Đô thị

Không gian sống

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Công tác lập quy hoạch hiện vẫn chậm so với yêu cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sáng 2-3, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Dự hội nghị tại đầu cầu trụ sở Chính phủ còn có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.
Tại điểm cầu Gia Lai có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, công tác lập quy hoạch hiện vẫn chậm so với yêu cầu, toàn quốc mới thực hiện được khoảng 10% quy hoạch cần phải lập theo Luật Quy hoạch. Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch phải đi trước một bước, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng ngành, lĩnh vực, địa phương; đồng thời chỉ ra mâu thuẫn, thách thức để đưa ra nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển.
Hội nghị đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo kết quả lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia trong thời gian tới và báo cáo định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 
Dự Hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có các đồng chí_ Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh_ Võ Ngọc Thành- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (1)
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy
Theo đó, đối với quy hoạch cấp quốc gia, các bộ, ngành hoàn thành nội dung “Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển của quốc gia” và “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia”; triển khai lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia. Đối với quy hoạch vùng, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đã hoàn thành và trình thẩm định quy hoạch 5 vùng (Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên). Đối với quy hoạch tỉnh, hiện chỉ có Bắc Giang được phê duyệt, 3 quy hoạch tỉnh đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 3 quy hoạch tỉnh đang trình thẩm định, 7 quy hoạch đang xin ý kiến để hoàn thiện quy hoạch.
Hội nghị cũng nghe các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Nông nghiệp và PTNT, Xây dựng, Giao thông-Vận tải báo cáo công tác triển khai lập các quy hoạch và công tác quản lý nhà nước về quy hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao; cho ý kiến về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; một số địa phương cũng báo cáo tình hình khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Tại Gia Lai, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng kế hoạch về tiến độ lập quy hoạch tỉnh và tiến độ xây dựng báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) quy hoạch tỉnh trong năm 2022. Cụ thể: thời gian lập kế hoạch chi tiết từ ngày 1-1-2022 đến ngày 14-7-2022 (thời gian Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch); dự kiến trong tháng 5-2022 hoàn thành sản phẩm quy hoạch trình UBND tỉnh. Hiện liên danh đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh đã làm việc với các sở, ban, ngành và các địa phương về 38 nội dung đề xuất để tích hợp vào quy hoạch tỉnh; đã hoàn thiện dự thảo báo cáo tóm tắt, hệ thống bản đồ về quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gửi lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương và cộng đồng dân cư trong tỉnh; Đơn vị tư vấn (Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC) đã hoàn thành dự thảo báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch tỉnh, hiện đang gửi lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương và cộng đồng dân cư trong tỉnh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường. 
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu nâng cao nhận thức ở các cấp, ngành, đặc biệt là người đứng đầu về tầm quan trọng, vai trò, vị trí của công tác quy hoạch, phải xác định công tác quy hoạch là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022. Bám sát Cương lĩnh, Hiến pháp, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, của các cấp, ngành, địa phương để cụ thể hóa vào quy hoạch. Tăng cường giám sát, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan dân cử trong thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Quy hoạch đúng tiến độ nhưng phải quan tâm chất lượng, thích ứng linh hoạt, vừa có tính chất lâu dài, có tính thực tiễn song phải ổn định.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu quy hoạch phải lấy nguồn lực bên trong (con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử-văn hóa) là chiến lược, lâu dài, quyết định. Về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia, Thủ tướng Chính phủ lưu ý, cần nghiên cứu phân vùng động lực hợp lý, phải tìm được động lực mới cho sự phát triển của mỗi vùng. Quy hoạch cũng phải cân đối hài hòa giữa kinh tế và văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh, không hy sinh an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm