Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Thương lượng phương án lương tối thiểu vùng năm 2017

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 20-7, Hội đồng tiền lương quốc gia tổ chức cuộc họp kín để thương lượng về tiền lương tối thiểu vùng năm 2017 tổ chức tại quận Đồ Sơn, Hải Phòng.

Hội đồng tiền lương quốc gia tổ chức họp phiên thứ nhất về phương án lương tối thiểu vùng năm 2017
Hội đồng tiền lương quốc gia tổ chức họp phiên thứ nhất về phương án lương tối thiểu vùng năm 2017



Ông Lê Đình Quảng-Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam-cho biết tại phiên thương lượng buổi sáng, bộ phận kỹ thuật của hội đồng tiền lương quốc gia đã đưa ra ba phương án.

Thứ nhất, tăng mức lương tối thiểu tại mỗi vùng lên khoảng 10%, ở mức 250.000-350.000 đồng.

Thứ hai, mức tăng thấp hơn từ 230.000 đồng đến 300.000 đồng và phương án ba ở mức thấp hơn nữa là 100.000-200.000 đồng.

Thay mặt Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Mai Đức Chính-Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam-đề xuất phương án tăng lương tối thiểu ở mức tuyệt đối là từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng, với tỷ lệ tăng bình quân khoảng 11,11%.

Theo ông Quảng, do thời gian có hạn nên trong phiên thương lượng buổi sáng, phía Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn chưa trình bày được phương án đề xuất tăng lương. Dự kiến trong chiều nay tiếp tục thảo luận về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017.

Trước đó, Chính phủ đã ra nghị định 122/2015/NĐ-CP ngày 1-1-2016 quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp kể từ ngày 1-1-2016 như sau:

Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng (tăng 400.000 đồng so với năm 2015).

Vùng II: 3.100.000 đồng/tháng (tăng 350.000 đồng so với năm 2015).

Vùng III: 2.700.000 đồng/tháng (tăng 300.000 đồng so với năm 2015).

Vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng so với năm 2015).

Tuy nhiên, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức tăng lương vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động.

Bên cạnh đó, dù phần lớn doanh nghiệp đã thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1-1-2016 theo đúng quy định, nhưng trong quá trình điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, một số doanh nghiệp đã cắt giảm một số loại phụ cấp ngoài lương của người lao động như: cắt giảm tiền hỗ trợ xăng xe, tiền nhà trọ, thâm niên, tiền hỗ trợ lao động nữ nuôi con nhỏ… so với năm 2015.

Theo Tuoitre

Có thể bạn quan tâm