Kinh tế

Doanh nghiệp

"Thử và sai", Thế giới di động của ông Nguyễn Đức Tài trở thành "đế chế" tỷ USD thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

"Thử và sai" dường như đã là triết lý kinh doanh của Thế Giới Di Động (MWG), giúp MWG của ông Nguyễn Đức Tài thành đế chế tỷ USD ở thời điểm hiện tại. Mới đây, sau khi “khai tử” chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ, MWG lại tiếp tục thử nghiệm mô hình Điện Máy Xanh Supermini. Kết quả bước đầu ghi nhận doanh thu trên 1 tỷ đồng/tháng.

CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài vừa tổng kết tình hình kinh doanh tháng 7/2020 với doanh thu 8.669 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ do phản ánh tác động của dịch bệnh lên nhu cầu mua sắm các sản phẩm điện thoại, điện máy. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế tăng 13% lên 327 tỷ đồng.

Lũy kế 7 tháng, Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài đạt doanh thu thuần hợp nhất 64.308 tỷ đồng, tăng gần 6% và lãi sau thuế 2.353 tỷ đồng, giảm hơn 2% so với cùng kỳ năm 2019. So với kế hoạch, MWG của ông Nguyễn Đức Tài đã thực hiện được 58% chỉ tiêu doanh thu và 68% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.


 

 Kết quả kinh doanh 7 tháng của Thế Giới Di Động (MWG)
Kết quả kinh doanh 7 tháng của Thế Giới Di Động (MWG)


Thêm một "phép thử" của Thế Giới Di Động

Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài hiện đang sở hữu 3 chuỗi cửa hàng kinh doanh chính là thegioididong.com (TGDĐ), Điện Máy Xanh (ĐMX) và Bách Hóa Xanh (BHX). Theo cơ cấu doanh thu, Điện Máy Xanh vẫn là chuỗi đóng góp lớn nhất với tỷ trọng 56% tổng doanh thu của MWG.

MWG cho biết, trong khi thị trường điện thoại đi xuống thì mảng điện máy vẫn còn nhiều cơ hội. Do đó, trong năm nay, MWG sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch chuyển đổi và mở mới.

Cụ thể, MWG sẽ điều chỉnh giảm chuỗi TGDĐ từ 1.000 xuống 800 cửa hàng, trong khi ĐMX tăng từ 1.000 lên 1.350 cửa hàng.

Hiện nay, Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài có khoảng 300 cửa hàng Điện máy xanh lớn với diện tích 800 – 1.000 m2, doanh thu từ 8 – 30 tỷ đồng/tháng; có khoảng 760 cửa hàng Điện máy xanh Mini, diện tích 300 – 350 m2, doanh thu mang về 4 – 8 tỷ đồng/tháng. Chuỗi Điện máy xanh hiện đang chiếm khoảng 45% thị phần điện máy.

Các cửa hàng Điện máy xanh ở trung tâm đô thị lớn đang khó phát triển nhanh, vì vậy MWG đã quyết định triển khai mô hình Điện máy xanh Supermini và thử nghiệm lần đầu tại Tiền Giang.

Điện máy xanh Supermini là mô hình có diện tích nhỏ từ 120 – 150 m2, cung cấp khoảng 60% danh mục các sản phẩm điện thoại, điện máy cơ bản, với đầy đủ các dịch vụ hậu mãi, hướng đến phục vụ khách hàng ở khu vực nông thôn.

Kết quả bước đầu ghi nhận doanh thu trên 1 tỷ đồng/tháng và lợi nhuận khả quan nhờ tối ưu được chi phí hoạt động. Tỷ suất lợi nhuận gộp khoảng 23% và tỷ suất lợi nhuận sau thuế ở mức 4,6% (MWG là 3,8%. Trong đó, chi phí mặt bằng chỉ bằng 1/4, chi phí nhân sự chỉ bằng 1/3 so với 1 cửa hàng ĐMX mini, tiết kiệm nhiều chi phí quản lý, logistics do tận dụng hệ thống sẵn có của ĐMX mini…

 

ĐMX Supermini là một
ĐMX Supermini là một "phép thử" của Thế Giới Di Động (MWG)


Đến cuối năm 2020, MWG đặt mục tiêu có 300 cửa hàng Điện máy xanh Supermini, doanh thu đạt 500 tỷ đồng, và hướng đến 1.000 cửa hàng trong năm 2021, doanh thu cao gấp 10 lần lên 5.000 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2022, chuỗi cửa hàng Điện máy xanh Spuermini đạt 1.200 cửa hàng, chiếm 60% thị phần điện máy.

Trước đó, MWG cũng đã thử nghiệm mô hình chuỗi cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ có cùng "mô típ" với Điện máy xanh Supermini. Chuỗi này được kỳ vọng sẽ chiếm lấy 20% thị phần từ các cửa hàng di động nhỏ và hộ gia đình.

Tuy nhiên, cuối tháng 6 vừa qua, Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài đã chính thức đóng cửa toàn bộ 17 cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ. Công ty này cho biết, đây là bước đầu để chuyển đổi sang mô hình thử nghiệm mới.

Với động thái gần đây có thể thấy, Điện Máy Xanh Supermini chính là "phép thử" mới của Thế Giới Di Động sau khi hãng này khai tử chuỗi cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ.

Những phép "thử và sai" tại Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài

Không chỉ riêng chuỗi cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ, hay Điện máy xanh Supermini, MWG của ông Nguyễn Đức Tài đã không ít lần "thử và sai" khi triển khai các mô hình kinh doanh mới. Bởi không phải mô hình kinh doanh nào của MWG cũng mang lại lợi nhuận. Vài năm gần đây, MWG không ngần ngại khai tử nhiều mô hình kinh doanh sau một thời gian thử nghiệm nhưng không đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Việc đóng cửa Vuivui.com - trang thương mại điện tử được Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài cho ra mắt vào tháng 12/2016 với mục đích mang đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm trực tuyến thực sự an toàn, tin cậy, thuận tiện cùng giá cả cạnh tranh với gần 40.000 sản phẩm cũng là một trong số đó.

Theo đó, MWG của ông Nguyễn Đức Tài chính thức đóng cửa trang thương mại điện tử này sau 2 năm hoạt động, dù trước đó, Vuivui được kỳ vọng sẽ tăng trưởng vượt bậc sau 4 – 5 năm và doanh thu bán hàng sẽ vượt cả chuỗi thegioididong.com. Toàn bộ nền tảng website, hậu cần và giao nhận của vuivui.com đã được chính thức chuyển sang cho bachhoaxanh.com từ ngày 27/11/2018.

Chưa hết, vào cuối tháng 6/2019, nhận thấy thị trường giàu tiềm năng, MWG của ông Nguyễn Đức Tài bắt đầu thử nghiệm mô hình kinh doanh kính mắt bằng cách kê thêm tủ kính mắt tại cửa hàng điện thoại thuộc chuỗi thegioididong, nằm tại phường Phước Long B, quận 9, Tp. HCM. Đây cũng là cửa hàng đầu tiên bán mắt kính theo mô hình "shop in shop" của MWG.

Đến tháng 3/2020, sau 9 tháng ra mắt, MWG quyết định ngừng bán kính mắt. Lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, việc phải dừng kinh doanh vì các cửa hàng nhỏ lẻ bên ngoài có lợi thế về kính thuốc. Nếu đưa máy đo mắt vào các cửa hàng điện thoại, điện máy thì có phần không phù hợp.

"Thử và sai" nhìn từ việc mở ra ngành hàng đồng hồ, đóng lại các sản phẩm kính mắt thời trang hay việc đóng lại chuỗi cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ, mở ra mô hình Điện máy xanh Supermini nói như CEO Đoàn Văn Hiểu Em đó chính là việc rất bình thường bởi "Từng thử nghiệm là bước đệm để tìm ra công thức. Chúng tôi thử, chấp nhận có thể sai rồi xác định học, đúc kết được gì và làm lại để tiếp tục phát triển".

Chia sẻ vào dịp công ty kỷ niệm 15 năm thành lập, Chủ tịch HĐQT và đồng sáng lập Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài cũng thừa nhận, trong suốt 15 năm phát triển, chuỗi này không ngừng thực hiện quy tắc "thử và sai" để tìm ra bài toán tốt nhất cho công việc kinh doanh.

 "Điều các bạn đang thấy tại Thế Giới Di Động là những thành công mà công ty đạt được sau quá trình thử và sai. Có rất nhiều thứ từng bị dẹp, nhiều thất bại phía sau mà các bạn chưa nhìn thấy", ông Nguyễn Đức Tài nói.

Rõ ràng, 'thử và sai' – đây dường như đã là triết lý kinh doanh của Thế Giới Di Động (MWG), khi liên tục "thử và sai" nhằm tìm ra công thức, hướng đi mới cho thị trường bán lẻ, giúp Thế Giới Di Động thành đế chế tỷ USD ở thời điểm hiện tại.


https://danviet.vn/thu-va-sai-the-gioi-di-dong-cua-ong-nguyen-duc-tai-tro-thanh-de-che-ty-usd-the-nao-20200824090106457.htm

Theo NHẬT MINH (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm