Xã hội

Đời sống

Thực tập hạnh phúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi vừa theo học một khóa với nội dung cảm nhận và thực tập hạnh phúc. Trước nay, tôi vẫn luôn nghĩ rằng, hạnh phúc là cảm nhận, là cảm giác, một trạng thái tâm lý không thuộc về thể chất, vô hình thì làm sao nắm giữ, thực hành. Tuy nhiên, sau khóa học, tôi nhận ra rằng, mọi thứ muốn có đều phải thực hành, thực tập. Giống như việc chịu đựng áp lực căng thẳng, rèn sức mạnh ý chí, nội tâm, đều phải có học tập, rèn luyện thì mới vượt qua được những giới hạn của bản thân.

Vậy hạnh phúc là gì? Tại sao mọi người phải nghĩ nhiều và bàn tán nhiều về nó. Công ty mà tôi đang làm việc cũng bàn về mục tiêu của đơn vị là cùng “mưu cầu hạnh phúc” dù chuyên về công nghệ, khi mọi người cùng tiến đến mục tiêu công nghệ sẽ giúp mọi người hạnh phúc hơn.

Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, “hạnh phúc là an lạc, an trong thân và trong tâm... chúng ta chỉ hạnh phúc khi có an trong lòng, có tình yêu và tình thương”. Còn theo ông Jigme Yoser Thinley-nguyên Thủ tướng Bhutan thì “hạnh phúc là một trạng thái đạt được khi con người có khả năng cân bằng giữa các nhu cầu của cảm xúc và trí não, thể chất và tinh thần cũng như vật chất và tâm linh”. Từ năm 2013, Liên hợp quốc đã chọn ngày 20-3 hàng năm là Ngày Quốc tế hạnh phúc.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta quan tâm nhiều đến hạnh phúc. Theo tôi hiểu thì vì điều kiện cuộc sống được nâng lên, những nhu cầu cơ bản được đảm bảo, con người có xu hướng quay về với nhu cầu bên trong, với nội tại của mình để cùng làm phong phú thêm cho cuộc sống. Đồng thời, khi đó mọi người cũng quan tâm nhiều đến cảm giác, cảm xúc cá nhân, tôn trọng và yêu thương bản thân mình hơn. Một số quốc gia còn đưa chỉ số hạnh phúc vào đo lường và xếp loại. Không phải nước giàu có thì chỉ số hạnh phúc cao mà người ta đo lường dựa trên sự tin tưởng, trung thực, sự cho đi, tình yêu thương, sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ nhau của người dân ở đất nước đó.

Hạnh phúc là tùy ở cảm nhận mỗi người. Có người cho rằng có cơm ăn, nhà cửa sạch đẹp, con cái ngoan lành là hạnh phúc. Nhưng cũng có người cho rằng đó là sự tận hiến, trao tặng, yêu thương, hy sinh vì người khác... Vậy, muốn có hạnh phúc thì chúng ta phải làm gì?

Khóa học đã chỉ ra rằng, hãy hiện diện và trân quý từng giây phút hiện tại. Ví dụ, bạn ở bên con, bạn chỉ biết là đang chơi với con, nói chuyện với nó với hoàn toàn tâm trí. Khi bạn cà phê với bạn bè, hãy bỏ điện thoại xuống, nhìn vào mắt người đối diện để thực sự hiện diện cho cuộc trò chuyện. Khi làm việc thì nên tập trung vào việc làm chính, không phân tán bởi các việc khác. Mỗi ngày thực hành thở đúng cách, thở là chỉ thở, quan sát và tập trung vào hơi thở. Nghe tiếng đồng hồ báo thức (cài đặt sẵn) báo lên là ngừng lại nhắm mắt hít thở, tạm rời công việc đang làm vài giây. Cuộc sống hàng ngày yêu thương người bên cạnh mình, nói lời yêu thương với họ, cùng nâng đỡ nhau, khi gặp điều gì đó, trước khi quyết định hãy nhắm mắt, thở và cười, điều đó chỉ mất 5 giây nhưng có thể giúp bạn cân bằng cảm xúc nhanh chóng, không hấp tấp vội vàng. Yêu thương và sống gần gũi với tự nhiên cũng là cách để mỗi người cảm nhận về hạnh phúc.

Tôi nhận thấy, mình đã cười nhiều hơn, bình tĩnh hơn và tập trung hơn sau những lần thực tập hạnh phúc. Bởi vì, một câu chuyện, con người ta chỉ cách nhau một cách nhìn, nếu nghĩ tích cực mình sẽ vui, còn nếu u sầu thì sự việc nó cũng vậy mà khiến mình thêm đau khổ, mệt mỏi, ảnh hưởng đến người khác.

Có thể bạn quan tâm