Kinh tế

Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sáng 4-9, tại TP. Pleiku, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) phối hợp với Sở Công thương Gia Lai tổ chức hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử các tỉnh vùng Tây Nguyên.

Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hữu Quế-Tỉnh ủy viên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Cục trưởng Cục Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT và KTS) Lê Hoàng Oanh và 200 đại biểu là lãnh đạo các Sở Công thương, trung tâm xúc tiến thương mại, trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại, đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hợp tác xã các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Quang cảnh hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại tỉnh Gia lai và các tỉnh Tây nguyên. Ảnh: Nhật Hào

Quang cảnh hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại tỉnh Gia lai và các tỉnh Tây nguyên. Ảnh: Nhật Hào

Phát biểu khai mạc hội nghị, Cục trưởng Cục TMĐT và KTS Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh: Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, TMĐT xuyên biên giới ngày càng trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đưa hàng Việt vươn tầm thế giới. Do đó, hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Gia Lai và Tây Nguyên được tổ chức nhằm hỗ trợ các tỉnh nâng cao năng lực triển khai đề án phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025, hướng tới phát triển TMĐT bền vững.

Bà Lê Hoàng Oanh-Cục trưởng Cục TMĐT và KTS phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Hào

Bà Lê Hoàng Oanh-Cục trưởng Cục TMĐT và KTS phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Hào

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Huyền-Phó Cục trưởng Cục TMĐT và KTS trình bày tổng quan về thị trường TMĐT và các chính sách, giải pháp thúc đẩy TMĐT tại các tỉnh Tây nguyên. Thời gian qua, Bộ Công thương đã hỗ trợ nhiều địa phương trong nước tiêu thụ sản phẩm địa phương thông qua TMĐT và đã đạt được một số kết quả tích cực. Năm 2023, doanh thu TMĐT bán lẻ của Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD. Tại Tây Nguyên, việc phát triển TMĐT đã đạt một số kết quả nhất định nhưng vẫn còn hạn chế do việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu lực lượng lao động chất lượng cao, nhất là cho ngành công nghệ thông tin và hỗ trợ các doanh nghiệp TMĐT trong chuyển đổi số; quy mô sản xuất, chế biến nông sản của vùng còn nhỏ lẻ, các trung tâm chế biến sâu còn thiếu và yếu; thiếu chiến lược chung trong liên kết phát triển TMĐT theo ngành cho toàn vùng…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế thông tin về tình hình phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nhật Hào

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế thông tin về tình hình phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nhật Hào

Trình bày về tình hình phát triển TMĐT trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế thông tin: Ngày 3-11-2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 598/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, TMĐT trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tỷ trọng doanh thu TMĐT trong tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2022 đạt 7%, năm 2023 đạt 7,5%. Hiện nay, tỉnh có 139 xã có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến, 20% các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có giao dịch TMĐT, tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, website thương mại bán hàng, các ứng dụng TMĐT bán hàng, 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động...

Tuy nhiên, hiện tỉnh vẫn gặp một số khó khăn trong phát triển TMĐT. Cụ thể, toàn tỉnh có khoảng 40% doanh nghiệp xây dựng website TMĐT nhưng chưa được khai thác hiệu quả, đa số chỉ dừng lại ở chức năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thiếu các chức năng chuyên sâu cho phép người mua thực hiện toàn bộ quá trình mua sắm, hoàn tất đơn hàng từ khâu đặt hàng đến thanh toán, vận chuyển; số doanh nghiệp có lao động chuyên trách về TMĐT chiếm tỷ lệ thấp; khả năng quản trị website, thao tác trên các sàn TMĐT, ứng dụng các phần mềm chăm sóc khách hàng, quản lý đơn hàng, chiến lược bán hàng, xây dựng thương hiệu còn hạn chế. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm, có thêm nhiều hoạt động kết nối nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong chuyển đổi số, đặc biệt, hỗ trợ xây dựng chương trình, định hướng phát triển TMĐT cụ thể cho từng địa phương, trong đó có Gia Lai. Đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân tận dụng lợi thế, tiềm năng sẵn có, nắm bắt xu hướng phát triển mới của TMĐT để phát triển thương hiệu và kinh doanh hiệu quả, chung tay đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển TMĐT...

Các đại biểu ký kết biên bản ghi nhớ thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT tại Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Nhật Hào

Các đại biểu ký kết biên bản ghi nhớ thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT tại Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Nhật Hào

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã làm rõ một số nội dung liên quan đến phát triển TMĐT tại tỉnh Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên như: chính sách và giải pháp thúc đẩy liên kết vùng trong TMĐT; một số khó khăn trong phát triển TMĐT, các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng trong TMĐT, giải pháp kết nối đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua sàn TMĐT xuyên biên giới; giải pháp phát triển logistics trong TMĐT...

Kết thúc hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT, đại diện doanh nghiệp TMĐT và đại diện doanh nghiệp các tỉnh Tây Nguyên đã ký kết biên bản ghi nhớ thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT tại Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên.

Có thể bạn quan tâm