Kinh tế

Thực hiện các đột phá chiến lược về phát triển kinh tế Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Gia Lai là tỉnh giàu tiềm năng, lợi thế và hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Bước vào thời kỳ hội nhập với những khó khăn, thách thức phải đối mặt, tỉnh ta đang tập trung thực hiện các đột phá chiến lược về kinh tế nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện. Phóng viên Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh vấn đề này.
* P.V: Gia Lai có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển kinh tế, song dường như chúng ta vẫn chưa tận dụng và khai thác hiệu quả. Vậy theo đồng chí, nguyên nhân là do đâu?
- Đồng chí VÕ NGỌC THÀNH: Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Gia Lai vùng đất rộng lớn với hơn 15.500 km² (trong đó diện tích đất đỏ bazan chiếm 10.600 km2), thổ nhưỡng phì nhiêu, thời tiết ôn hòa quanh năm, phù hợp với tất cả các loại cây trồng trên mọi miền đất nước và chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, thủy sản. Tỉnh cũng có diện tích rừng tự nhiên lớn với tỷ lệ che phủ hiện đạt 46,35% (chủ yếu là kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới); đặc biệt có Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng với nhiều loại cây quý hiếm và hệ động-thực vật đa dạng. Đây là lợi thế mà ít có địa phương nào sánh được, rất đáng để các nhà đầu tư quan tâm.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa tận dụng và khai thác đúng mức, hiệu quả các tiềm năng. Giá trị kinh tế mang lại của các sản phẩm nông nghiệp còn thấp; sản phẩm làm ra chủ yếu xuất thô; hàng năm tỷ lệ chế biến đạt rất thấp. Ngành Du lịch của địa phương phát triển còn chậm, các cơ sở du lịch còn hạn chế, nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai thác. Nguyên nhân bởi Gia Lai là địa bàn miền núi cách xa các trung tâm khoa học kỹ thuật lớn của đất nước; hạ tầng giao thông vừa thiếu, vừa yếu (không có đường sắt, đường thủy), các tuyến quốc lộ và hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Liên kết vùng giữa các tỉnh trong khu vực vẫn còn khó khăn. Thêm vào đó, xuất phát điểm kinh tế-xã hội của tỉnh thấp, nguồn lực đầu tư còn hạn chế; các quy hoạch trước đây chưa được quan tâm đúng mức; định hướng phát triển kinh tế-xã hội nhiều năm vẫn chưa mang tính đột phá. Tỉnh còn đông đồng bào dân tộc thiểu số (45%), trình độ dân trí thấp, hộ nghèo còn cao (10,04%), thu nhập bình quân đầu người thấp so với trung bình cả nước; nguồn nhân lực chất lượng cao còn ít... Đây chính là những khó khăn, thách thức làm chậm quá trình phát triển của tỉnh trong nhiều năm.
Lãnh đạo tỉnh trao đổi thông tin đầu tư với Đại sứ Cộng hòa Séc. Ảnh: Kim Linh
* P.V: Tại buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019, đồng chí có nhấn mạnh rằng, tỉnh ta cần tạo đột phá kinh tế trên 3 lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị, công nghiệp chế biến và du lịch. Đồng chí có thể phân tích rõ hơn về định hướng này và thời gian qua, tỉnh đã triển khai như thế nào?
- Đồng chí VÕ NGỌC THÀNH: Xác định được vị thế của mình, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể sau:
Một là, phát triển nông-lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị và xem đây là nhân tố đột phá cơ cấu lại ngành nông-lâm nghiệp theo hướng sản xuất hiện đại. Xây dựng đề án tái cơ cấu sản xuất ngành nông-lâm nghiệp, xác định các loại cây, con chủ lực. Căn cứ chính sách của Trung ương, tỉnh thể chế hóa các chính sách của địa phương để thúc đẩy quá trình đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Tạo các điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư chiều sâu vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ nông nghiệp; trong đó chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ phù hợp, công nghệ cao, huy động nông dân tham gia ngày càng nhiều vào các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới trên cơ sở liên kết với các doanh nghiệp đủ sức làm bà đỡ, tạo điều kiện cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai theo hướng sản xuất lớn, quy mô và mang lại hiệu quả cao; đồng thời khai thác tốt các lợi thế về đất, thổ nhưỡng, khí hậu mà tỉnh đang có ưu thế. Từng bước xây dựng và phát triển các loại cây, con chủ lực (ngoài cao su, cà phê, hồ tiêu) như: chanh dây, chuối, thanh long, xoài, na, sầu riêng, bơ... và các loại cây dược liệu có giá trị; tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông-lâm nghiệp; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với quá trình đào tạo và hình thành nguồn nhân lực chất lượng. Hiện tại tỉnh đã và đang xây dựng các mô hình liên kết với các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao, Nhà máy Đường An Khê, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Thành Thành Công, Công ty TNHH Phát triển Khoa học Quốc tế Trường Sinh...
Hai là, phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp năng lượng tái tạo gắn với sản xuất nông-lâm nghiệp; hình thành các vùng nguyên liệu để kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế trong tỉnh, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tham gia phát triển lĩnh vực công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ nông-lâm nghiệp như: cà phê, cao su, gỗ rừng trồng, gỗ cao su, dược liệu, cây ăn quả... phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Tỉnh đang tiếp tục triển khai Khu Công nghiệp Nam Pleiku, Khu Công nghiệp tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, các cụm công nghiệp ở các huyện, thị xã, thành phố để thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng khuyến khích kêu gọi đầu tư và cũng đã, đang có nhiều nhà đầu tư đăng ký khảo sát, lập dự án và đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo như: điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối. Hiện tại đã có một nhà máy điện mặt trời 49 MW hoàn thành đưa vào vận hành năm 2018; đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành 2 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất 144,6 MW; một số dự án đang hoàn tất thủ tục triển khai. Đây là tiềm năng và lợi thế lớn của ngành công nghiệp tỉnh nhà gắn với chuỗi các công trình thủy điện hiện có (trên 2.241 MW), các dự án năng lượng tái tạo có quy mô xấp xỉ trên 7.000 MW sẽ là động lực lớn cho sự phát triển của tỉnh.
Thác Mơ (huyện Ia Grai, Gia Lai) là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn ở Gia Lai. Ảnh: Hồng Thi
Ba là, phát triển du lịch, bởi tiềm năng của tỉnh là rất lớn. Về du lịch sinh thái, tỉnh có 2 khu vực rừng nguyên sinh lớn và đang đề nghị công nhận khu sinh quyển thế giới (Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng) với đa dạng động-thực vật và các thác nước tuyệt đẹp, khí hậu ôn hòa; Khu du lịch Biển Hồ-Chư Đăng Ya đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch Khu du lịch quốc gia rộng 6.000 ha; các ngọn núi lửa âm và dương như: Hàm Rồng, Chư Đăng Ya, Biển Hồ...; các thác nước thiên nhiên như: thác Phú Cường, thác Mơ, thác Chín Tầng... tạo nên những thắng cảnh say đắm lòng người. Cùng với đó, các di tích khảo cổ nổi tiếng xác định niên đại loài người ở Việt Nam có ở Gò Đá, Rộc Tưng (thị xã An Khê) với trên 80 vạn năm; quần thể Di tích Tây Sơn Thượng đạo; các di tích: Tượng đài chiến thắng Đak Pơ, Nhà lao Pleiku, Quốc môn (Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh); Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG, quần thể sân golf và các công trình nghỉ dưỡng, dịch vụ, vui chơi giải trí ở Đak Đoa đang triển khai... sẽ là những công trình lịch sử, văn hóa độc đáo phục vụ cho phát triển du lịch. Các công trình tâm linh như: tượng Phật Bà ở Biển Hồ, chùa Minh Thành, Thiền Viện Trúc Lâm, Nhà thờ Thăng Thiên, Thánh Tâm... và các công trình kiến trúc tôn giáo khác sẽ là những điểm nhấn độc đáo cho du lịch tâm linh gắn với chuỗi du lịch sinh thái, văn hóa, thể thao, lịch sử, cũng như du lịch nông nghiệp. 
Bên cạnh những loại hình trên hiện tại đang được tỉnh đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thì loại hình du lịch homestay cũng được chú trọng phát triển; đặc biệt kết hợp các loại hình quy mô lớn như: Khu phức hợp sân golf Đak Đoa; Khu văn hóa, thể thao, nghĩ dưỡng Núi Đá; Khu đô thị sinh thái Trà Đa; các khu khách sạn, dịch vụ trong trung tâm TP. Pleiku và các thị xã… Tỉnh còn đang tập trung xây dựng các chính sách ưu đãi, cơ chế thông thoáng cho kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực phát triển du lịch, đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực gắn với việc xây dựng ý thức cộng đồng của người dân trong phát triển du lịch, làm sao để mỗi người dân phải là một đại sứ du lịch.
* P.V: Theo dự báo, năm 2019 và những năm tiếp theo, tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước tiếp tục gặp khó khăn. Tỉnh ta sẽ thực hiện những giải pháp nào để vượt qua thách thức và hoàn thành các mục tiêu đề ra, thưa đồng chí?
- Đồng chí VÕ NGỌC THÀNH: Mục tiêu tổng quát kế hoạch năm 2019 và những năm tiếp theo là tiếp tục ổn định và phát triển kinh tế, kiểm soát lạm phát. Do đó, 4 trọng tâm chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh là:
Thứ nhất, tập trung nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế tỉnh; thực hiện cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; ứng dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đẩy mạnh các giải pháp, chính sách để tạo các đột phá cho phát triển kinh tế với các điểm đột phá từ nông-lâm nghiệp, công nghiệp và du lịch như đã đề cập.
Thứ hai, xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ, tạo động lực và áp lực trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Chú trọng cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới, tăng cường hiệu quả hoạt động tư pháp.
Thứ ba, phát triển hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng-chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Củng cố quốc phòng-an ninh, bảo vệ vững chắc vùng biên giới; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Quyết liệt phòng-chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thứ tư, chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ tỉnh. Tập trung đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 và xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 với các nội dung mang tính bứt phá…
* P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
 HỒNG THI (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm