta nhanh và cao hơn các nước. Đây là thực tế, để có niềm tin. Năng suất lao động/người của người Việt năm 2018 đạt 102 triệu đồng, tính theo PPP (giá mua tương đương, quy ra USD) là 11.000 USD, tốc độ tăng năng suất tăng 6,7% so với 2017, bình quân 11 - 18 năng suất lao đông tăng 5,8%, năm sau cao hơn năm trước", Thủ tướng dẫn số liệu.
Người đứng đầu Chính phủ lý giải: Trước cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam chiếm 80%, nhưng hiện nay chỉ còn chiếm 37%, dù chuyển đổi nhanh song vẫn còn cao và tiếp tục phải cải thiện, đặc biệt khi năng suất lao động nông nghiệp vẫn thấp nhất trong các ngành, lĩnh vực.
"Các nước Nhật và Anh, lao động nông nghiệp chỉ vài % chủ yếu nông nghiệp và dịch vụ nên năng suất chung lớn. Việt Nam có mẫu số là lao động tạo năng suất thấp quá lớn nên tổng thể đất nước có năng suất vẫn thấp", Thủ tướng nói.
Thủ tướng khẳng định: "Chưa có đất nước nào đổi mới 30 năm mà tăng trưởng cao như Việt Nam đặc biệt là đời sống nhân dân thay đổi nhanh chóng". Tuy nhiên người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra điểm nghẽn, trong đó ông lại nhắc đến vấn đề "thể chế, thể chế và thể chế".
"Các điểm nghẽn về thể chế, quyền sở hữu tài sản, phát triển các thị trường yếu tố sản xuất, tiền lương chưa được vận hành theo tín hiệu thị trường. Hiện lao động tại Việt Nam có kỹ năng thấp còn lớn lại thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ năng cao, đặc biệt kỹ năng mới. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh tạo nhân lực kỹ thuật cao, đây là cội nguồn quan trọng hơn".
Thủ tướng nhấn mạnh: Năng suất có liên quan đến nút thắt cơ sở hạ tầng, vốn, bên cạnh đó là nền tảng khoa học công nghệ chưa cao. "Chúng ta có đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, năng suất lao động. Tuy nhiên, động cơ đổi mới sáng tạo vẫn còn yếu và thiếu, cả khu vực công tư lẫn tư", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, vấn đề này các bộ, ngành và địa phương cần nhìn thẳng sang các nước như Hàn, Nhật họ đổi mới hàng ngày.
Bên cạnh những tồn tại, Thủ tướng đưa ra 6 định hướng để tăng năng suất lao động, trong đó đặc biệt là cải cách thể chế, phát triển kinh tế thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thủ tướng nói: Chuyển dịch lao động từ khu vực năng suất thấp sang cao, từ nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ hoặc nông nghiệp công nghệ cao. Thủ tướng nói: Muốn nông nghiệp phát triển, năng suất cao, chúng ta cần 100 nhà làm nông nghiệp như bà Thái Hương (cố vấn chiến lược của Tập đoàn TH True Milk, nguyên Chủ tịch TH Group) 100 bà làm sữa như bà Kiều Liên (Tổng Giám đốc Vinamilk).
Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi tài năng quốc tế, tài năng người Việt ở nước ngoài về nước làm việc, đặc biệt là lớp trẻ. Ông coi đây là những bộ não, chiến lược gia cho Việt Nam: "Người xưa nói "một người lo bằng một kho người làm", người tài bao giờ cũng giải quyết được vấn đề, năng lực của năng suất của họ cực kỳ quan trọng".
Cuối cùng, Thủ tướng phát động phong trào nâng cao năng suất quốc gia kêu gọi các Bộ, ngành và địa phương tích cực thực hiện để tăng năng suất lao động, bứt phá để đưa đất nước đi lên, đây là nhiệm vụ quan trọng cần chung tay của các cấp ngành, cần nhà khoa học, doanh nhân và nhà quản lý tham gia.
Nguyễn Tuyền (Dân trí)

Có thể bạn quan tâm