Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Thưởng lãm và tìm hiểu trường phái hiện thực trong hội họa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Từ ngày 23-29/11/2023, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 phố Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội, triển lãm 'Hiện thực +', trưng bày các tác phẩm hội họa của 11 họa sỹ thuộc trường phái hiện thực và siêu hiện thực của mỹ thuật đương đại đã được tổ chức.
Tác phẩm của họa sĩ Lê Thế Anh. Ảnh: vnfam.vn

Tác phẩm của họa sĩ Lê Thế Anh. Ảnh: vnfam.vn

Triển lãm "Hiện thực +" giới thiệu tới công chúng gần 50 tác phẩm của các họa sỹ nhóm Hiện thực gồm: Lê Thế Anh, Nguyễn Văn Bảy, Phạm Bình Chương, Nguyễn Toán, Đoàn Văn Tới, Lưu Tuyền, Lê Cù Thuần, Vũ Ngọc Vĩnh. Bên cạnh đó, triển lãm còn mời các họa sỹ Trịnh Lữ, Hồ Hưng, Nguyễn Văn Chung, là những họa sỹ vẽ hiện thực và siêu thực cùng tham gia. Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm thuộc nhiều thể loại, chủ đề, chất liệu khác nhau.

Theo Ban Tổ chức, đây là cuộc triển lãm nhóm lần thứ 5 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 9 năm thành lập nhóm. Họa sỹ Phạm Bình Chương chia sẻ, điều đáng mừng trong triển lãm lần này, là các họa sỹ trong nhóm Hiện thực đều cho thấy sự vững vàng và chín chắn hơn trong các tác phẩm của mình.

Họa sỹ Lê Cù Thuần đặt mình vào cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Chịu ảnh hưởng của lối vẽ cổ điển, anh âm thầm khắc họa chân dung người miền núi đầy chân thành. Lần này, các tác phẩm của Lê Cù Thuần có thiên hướng mơ màng, buông lơi hơn với nguồn sáng kỳ ảo không xác định.

Họa sỹ Lê Thế Anh thường vẽ trẻ em dân tộc với đôi mắt trong, má ửng đỏ. Anh tạo sự sống động qua bảng màu tươi và sắc độ tương phản cao. Trong series tranh trưng bày tại triển lãm này, anh tập trung khắc họa vào sự gắn bó giữa người và động vật, anh giảm dần những màu sắc rực rỡ, mà nhường chỗ cho biểu cảm tình người, tạo cho bức tranh sự lắng đọng rõ rệt.

Họa sỹ Nguyễn Văn Bẩy thường vẽ những góc bình yên của khu vườn, góc ao quê anh như tìm sự tĩnh lặng trong tâm hồn. Họa sỹ Phạm Bình Chương tập trung vào những góc hẹp hơn trước, như muốn quan sát từng giây sự đổi thay của cuộc sống.

Họa sỹ Nguyễn Toán năm 2022 đoạt giải Best of the show 2023 của tạp chí Watercolor Artist - Mỹ với tác phẩm "Vô thường", nay anh tiếp tục chắt lọc về hình, màu và ý tứ. Tư tưởng trong tranh Toán được thể hiện rõ, thuyết phục hơn.

Họa sỹ Đoàn Văn Tới tiếp tục khai thác đề tài Phật pháp, song hình thức lại tươi trẻ, dễ xem hơn trước. Anh dùng thủ pháp vẽ lụa kết hợp cắt dán, thêu với bảng màu tươi sáng…

Họa sỹ Lưu Tuyền đã đi ra khỏi thế giới "vỏ bọc của nội tâm" để đến "Thiên đường hoàn hảo", mà ở đó mọi sự tốt xấu, cao thấp, sang hèn, đều được hòa quyện cùng nhau. Bộ tranh về bề mặt nứt vỡ của đồ gốm cổ của anh rực rỡ và dày dặn hơn như khẳng định sự hiểu rõ cái tính "hiển nhiên" của sự sống.

Họa sỹ Vũ Ngọc Vĩnh lại đi tìm cái tĩnh tại sau giai đoạn vẽ biểu hiện. Hình tượng người phụ nữ với tâm trạng đầy lo âu và cô đơn nay đã tự tin và duyên dáng hơn. Có lẽ, anh đã tìm được câu trả lời của mình về thân phận người phụ nữ hiện đại.

Điều đặc biệt là trong triển lãm lần này, nhóm Hiện thực đã mời những họa sỹ vẽ hiện thực và cả siêu thực gồm các họa sỹ: Trịnh Lữ, Hồ Hưng, Nguyễn Văn Chung cùng trưng bày các tác phẩm cá nhân. Rất hiếm khi hai trường phái này cùng được bày ở một triển lãm, vì vậy, tại triển lãm này, người xem có thể so sánh, quy chiếu hai phong cách để tìm ra quá trình tiếp biến của hiện thực.

Trong khuôn khổ Triển lãm, vào lúc 9 giờ 30 phút thứ Bảy, ngày 25/11, tại không gian trưng bày triển lãm "Hiện thực +" sẽ diễn ra chương trình Art talk "Tại sao vẽ hiện thực" với sự góp mặt của họa sỹ Trịnh Lữ và họa sỹ Phạm Bình Chương. Các họa sỹ sẽ chia sẻ đến công chúng những câu chuyện liên quan đến chủ đề vẽ tranh hiện thực và lý do lựa chọn trường phái hiện thực trong các tác phẩm của mình...

Có thể bạn quan tâm