Chiều 7-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng an Chỉ đạo An toàn, an ninh mạng quốc gia đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo (BCĐ).
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tham dự phiên họp có Đại tướng Tô Lâm-Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; thành viên BCĐ, Văn phòng BCĐ.
Tại phiên họp, BCĐ đã tập trung cho ý kiến về tình hình an toàn, an ninh mạng quốc gia thời gian qua và dự báo tình hình thời gian tới; cho ý kiến về kết quả hoạt động năm 2021 và phương hướng công tác năm 2022 của BCĐ; một số vấn đề trọng tâm, chiến lược, quan trọng về an toàn, an ninh mạng quốc gia.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, bảo đảm an toàn, an ninh mạng đã được xác định trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Trong quá trình hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu sắc tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội nói chung và lĩnh vực an toàn, an ninh mạng quốc gia.
Thời gian qua, tình hình an toàn, an ninh mạng diễn biến phức tạp trên không gian mạng toàn cầu, khó kiểm soát, khó dự báo, tác động ngày càng sâu sắc tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, chủ quyền, an ninh quốc gia của các nước và tâm lý, nhận thức của người dân.
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với công tác bảo vệ an toàn, an ninh mạng, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, như Nghị quyết số 29 ngày 25-7-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Nghị quyết số 30 ngày 25-7-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh mạng quốc gia, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018, Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 18-10-2019 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị...
Thủ tướng biểu dương các thành viên BCĐ, Văn phòng, các tiểu ban của BCĐ, các lực lượng bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong thời gian qua đã bám sát tình hình, nỗ lực làm tốt nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn được giao, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, bảo vệ thành công Đại hội XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2025, bảo đảm môi trường an toàn, lành mạnh cho người dân và doanh nghiệp trên không gian mạng. Theo báo cáo của Liên minh Viễn thông quốc tế công bố năm 2021, Việt Nam xếp thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ, thứ 7 khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thứ 4 trong ASEAN về an toàn, an ninh mạng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, có những vấn đề cần tiếp tục quan tâm và cố gắng hơn nữa, như nâng cao nhận thức về an toàn, an ninh mạng; đầu tư cho công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng chưa tương xứng nhiệm vụ được giao; việc phối hợp giữa các cơ quan còn có hạn chế, hợp tác quốc tế chưa phát huy hiệu quả tích cực; vai trò đầu mối thực hiện các nhiệm vụ liên ngành còn có vướng mắc; việc triển khai nhiệm vụ của một số bộ, ngành, địa phương có lúc chưa kịp thời; còn tình trạng lộ, lọt bí mật Nhà nước; công tác đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực chưa được quan tâm đúng mức…
Tình hình, bối cảnh mới đặt ra yêu cầu cấp thiết, kịp thời của việc bảo vệ an toàn, an ninh mạng; thích ứng nhanh, hiệu quả với các diễn biến mới; vừa tích cực, chủ động hội nhập, tham gia các xu thế lớn, vừa có các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng; vừa tăng cường công khai, minh bạch, vừa bảo vệ được dữ liệu cá nhân.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội do không gian mạng mang lại để phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực, khắc phục các tồn tại, hạn chế, phát huy mặt tích cực, thành quả đã đạt được, tăng cường hơn nữa bảo vệ an toàn, an ninh mạng đối với không gian mạng quốc gia, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ người dân, doanh nghiệp, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
Các thành viên BCĐ, Bộ Công an với vai trò là Cơ quan thường trực BCĐ, Văn phòng BCĐ an toàn, an ninh mạng quốc gia, Tiểu ban an toàn, an ninh mạng, các bộ, ngành liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn, an ninh mạng, nhất là khi tình hình chính trị thế giới thời gian tới diễn biến phức tạp, công tác chuyển đổi số của quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ; yêu cầu tăng cường hơn nữa vai trò của BCĐ, Văn phòng BCĐ, các tiểu ban, thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay để giải quyết các yêu cầu đặt ra trong tình hình hiện nay.
Thủ tướng nêu rõ, phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền với công tác này. Bảo vệ an toàn, an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, liên tục, vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, thu hút được các nguồn lực, chủ động hội nhập quốc tế; do vậy cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, xuyên suốt, đồng bộ, thống nhất, phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan.
Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ tích cực chủ động bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng yêu cầu quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn, an ninh mạng. Phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện về an toàn, an ninh mạng để thống nhất về nhận thức và hành động, đây là vấn đề toàn cầu nên cần cách tiếp cận toàn cầu, huy động sự hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, đây là vấn đề tác động tới toàn dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân, người dân phải là trung tâm, chủ thể tham gia vào công tác này.
Phải nắm chắc tình hình, nâng cao khả năng dự báo, điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp kịp thời, phù hợp. Rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế về an toàn an ninh mạng. Đầu tư hơn nữa về lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực, tài chính, coi đầu tư cho an ninh mạng là đầu tư cho phát triển; nâng cấp công nghệ thường xuyên; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực; xây dựng các cơ chế, chính sách để ưu tiên các nguồn lực.
Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ tích cực. chủ động bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng trên tinh thần làm bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, các cơ quan trong hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, huy động sức mạnh tổng hợp của người dân và doanh nghiệp. Thúc đẩy hợp tác công tư, xây dựng thế trận lòng dân và thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn, an ninh mạng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Nghiên cứu thành lập Hiệp hội An ninh mạng quốc gia…
Ban Chỉ đạo An toàn, an ninh mạng quốc gia là tổ chức liên ngành để tham mưu và tổ chức thực hiện những vấn đề chiến lược, tổng thể, toàn diện, thể hiện được vai trò trung tâm, điều hành, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tạo ra sức mạnh tổng hợp chung, tổ chức thực hiện bài bản, đồng bộ, đạt hiệu quả cao nhất trong công tác bảo vệ an toàn, an ninh mạng.
Theo Hà Văn (chinhphu.vn)