TN - Đất & Người

Thủy điện Buôn Kuốp xả lũ: Nhập nhằng hỗ trợ - bồi thường thiệt hại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên đã chỉ đạo sớm làm rõ quy trình vận hành hồ chứa trong vụ thủy điện xả lũ cuốn trôi lồng bè nuôi cá của người dân và kịp thời hỗ trợ thiệt hại
Ngày 5-12, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, đã thị sát tại khu vực thủy điện Buôn Kuốp xả lũ, cuốn trôi hàng chục lồng bè nuôi cá của người dân ở thị trấn Ea Tling (huyện Cư Jút).
Thiệt hại hơn 70 tỉ đồng
Tại buổi thị sát, ông Lê Trọng Yên đã chỉ đạo UBND 2 huyện Krông Nô và Cư Jút tập trung thống kê thiệt hại, kịp thời báo cáo UBND tỉnh; tập trung cao độ di dời người dân đến nơi an toàn, không để thiệt hại về người. Ông Yên cũng yêu cầu các địa phương trích ngân sách hỗ trợ trước mắt để người dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. "Yêu cầu Sở Công Thương khẩn trương làm việc với 2 nhà máy thủy điện Buôn Kuốp và Buôn Tua Srah, làm rõ quy trình vận hành hồ chứa, xả lũ có bảo đảm đúng quy định hay không" - ông Yên chỉ đạo.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Yên cho biết theo thống kê sơ bộ, trên sông Krông Nô (bên dưới nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah - PV) có khoảng 160 lồng bè nuôi cá của người dân bị thiệt hại. Còn đoạn sông Sêrêpốk (dưới nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah và Buôn Kuốp - PV), đoạn qua thị trấn Ea Tling có 25 lồng bè bị hư hỏng. "Tổng thiệt hại các lồng bè nuôi cá của người dân ước tính 60 tỉ đồng và hơn 10 tỉ đồng thiệt hại do cây trồng bị ngập lụt" - ông Yên nói.
Đánh giá gì về trách nhiệm của nhà máy thủy điện và cơ quan chức năng địa phương trong vụ việc, ông Yên cho rằng các thủy điện xả lũ, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương đánh giá kỹ về quy trình vận hành hồ chứa, thời gian thông báo xả lũ, quá trình xả lũ để xem có vi phạm quy chế hay không. "Nếu vi phạm quy chế thì chúng tôi sẽ đề nghị xử lý nghiêm. Trong quá trình xả lũ mà ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất của người dân thì chúng tôi sẽ có kiến nghị với Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các ban quản lý dự án thủy điện như Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah xem xét hỗ trợ, tránh thiệt hại cho người dân" - ông Yên cho biết thêm.
 
Lồng bè nuôi cá của người dân bị thủy điện xả lũ cuốn trôi, hư hỏng
Lồng bè nuôi cá của người dân bị thủy điện xả lũ cuốn trôi, hư hỏng
Không có khả năng điều tiết lũ
Chiều cùng ngày, đại diện Sở Công Thương, UBND các huyện Cư Jút, Krông Nô cũng đã có buổi làm việc với Công ty CP Thủy điện Buôn Kuốp. Đại diện UBND huyện Krông Nô và Cư Jút đã báo cáo tình hình thiệt hại trên địa bàn, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại quy trình xả lũ của 2 nhà máy thủy điện và có phương án hỗ trợ cho người dân. Đại diện Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông cho biết buổi làm việc là để thu thập thông tin, số liệu liên quan đến việc xả lũ, từ đó sẽ đánh giá nguyên nhân, hướng giải quyết vào báo cáo UBND tỉnh.
Ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy điện Buôn Kuốp, cho rằng vào các ngày 29 và 30-11 trên lưu vực thượng nguồn nhánh sông Krông Ana xuất hiện mưa to đến rất to, lưu lượng nước về hồ chứa nhà máy thủy điện Buôn Kuốp tăng và đạt ngưỡng gây lũ 800 m3/giây lúc 18 giờ ngày 2-12. Lũ tăng dần và đạt đỉnh khoảng 1.455 m3/giây lúc 20 giờ ngày 3-12. Để bảo đảm mực nước các hồ chứa không vượt mực nước theo quy định, công ty đã cho xả lũ hồ chứa thủy điện Buôn Kuốp. Công ty bắt đầu tiến hành điều tiết, xả lũ lúc 4 giờ ngày 30-11 với lưu lượng ban đầu 36 m3/giây và sau đó tăng dần theo diễn biến nước về hồ. Đến thời điểm 8 giờ ngày 3-12, lưu lượng chạy máy là 298 m3/giây và lưu lượng xả là 1.041 m3/giây. Hồ thủy điện Buôn Kuốp rất nhỏ, không có khả năng điều tiết lũ.
Đối với các hồ chứa Srêpốk 3 và Buôn Tua Srah, Công ty CP Thủy điện Buôn Kuốp cũng đã vận hành điều tiết qua cửa tràn vào ngày 1-12 lần lượt 36 m3/giây và 27 m3/giây, sau đó tăng dần theo lưu lượng đến hồ. "Chúng tôi đã thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sêrêpốk, việc thông tin không đến được với người dân, gây thiệt hại cho người dân là điều đáng tiếc. Công ty CP Thủy điện Buôn Kuốp, Tổng Công ty Phát điện 3 sẽ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để xem xét, có biện pháp chia sẻ, hỗ trợ kịp thời nhằm giảm bớt các thiệt hại đối với người dân" - ông Đức nói.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, vào rạng sáng 3-12, nhà máy thủy điện Buôn Kuốp đã xả lũ với lưu lượng lớn, cuốn trôi nhiều lồng bè nuôi cá của người dân. Trong đó, gia đình bà Nguyễn Thị Hoan (SN 1966; ngụ thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút) - bị cuốn trôi 20 lồng bè nuôi cá, trị giá hơn 5 tỉ đồng. 
Rà soát lại việc tuân thủ quy trình vận hành thủy điện
Sau khi Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp xả lũ cuốn trôi lồng bè nuôi cá của người dân, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công văn gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT -TKCN), Bộ Công Thương, các địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương đề nghị các đơn vị chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện khẩn trương rà soát việc tuân thủ quy trình vận hành, phương án bảo đảm an toàn hạ du, đặc biệt là công tác phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, chính quyền các cấp trong khu vực chịu ảnh hưởng của xả lũ.
Bài và ảnh: Cao Nguyên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm