Năm 2024, Sở KH-CN bám sát nội dung chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ KH-CN để chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ, cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra.
Sở đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất đặt hàng Bộ KH-CN với 2 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia; tiếp tục phối hợp quản lý 1 nhiệm vụ cấp thiết địa phương cấp quốc gia; 8 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi; theo dõi, quản lý 14 nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh; tổ chức nghiệm thu 13 nhiệm vụ (5 cấp tỉnh, 8 cấp cơ sở); tổ chức 2 đợt khảo sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại 154 cơ sở…
Giai đoạn 2021-2024, tỉnh đã phân bổ gần 46,3 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Từ nguồn kinh phí này, các ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể như: các cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp; ngày hội khởi nghiệp ĐMST tỉnh; chương trình quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP...
Sở KH-CN duy trì hoạt động của Điểm kết nối cung cầu công nghệ tỉnh Gia Lai, Trạm khai thác thông tin và Dịch vụ sở hữu công nghiệp, Điểm hỏi đáp hàng rào kỹ thuật trong thương mại; tăng cường hoạt động Cổng thông tin khởi nghiệp tỉnh.
Sở cũng tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành kế hoạch cải thiện và nâng cao chỉ số ĐMST cấp địa phương tỉnh Gia Lai năm 2024 và các năm tiếp theo.
Tạo lập, xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực là cơ sở mang lại lợi thế trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển bền vững. Xác định mục tiêu đó, Sở KH-CN đã tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của địa phương.
Hiện Gia Lai đã có 1.516 nhãn hiệu thông thường, 3 chỉ dẫn địa lý, 15 nhãn hiệu chứng nhận. Đặc biệt, năm 2024, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho 4 sản phẩm gồm: Heo Broong Đức Cơ, Yến sào Đức Cơ, Sầu riêng Đức Cơ và Mắc ca Kbang. Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất triển khai nhiệm vụ đăng ký bảo hộ ra nước ngoài chỉ dẫn địa lý Gia Lai cho sản phẩm cà phê của tỉnh.
Cùng với đó, Sở tiến hành tư vấn áp dụng truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại 9 huyện và thực hiện 23 hợp đồng tư vấn áp dụng truy xuất nguồn gốc; thực hiện 5 hợp đồng tư vấn xây dựng hồ sơ mã vạch GS1; hợp tác sản xuất nấm linh chi trên phôi gỗ với Công ty TNHH Minh Khánh Gia Lai; hợp tác sản xuất cây chuối cấy mô đối với Công ty cổ phần Nông nghiệp Trường Hải...
Hiện nay, Sở đang triển khai tư vấn thực hiện 11 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh như: sản xuất măng khô tại xã Đăk Tơ Ver (huyện Chư Păh); khởi nghiệp du lịch cộng đồng tại xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh); tư vấn xây dựng hồ sơ bảo hộ nhãn hiệu chè dây ủ tuyết tại xã Đăk Rong (huyện Kbang)…
Thời gian tới, Sở tiếp tục triển khai toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực KH-CN; tiếp tục tham mưu tổ chức thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu KH-CN; tổ chức khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu KH-CN trên hệ thống thông tin KH-CN của Cục Thông tin KH-CN Quốc gia, mạng VinaREN… Phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức truyền thông về lĩnh KH-CN.
Sở cũng tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiên cứu và đề xuất xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Chủ động trong công tác hướng dẫn, tư vấn xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các hàng hóa, dịch vụ của đơn vị, cá nhân có nhu cầu.
Đồng thời, tăng cường nắm chắc tình hình địa bàn, cơ sở để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2025 sát thực tế, có trọng tâm, trọng điểm.