Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

Thủ tướng Thái Lan trước viễn cảnh mất ghế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Tòa án Hiến pháp Thái Lan sẽ đưa ra quyết định hệ trọng liên quan cáo buộc đối với Thủ tướng Srettha Thavisin, phán quyết có thể khiến ông bị miễn nhiệm.

Theo Reuters, Tòa án Hiếp pháp Thái Lan ngày 14.8 sẽ công bố phán quyết liên quan cáo buộc của 40 thượng nghị sĩ bảo thủ đối với Thủ tướng Srettha Thavisin. Người đứng đầu chính phủ bị cáo buộc vi phạm hiến pháp khi bổ nhiệm cựu luật sư Pichit Chuenban, người từng bị giam giữ, làm Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng.

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin

Các thượng nghị sĩ cho rằng ông Pichit không đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức để trở thành thành viên nội các như đã được quy định trong hiến pháp, đồng thời cáo buộc thủ tướng vi phạm đạo đức chính trị khi bổ nhiệm bộ trưởng dù biết vị này không đủ tiêu chuẩn.

Ông Pichit từng là luật sư cho gia đình cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người thành lập đảng Pheu Thai mà ông Srettha đang là thành viên. Ông Pichit bị giam một thời gian ngắn vào năm 2008 vì tội coi thường tòa án, liên quan hành vi hối lộ nhân viên tòa án. Cáo buộc này chưa từng được chứng minh.

Thủ tướng Srettha Thavisin khẳng định không làm sai và nói rằng ông Pichit đã được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi bổ nhiệm. Vị bộ trưởng đã từ chức sau cáo buộc.

Vụ việc của ông Srettha là một trong những yếu tố gây gia tăng bất ổn chính trị và làm chao đảo thị trường tài chính Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, theo Reuters. Giới quan sát đánh giá ông Srettha đã gặp khó khăn trong việc vực dậy nền kinh tế, khi chương trình trao tiền cho người dân chi tiêu của ông bị trì hoãn một thời gian giữa lúc tỷ lệ ủng hộ thủ tướng giảm sút.

Trong trường hợp ông Srettha bị miễn nhiệm, một chính phủ mới phải được thành lập và Pheu Thai cần giới thiệu ứng viên mới để quốc hội bỏ phiếu thông qua. Không có gì đảm bảo quá trình này sẽ diễn ra suôn sẻ.

Cuộc bỏ phiếu có thể gây xáo trộn trong liên minh cầm quyền và dẫn đến việc phân chia lại nội các cũng như định hướng chính sách.

Một điểm quan trọng nữa là chỉ có những người đã được đảng của họ đề cử làm ứng viên thủ tướng trước kỳ bầu cử hồi năm ngoái mới có thể trở thành ứng viên thủ tướng lần này, trong trường hợp ông Srettha bị miễn nhiệm thật sự.

Những cái tên đủ điều kiện trên gồm bà Paetongtarn Shinawatra - lãnh đạo đảng Pheu Thai và là con gái của ông Thaksin, cựu Bộ trưởng Tư pháp Chaikasem Nitisiri, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Anutin Charnvirakul, Bộ trưởng Năng lượng Pirapan Salirathavibhaga và cựu Phó thủ tướng Prawit Wongsuwon.

Theo Vi Trân (TNO)

Có thể bạn quan tâm