Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh: “Trong lịch sử, chúng ta đã chiến đấu và chiến thắng để giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Chúng ta đánh để có hòa bình, cho nên chúng ta rất coi trọng những yếu tố, nhân tố để có được hòa bình”.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh |
Trong cuộc trao đổi trước thềm năm mới 2019, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh: “Trong lịch sử, chúng ta đã chiến đấu và chiến thắng để giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Chúng ta đánh để có hòa bình, cho nên chúng ta rất coi trọng những yếu tố, nhân tố để có được hòa bình”.
Không để chiến tranh xảy ra với đất nước mình
* PHÓNG VIÊN: Thưa Thượng tướng, đâu là những tư duy mới, cách tiếp cận mới về hoạt động quốc phòng cũng như phát triển Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam hiện nay?
- Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH: Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, dân tộc ta đã đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, đều là những nước lớn, có lực lượng quân sự mạnh hàng đầu thế giới. Nay trong thời bình, quân đội bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, độc lập, tự chủ của đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân; bảo vệ nền hòa bình bền vững cho đất nước. Đây là 3 mục tiêu chung của bảo vệ Tổ quốc và là nhiệm vụ của toàn dân, toàn hệ thống chính trị mà nòng cốt là QĐND, là nhận thức mới và toàn diện về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quốc phòng trong tình hình hiện nay.
Do lịch sử để lại, chúng ta hiện vẫn có tư duy thắng thua, tư duy chiến tranh, chưa dứt ra được. Một người sống với trạng thái sẵn sàng chiến đấu thì rất tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu họ có trạng thái bình an và xây dựng cuộc sống của mình trong sự bình an đó. Vì vậy, nhiệm vụ của quân đội bây giờ là làm sao đảm bảo đủ sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu để đánh thắng khi có chiến tranh, nhưng quan trọng nhất là bảo vệ hòa bình và cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân. Sức mạnh đó không chỉ từ bên trong mà còn cả sức mạnh bên ngoài, các yếu tố bên ngoài ngày càng quan trọng vì chúng ta đang hội nhập, thế giới đang toàn cầu hóa. Trong bối cảnh môi trường chiến lược vô cùng phức tạp hiện nay, nước lớn nào cũng muốn “cầm cờ” chi phối thế giới và khu vực, chúng ta đừng để bị cuốn vào, không ngả theo ai và thêm bạn, bớt thù. Đồng thời, chúng ta phải quan tâm tăng cường tiềm lực bảo vệ Tổ quốc. Khi quân đội luôn sẵn sàng thì đất nước sẽ không bị tổn thương. Sẵn sàng chiến đấu là để nhân dân được sống trong hòa bình, trong xã hội yên bình và phát triển. Giữ được hòa bình cho Tổ quốc vẹn toàn mới là điều quan trọng nhất, cần vươn tới, cần đạt được.
Để có được điều đó, chúng ta phải xây dựng quân đội phù hợp với tình hình mới. Không phải đội quân đông, lớn hay nhiều vũ khí, mà phải tinh, gọn, mạnh, phù hợp với yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ví dụ, phạm vi tác chiến của lục quân, không quân của chúng ta chỉ trong chiều sâu chiến dịch để bảo vệ đất nước, chứ không đưa quân đi đánh nước ngoài. Hay với biển thì chúng ta phải bảo vệ, quản lý được vùng thềm lục địa và các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Một ví dụ khác, mỗi tỉnh chúng ta cần một sư đoàn mạnh hay chỉ cần một trung đoàn nhưng trong tỉnh ấy mỗi thanh niên trên 18 tuổi đều được đưa vào lực lượng dự bị động viên, được huấn luyện thường xuyên. Mô hình nào tốt hơn trong thời hiện đại, trong thời bình? Chắc chắn là mô hình thứ 2. Quân thì tinh nhuệ, còn lực lượng dự bị động viên thì đủ lớn và luôn sẵn sàng để khi cần tổng động viên thì toàn dân là chiến sĩ. Đó là đội quân vừa đủ và như thế thì quân đội mới không thành gánh nặng của đất nước, của nền kinh tế.
* Nhưng trong những năm qua, chúng ta vẫn tiếp tục đầu tư mua sắm vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại, thưa Thượng tướng?
- Xu thế chung của thế giới hiện nay là “Mua vũ khí hiện đại để không phải bắn; luyện quân giỏi để không phải đánh”. Có những nước nhỏ nhưng họ trang bị vũ khí hiện đại, đó không chỉ để răn đe mà thể hiện ý chí của cả một đất nước, một dân tộc: tôi không xâm phạm đến ai nhưng động đến tôi thì tôi có quyền và có khả năng tự vệ. Bây giờ Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với quốc tế, kể cả quốc phòng, quân sự. Nhưng chỉ hội nhập quốc tế là không đủ, mà quân đội cần phải hội nhập với chính xã hội thường nhật, ngay trên đất nước mình. Để người lính với những thanh niên bình thường ngoài kia không có gì khác biệt. Người lính vẫn giữ phẩm chất của mình nhưng vẫn hòa nhập tốt với xã hội.
Hiện nay, chúng ta có độc lập tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ và không thể để mất. Như vậy, có nền hòa bình bền vững, có sự ổn định lâu dài thì đất nước mới phát triển, mới hội nhập, mới thêm bạn bớt thù; khi đó tiềm lực quốc phòng mới tăng. Cái cần quan tâm nhất của xã hội bây giờ là nhận thức về bảo vệ hòa bình. Đừng có hung hăng, đừng có thấy rằng mình đánh được tất cả “kẻ thù lớn” thì mình không sợ ai. Chúng ta phải rất cẩn trọng, rất tập trung, rất cảnh giác, quan tâm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội mạnh nhưng không để xảy ra chiến tranh mà để bảo vệ sự bình yên của đất nước, để làm sao đất nước phát triển.
Dứt khoát bỏ những cái thừa, không phù hợp
* Việc xây dựng QĐND Việt Nam tinh gọn, mạnh và phù hợp nhiệm vụ thời kỳ mới, Bộ Quốc phòng đã thực hiện như thế nào, thưa Thượng tướng?
- Xét theo mặt bằng chung của thế giới về tỷ lệ quân số trên số dân, cũng như tỷ lệ chi tiêu quốc phòng trên GDP, thì Việt Nam ở mức thấp. Quân đội ta hiện chưa đặt vấn đề giảm quân số, nhưng kiên quyết điều chỉnh theo hướng tinh, gọn, mạnh. Dứt khoát bỏ những cái thừa, không phù hợp. Tất cả những công ty, doanh nghiệp không trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng sẽ loại hết. Nhưng đây là vấn đề mấy chục năm để lại, cắt giảm, điều chỉnh như thế nào vì liên quan hàng chục ngàn người lao động, vấn đề vốn, đất đai… Việc này không thể ngày một ngày hai là làm được nhưng dứt khoát làm trong nhiệm kỳ này và làm rất kiên quyết, không có biệt lệ. Quan điểm hiện nay của lãnh đạo Bộ Quốc phòng là chỉ để lại 2 loại công ty, doanh nghiệp quốc phòng. Một là các công ty, xí nghiệp trực tiếp sản xuất công nghiệp quốc phòng, vũ khí, thiết bị quân sự, cái mà bên ngoài không làm được. Chúng ta luôn cần phải có dự trữ quốc phòng. Như nhà máy hiện nay, một năm chỉ sản xuất 100 khẩu súng, nhưng khi có chiến tranh thì năng lực có thể sản xuất 10.000 khẩu súng. Vì vậy phải duy trì doanh nghiệp đó. Loại hình này sẽ được duy trì nhưng rất ít, hơn 10 tổng công ty, doanh nghiệp, bao gồm Viettel, Tân Cảng… nhưng phải rất mạnh, đi thẳng lên hiện đại. Loại hình thứ 2 là các đoàn kinh tế quốc phòng nằm ở vùng sâu, vùng xa, giúp dân, bám trụ vùng biên giới, tiền tiêu. Sẽ không còn các công ty mang danh quân đội, đi xe biển đỏ, mở cửa hàng buôn bán, kinh doanh thương mại... Chắc chắn sẽ không còn! Hiện nay Quân ủy Trung ương đang khẩn trương rà soát và sẽ làm quyết liệt trong thời gian tới.
* Liên quan tới vấn đề đất quốc phòng, thời gian qua ở nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn như TPHCM, Hải Phòng… đã xảy ra một số vụ việc. Bộ Quốc phòng đã xử lý vấn đề này như thế nào?
- Cũng đang làm rất quyết liệt! Trước hết là không để cho các đơn vị dùng đất đai làm kinh tế mà vi phạm pháp luật như một số trường hợp vừa rồi đang xử lý. Đây cũng là quá trình xử lý dần, từng bước, không để bị xáo trộn nhưng dứt khoát phải làm và làm rất nghiêm. Tuy nhiên, quân đội phải có dự trữ về đất quốc phòng, để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Ví dụ như một vài miếng đất ở đô thị, có khi bỏ không, nhưng vì sao quân đội vẫn giữ? Đó là để khi có chiến tranh thì kéo pháo ra đó mà đánh, bảo vệ thành phố, chứ đem ra xây nhà cửa hết, khi có chiến tranh thì đánh thế nào được! Hay các trường bắn chẳng hạn. Nhìn thoáng qua thì thấy hoang vu thật. Tuy nhiên, chiều dài trường bắn dài mấy chục kilômét để bắn pháo, bắn hỏa lực. Nếu cho dân vào khu vực đó sống thì sao an toàn được! Hiện nay, có nước bạn đang chấp nhận mọi điều kiện để xin thuê Việt Nam trường bắn để tập bắn, thuê bầu trời để tập cho không quân, nhưng chúng ta không cho phép. Chúng ta cần phải giữ quỹ đất quốc phòng vì những mục đích quốc phòng. Ví dụ, việc sân golf Tân Sơn Nhất, mọi việc đã rõ, Bộ Quốc phòng đã có chủ trương trả rồi, hiện giờ đang chờ phê duyệt quy hoạch xây dựng. Cái gì giao được, không dùng, quân đội sẽ giao lại cho dân sự. Như vừa rồi, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, Bộ Quốc phòng đã tẩy độc, làm sạch dioxin ở Đà Nẵng gần 40ha đất rồi giao lại cho chính quyền địa phương sử dụng.
Tôi xin khẳng định lại, từ đầu nhiệm kỳ đến nay không thành lập thêm một công ty, doanh nghiệp quốc phòng nào, không một mét đất quốc phòng nào được đem ra cho thuê sai nguyên tắc cả. Ít nhất là 3 năm vừa rồi. Cái gì quân đội đã nói dứt khoát sẽ làm được!
* Xin cảm ơn Thượng tướng!
TRẦN LƯU - THU HÀ (thực hiện/sggp)