(GLO)- Việc xây dựng thương hiệu có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp (DN). Thương hiệu không chỉ định hình phong cách, hình ảnh của DN mà còn tạo dựng uy tín cho sản phẩm, từ đó thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa, tăng lợi nhuận và tăng tính cạnh tranh trên thương trường.
Nói đến cà phê Thu Hà là nói đến thương hiệu cà phê lâu đời nhất ở Gia Lai khi đã có mặt trên thị trường hơn 50 năm qua. Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng thương hiệu, bà Nguyễn Thị Nam-Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Thu Hà (TP. Pleiku) bày tỏ: “Năm 1971, từ khi Thu Hà còn là một quán cà phê nhỏ, chúng tôi luôn xác định làm ăn là phải đặt chữ tín lên hàng đầu. Từ những bước đi đầu tiên, gia đình tôi trồng, chế biến và tiêu thụ trực tiếp sản phẩm tại quán. Qua một thời gian, chúng tôi thành lập công ty và phát triển được mạng lưới bán lẻ khắp các tỉnh, thành. Ngoài tiêu thụ trong nước, cà phê Thu Hà đã xuất khẩu sang một số nước. Với bề dày kinh nghiệm trong nghiên cứu thị trường, chúng tôi liên tục ra mắt các sản phẩm mới và được đón nhận một cách tích cực, thương hiệu cà phê Thu Hà đứng vững từ đó”.
Theo bà Nam, Công ty hiện có 64 dòng sản phẩm khác nhau, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhiều đối tượng khách hàng. Trong đó, sản phẩm cà phê hòa tan vị đậm 3 lần được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, nhiều sản phẩm được chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu ong mật Gia Lai thường tham gia quảng bá thương hiệu tại các hội chợ, chương trình kết nối cung cầu. Ảnh: Vũ Thảo |
Cũng là DN đi lên từ kinh tế hộ gia đình, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu ong mật Gia Lai (xã Ia Krai, huyện Ia Grai) đã xây dựng được chuỗi liên kết với nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Hiện Công ty có các dòng sản phẩm như: mật ong hoa cà phê, mật ong cao su, mật ong hoa nhãn, sữa ong chúa, phấn hoa…
Ông Lê Văn Dân-Giám đốc Công ty-cho hay: Trước đây, chúng tôi chủ yếu làm hàng gia công cho một số DN ở TP. Hồ Chí Minh để xuất khẩu sang Mỹ với sản lượng mỗi năm khoảng 300-500 tấn. Thời gian gần đây, Công ty chú trọng phát triển thị trường nội địa, đầu tư xây dựng thành phẩm để tiến tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm mật ong của Gia Lai. Năm 2015, sản phẩm mật ong của Công ty đạt chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu do Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cấp. Năm 2019, sản phẩm mật ong hoa cà phê đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là sự khẳng định về chất lượng, là điều kiện tốt để sản phẩm vươn ra thị trường.
“Trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường, việc phát triển thương hiệu cho DN là vô cùng cần thiết. Vì vậy, chúng tôi đã tìm hiểu và vạch cho mình từng bước đi cụ thể để thương hiệu sản phẩm cũng như thương hiệu DN dần khẳng định chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Ngoài ra, Công ty thường xuyên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh”-ông Dân nói.
Hầu hết các DN nhỏ và siêu nhỏ khi mới bắt đầu đi vào hoạt động thì thường tập trung vào việc tạo ra sản phẩm. Do đó, nhiều sản phẩm chất lượng nhưng chưa được chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu nên gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sẽ giúp người tiêu dùng có niềm tin vào sản phẩm, đồng thời giúp DN có vị trí vững chắc trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Mão-Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đang là vấn đề hết sức quan trọng, cần thiết đối với DN, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững. Thông qua xây dựng thương hiệu, người tiêu dùng tin tưởng và yên tâm hơn khi được lựa chọn sản phẩm và dịch vụ của DN đó. Hiện nay, nhiều DN chưa chú trọng xây dựng thương hiệu nên khó có thể xâm nhập thị trường, tìm kiếm khách hàng dẫn đến hiệu quả kinh doanh còn hạn chế.
“Mới đây, Sở Công thương phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)-Chi nhánh Đà Nẵng tổ chức lớp tập huấn về vấn đề xây dựng và truyền thông phát triển thương hiệu DN cho các DN, hợp tác xã. Cùng với đó, hướng dẫn từng bước để xây dựng thương hiệu mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển hệ thống nhận diện thương hiệu, xúc tiến truyền thông thương hiệu hiệu quả trong kỷ nguyên số; nghiên cứu khung pháp lý bảo hộ thương hiệu theo luật pháp Việt Nam và quốc tế”-ông Mão thông tin.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Châu-giảng viên cao cấp Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp (Trường Đại học Ngoại thương), khi một DN đưa sản phẩm mới ra thị trường thì phải gán cho sản phẩm một nhãn hiệu nào đó và đăng ký bảo hộ bản quyền. Sau quá trình phấn đấu để chiếm được lòng tin của khách hàng, nhãn hiệu trở thành thương hiệu ăn sâu vào tiềm thức của họ. Do vậy, việc xây dựng thương hiệu chính là tạo dựng uy tín của DN đối với người tiêu dùng. Thương hiệu thể hiện sự cam kết về chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng như sự kết hợp logic giữa tên gọi, logo, slogan. Đây là sự kết hợp giữa trí óc, tiềm thức và cảm xúc của khách hàng khi nhắc đến thương hiệu đó. Bên cạnh đó, DN phải có một chiến lược truyền thông thương hiệu linh hoạt và thực tế.
Liên quan đến pháp lý, Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Châu cho rằng, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra rất phổ biến. Vì vậy, DN cần đầu tư phát triển thương hiệu, tạo sự khác biệt và phải đăng ký sở hữu trí tuệ. Việc xây dựng thương hiệu đã khó nhưng giữ được thương hiệu còn khó hơn. Vì vậy, câu chuyện về bảo hộ là rất cần thiết đối với sự tồn tại và phát triển của DN nên cần nâng cao nhận thức và có chiến lược xây dựng thương hiệu cho mình.
VŨ THẢO