Khoa học - Công nghệ

Xe 360

Thuế nhập khẩu về 0%, người Việt mua xe giá rẻ vẫn chỉ... trong mơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đã gần một năm chính sách thuế ô tô nhập khẩu về 0% (sản xuất từ ASEAN) có hiệu lực, tuy nhiên, việc người tiêu dùng có thể tiếp cận xe giá rẻ vẫn còn xa.

Hiện xe nhập khẩu hưởng thuế 0% đã về Việt Nam nhưng giá của xe vẫn không thay đổi nhiều.
Hiện xe nhập khẩu hưởng thuế 0% đã về Việt Nam nhưng giá của xe vẫn không thay đổi nhiều.



Năm 2018, được coi là một năm có nhiều chính sách thuế, phí mới được áp dụng đối với ngành ô tô như: Giảm thuế nhập khẩu, linh kiện, nghị định 116 có hiệu lực…

Trong đó, điều quan tâm nhất đối với người tiêu dùng Việt và đặc biệt là những người đang có nhu cầu mua xe đó là thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN giảm về 0%.

Cụ thể, thực hiện cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu ôtô từ ASEAN về Việt Nam xuống mức 0% (với xe có tỷ lệ nội địa hóa trong khối từ 40% trở lên) từ 1/1/2018, đó là các mẫu ô tô được nhập khẩu từ các nước như: Thái Lan, Indonesia hay Malaysia.

Thông tin này khiến cho những người đang có ý định mua xe cảm thấy vui mừng vì với việc thuế giảm chắc chắn giá xe sẽ giảm trong năm 2018... Tuy nhiên, cho đến bây giờ (tháng 11/2018) thì việc tiếp cận và mua được xe giá rẻ của người Việt vẫn còn khá xa vời.

Các mẫu xe nhập khẩu hưởng thuế 0% đã về Việt Nam, nhưng giá của nhiều mẫu xe này không chỉ không giảm mà thậm chí còn tăng.

Bên cạnh đó, những tháng đầu năm do vướng mắc các quy định của Nghị định 116 nên xe không thể “cập bến” Việt Nam, điều này khiến cho số lượng đơn hàng từ đầu năm bị “ùn ứ” đến tận cuối năm. Đến khi đáp ứng được các thủ tục và xe bắt đầu được nhập khẩu trở lại (khoảng thời gian cuối năm 2018) thì số lượng lại không đủ, chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, người tiêu dùng muốn mua xe ở thời điểm này cũng khó chứ chưa nói đến việc giá xe giảm.

Ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ đại lý kinh doanh ô tô tư nhân Tuấn Đạt (Lê Văn Lương, Hà Nội) cho biết, giá xe tại Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào thuế mà còn rất nhiều yếu tố: Chi phí nhà xưởng, mặt bằng kinh doanh, tỷ giá USD (hầu hết xe nhập đều nhập khẩu bằng USD)... nên sau khi tính toán hết các chi phí mới đưa được ra mức giá cho từng mẫu xe. Bên cạnh đó, yếu tố cung – cầu cũng sẽ tác động khá nhiều đến giá của một số mẫu xe; hay những trang bị, nâng cấp đối với các phiên bản mới cũng sẽ khiến giá xe biến động theo xu hướng tăng hơn so với phiên bản cũ.

Ông Đạt lấy ví dụ: Đối với những mẫu xe như Toyota Fortuner, Ford Ranger...  nhu cầu luôn ở mức cao, trong khi ở thời điểm hiện tại lượng xe nhập về lại chưa đủ đáp ứng nên nhiều đại lý cũng “lợi dụng” điều này để “làm giá” hay bán phụ kiện kèm theo.


 

 



Hay theo đại diện  Toyota, việc giá của một số mẫu xe nhập khẩu được bán tại Việt Nam tăng giá hơn so với thế hệ cũ là do hãng đã xem xét tất cả các yếu tố và tác động đến thị trường để đưa ra mức giá phù hợp. Bên cạnh đó, đây đều là phiên bản mới được nâng cấp và trang bị thêm nhiều tính năng hơn so với thế hệ trước.

Không chỉ có giá bán tăng, hiện này việc nhiều người tiêu dùng muốn mua xe cũng không phải “có tiền là mua được”.

Theo anh Nguyễn Tuấn Minh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, anh đặt mua chiếc Mitsubishi Expander từ tháng 11/2018, nhưng đại lý cho biết phải sang đầu năm 2019 mới có xe bàn giao. Tuy biết là lâu nhưng do thích mẫu xe này nên anh chấp nhận chờ đợi.

Hay như chị Nguyễn Thị Lan, Cầu Giấy (Hà Nội) tìm mua chiếc Honda Civic màu đỏ nhưng hỏi khắp các đại lý ở Hà Nội đều từ chối vì không có xe. Muốn mua thì phải đợi hoặc tìm các đại lý ở các tỉnh thành khác.

Tình trạng khan hàng không chỉ xảy ra đối với mẫu Mitsubishi Expander mà nhiều mẫu xe nhập khẩu “hot” trên thị trường Việt Nam cũng rơi vào tình trạng đó như: Ford Ranger, Everest, Toyota Wigo, Fortuner...

Anh Nguyễn Văn Toàn, nhân viên kinh doanh của một đại lý Ford tại Hà Nội cho biết, hiện tại đối với những mẫu xe Ford Ranger hay Everest (tùy phiên bản) khách hàng muốn mua cũng phải đợi đến cuối tháng 12/2018 hoặc 1/2019 mới có xe.

 Gia Linh/VOV.VN
 

Có thể bạn quan tâm