Điểm đến Gia Lai

Thú vị với farmstay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một nơi ở như nông thôn nhưng thực ra lại nằm ngay trong lòng đô thị. Nơi mà chỉ một cái với tay đã có thể hái được rau quả sạch trong vườn để chuẩn bị cho bữa ăn gia đình nhưng dịch vụ đi kèm lại tiện nghi, chuyên nghiệp không khác gì khách sạn… Đó là tất cả những gì du khách cảm nhận được tại XOM Organic Farmstay (Thôn 5-xã Trà Đa) -mô hình lưu trú mới tại Phố núi Pleiku.

Farmstay là mô hình lưu trú khá mới mẻ ngay cả ở Việt Nam chứ chưa nói là tại Pleiku. Điều kiện xây dựng mô hình này cần không gian thoáng rộng, gần gũi thiên nhiên. Khách lưu trú vừa có thể trải nghiệm văn hóa địa phương như ở homestay, vừa có thể tham gia vào việc trồng trọt, chăn nuôi cùng với gia chủ. Đây cũng là lý do anh Nguyễn Tấn Nhật Tân bỏ nhiều tâm sức để hình thành “XOM Organic Farmstay”. “Gia Lai là vùng đất lý tưởng để làm mô hình này bởi địa hình đồi dốc, vừa có núi đồi, thung lũng, quỹ đất rộng, thiên nhiên trong lành và nhất là nông nghiệp có tính đặc thù để tăng sự trải nghiệm cho du khách”-anh Tân nhận xét.

 XOM Organic Farmstay. Ảnh: Phạm Công Quý
XOM Organic Farmstay. Ảnh: Phạm Công Quý



Farmstay của anh Tân mới đi vào hoạt động được hơn 1 tháng nhưng đã có 8-9 đợt khách lưu trú và ai nấy đều bày tỏ sự hài lòng, thích thú với mô hình này. Chị Thái Hiền-một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh là người trong ngành quảng cáo và khá cầu kỳ, khó tính khi chọn nơi lưu trú trong các chuyến du lịch. Tuy nhiên, chị đã vô cùng hài lòng khi chia sẻ về kỳ nghỉ lý thú của chị với nhóm bạn gồm 8 người: “Ấn tượng về nơi chốn xinh đẹp này là không gian xanh, thiên nhiên trong lành. Kiến trúc nhà ở, đồ nội thất bằng gỗ xinh xắn, cổ điển, ấm cúng nhưng cũng rất hiện đại. Không gian mở, cửa sổ phòng ngủ, phòng khách đều hướng ra vườn, giúp con người được giao hòa, đồng điệu. Ở đây, chúng tôi được trải nghiệm những gì đặc trưng của cao nguyên Gia Lai, từ hồ nước trong xanh gần nơi ở, những con đường trập trùng cây cối xanh rì, ngôi nhà tràn ngập xuyến chi và những đồ ăn thức uống địa phương rất đặc biệt mà chúng tôi thưởng thức cùng chủ nhà. Tất cả là những trải nghiệm rất tuyệt vời”.

Chị Hiền cho biết thêm, khác với hình dung của chị và bạn bè về vùng cao nguyên xa ngái, giao thông quá dễ dàng và thuận tiện như bay thẳng từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Pleiku chỉ hơn 1 giờ đồng hồ đã khiến cho vùng đất này trở nên thật gần gũi.

Ở XOM Organic Farmstay, khi đêm xuống, nếu bạn thích sự tĩnh lặng, chỉ cần bật một bóng điện vàng ấm áp, ngồi đọc sách thư giãn, ngắm trăng dát vàng dưới thung lũng bên dưới, lắng nghe tiếng côn trùng và thanh âm của đồi núi, của tự nhiên tràn ngập. Ngoài ra, du khách có thể tham gia các trò chơi, tiệc nướng BBQ ngoài trời ở không gian bên cạnh. Anh Tân chia sẻ thêm: “Chúng tôi sẽ biến nơi này thành trang trại mi ni, có đầy đủ cơ sở vật chất, dịch vụ tiện ích đáp ứng nhu cầu của khách du lịch theo tiêu chuẩn xanh và sạch, thân thiện với môi trường”.

Hiện tại, anh Tân đang xây dựng thêm một loạt 4 nhà ở liền kề, mỗi căn đều riêng tư nhưng trang bị đầy đủ đáp ứng sinh hoạt cho 1 gia đình hay nhóm bạn bè. Ngoài ra, không gian sinh hoạt chung là khu vườn (Lounge Garden) để khách có thể thư giãn, nghe nhạc nhẹ, đọc sách, nhấm nháp đồ uống, tổ chức event (sự kiện) nhỏ nếu cần. Đặc biệt, khu vực trồng trọt, chăn nuôi là nơi để du khách thư giãn bằng cách cuốc đất, trồng rau, trải nghiệm lao động như một nông dân thực thụ. Nếu có lần sau quay lại, chính họ sẽ tự thu hái thành quả đó để chuẩn bị cho bữa ăn của mình. Anh Tân cũng xác định đối tượng khách của farmstay là những người có có khả năng chi trả nhất định, có nhu cầu được trải nghiệm những giá trị dịch vụ cao cho kỳ nghỉ.

Khi triển khai mô hình farmstay tại Pleiku, anh Tân đã tính đến phương án… khó có lãi. Nhưng rồi Tân tự tin: “Nếu thất bại trong kinh doanh, chúng tôi vẫn có được nhiều thứ giá trị, đó chính là một nơi nghỉ ngơi, thư giãn lý tưởng cho gia đình. Nhất là ở đây, chúng tôi tự trồng trọt, chăn nuôi, cung cấp thực phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho chính mình. Khi tiên phong xây dựng mô hình trang trại mi ni để phục vụ khách du lịch, chúng tôi muốn du khách cảm nhận được giá trị mà chúng tôi mang lại. Đây là mô hình mới, nhiều triển vọng để khai thác, phát triển. Bên cạnh đó, tôi còn hướng đến việc tăng cường sự tiếp cận của người dân địa phương với mô hình farmstay-một mô hình rất phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên, con người, góp phần phát triển kinh tế gia đình cũng như ngành công nghiệp không khói nói chung của tỉnh nhà”.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm