Thời sự - Bình luận

Thuế với báo chí, cần sự thấu hiểu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đó là mong muốn của những người làm báo khi dự thảo luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi vừa được Bộ Tài chính trình lên Quốc hội, trong đó đề xuất bổ sung hoạt động báo chí vào diện ưu đãi thuế.

Theo đó, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với báo in là 10%, còn đối với các loại hình báo khác ngoài báo in là 15%. Có thể nói, việc bổ sung báo chí vào diện ưu đãi thuế, là Bộ Tài chính đã đánh giá được phần nào những khó khăn của ngành báo chí. Thế nhưng chính mức ưu đãi trong dự thảo cũng cho thấy Ban soạn thảo chưa thực sự thấu hiểu hết những vất vả của người làm báo. Thực tế, doanh thu của báo chí sụt giảm mạnh mấy năm gần đây, kéo theo thu nhập của người làm báo giảm sâu. Trong khi đó, đặc thù nghề báo phải chi trả lớn cho phương tiện hành nghề, từ máy ảnh, máy quay phim, các thiết bị công nghệ cho tới chi phí xăng xe, chi phí trong quá trình lấy tin, viết tin, tác nghiệp nơi nguy hiểm... Tất cả những chi phí này người làm báo đều tự chi trả trong khoản thu nhập ngày càng khiêm tốn của mình.

Đó là lý do Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc khi tiếp cận dự thảo luật đã đề nghị nên đưa thuế TNDN với báo chí về mức chung là 10%, thay vì phân biệt báo in, báo điện tử mức thuế khác nhau. Đây cũng là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tuần trước. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần thêm các chính sách hỗ trợ cho báo chí, vì thực tế mức thuế TNDN 10% là chưa đủ. Bởi báo chí không phải kinh doanh đơn thuần mà còn gánh trên vai nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước; đấu tranh với tiêu cực trong xã hội, phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; phản ánh những vướng mắc trong thực tế đời sống, hoạt động sản xuất, môi trường ngược trở lại với các cơ quan có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ. Trong đại dịch Covid-19, rất nhiều nhà báo bất chấp hiểm nguy xông pha nơi tâm dịch, có người đã ngã xuống, không ít người còn mang di chứng đến tận hôm nay.

Tất cả những điều đó, báo chí nói chung và người làm báo nói riêng, hầu như chưa bao giờ lên tiếng hay đòi hỏi quyền lợi cho bản thân mình. Dù hằng ngày, họ vẫn đã và đang phản biện những bất cập liên quan đến chính sách thuế TNDN với doanh nghiệp vừa và nhỏ; thuế VAT, thuế môi trường với xăng dầu, thuế thu nhập cá nhân với người làm công ăn lương... Người làm báo luôn ngại nói về mình, họ luôn mong một sự thấu hiểu từ cơ quan soạn thảo chính sách: Thấu hiểu bối cảnh khó khăn của ngành báo chí ở thời đại bùng nổ thông tin hiện nay; thấu hiểu báo chí không phải là DN đơn thuần mà có nhiệm vụ đặc biệt; thấu hiểu báo chí trong cuộc cạnh tranh không cân sức với mạng xã hội khi bị ràng buộc bởi rất nhiều quy định mà kết quả là doanh số lao dốc và thu nhập teo tóp.

Tiếp cận từ góc độ đó, ưu đãi thuế với các cơ quan báo chí nên và phải ở mức không chịu thuế hoặc chịu thuế mức thấp nhất, như nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất.

Quốc hội đang sửa đổi nhiều luật thuế với chủ trương nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài, bền vững. Đó cũng chính là điều mà những người làm báo kỳ vọng ở quy định về thuế với báo chí hiện nay.

Theo Nguyên Minh (TNO)

Có thể bạn quan tâm