Chư Păh là địa phương đang sở hữu khá nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển du lịch. Núi lửa Chư Đang Ya và đỉnh Chư Nâm (thuộc xã Chư Đang Ya) luôn hấp dẫn khách thập phương, nhất là vào mùa hoa dã quỳ nở vàng rực rỡ. Gần đó là cánh đồng chè Biển Hồ xanh mướt và chùa Bửu Minh (xã Nghĩa Hưng) cũng là một cụm thắng cảnh luôn được du khách gần xa tìm đến. Huyện cũng đang dần định hình và phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại làng Kép (xã Ia Mơ Nông), làng Mrông Yố 2 (xã Ia Ka), làng Kon Sơ Lăh (xã Hà Tây)... Tại đây, bên cạnh việc phát huy các giá trị của di sản phi vật thể như không gian văn hóa cồng chiêng thì còn chú trọng khôi phục, bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan lát, ẩm thực Tây Nguyên...
Tuy nhiên, sẽ thật thiếu sót nếu nói về du lịch Chư Păh mà bỏ qua Nhà máy Thủy điện Ia Ly-công trình thủy điện lớn thứ 3 ở Việt Nam (sau Sơn La và Hòa Bình) với công suất 720 MW. Từ nhiều năm trước, đây đã là một trong những điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua của du khách khi đến Gia Lai. Một trong những điểm ấn tượng là gian máy được ví là “cung điện ngầm” trong lòng núi. Ngoài ra, bờ đập ôm lấy hồ nước mênh mông, xanh ngát màu trời tạo nên khung cảnh thơ mộng.
Một góc tuyệt đẹp đường vào Nhà máy Thủy điện Ialy (thị trấn Ialy, huyện Chư Păh). Ảnh: Hà Duy |
Đến với Nhà máy Thủy điện Ia Ly, du khách không chỉ tham quan quanh khu vực nhà máy mà còn có thể có những trải nghiệm vô cùng đặc sắc khi vừa ngồi ca nô dạo trên lòng hồ, vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của đồi núi, rừng cây cũng như cảnh vật xung quanh. Lúc cập bờ, du khách còn có thể thưởng thức ẩm thực thủy sản lòng hồ kết hợp khai thác trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc sinh sống vùng ven... Các năm trước, chỉ riêng trong các dịp lễ, Tết, Nhà máy đón 1.500-2.000 lượt du khách gần xa đến tham quan và trải nghiệm.
Anh Hồ Anh Tú-du khách đến từ tỉnh Đak Lak-chia sẻ: “Cùng chung khu vực Tây Nguyên nhưng tôi nghĩ mỗi tỉnh đều sở hữu nét hấp dẫn riêng. Cách đây chừng 5 năm, tôi đã cùng với bạn bè đi hết 5 tỉnh trong khu vực. Ấn tượng nhất với tôi khi đến Gia Lai là vào Nhà máy Thủy điện Ia Ly, một công trình ngầm rất đồ sộ, hùng vĩ, khác biệt. Lần này, tôi lại đưa gia đình đến đây, tiếc là Nhà máy đang tạm đóng cửa để xây dựng, mở rộng thêm, không đón khách tham quan, nhưng chắc chắn tôi sẽ quay lại. Theo giới thiệu của người quen, chúng tôi đang làm một hành trình ngược, giờ chúng tôi đang ở làng Kép, hành trình tiếp theo sẽ là Biển Hồ chè, chùa Bửu Minh và về lại TP. Pleiku”.
Trước những tiềm năng và dư địa lớn về du lịch của huyện Chư Păh cũng như Nhà máy Thủy điện Ia Ly, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cho rằng: “Công ty Thủy điện Ia Ly cần chủ động phối hợp với UBND huyện Chư Păh, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch khai thác du lịch hợp lý; trong đó kết hợp tham quan Nhà máy, du lịch sinh thái, ẩm thực thủy sản lòng hồ, kết hợp khai thác trải nghiệm văn hóa dân tộc sinh sống ven hồ để góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú về sản phẩm, nâng tầm quảng bá hình ảnh, thu hút khách đến tham quan Chư Păh nói riêng và Gia Lai nói chung”.
Du khách tham quan gian máy ngầm Thủy điện Ia Ly. Ảnh: Huy Tịnh |
Từ năm 2021 đến nay và dự kiến đến hết năm 2024, Công ty tập trung thực hiện Dự án Nhà máy Thủy điện Ia Ly mở rộng. Các xe tải liên tục chạy ra chạy vào để phục vụ dự án nên ảnh hưởng đến cảnh quan, bụi bặm, không đảm bảo an toàn cho việc tham quan du lịch nên đơn vị tạm dừng đón du khách vào trong Nhà máy.
Nói về định hướng phát triển du lịch sắp tới, ông Đoàn Tiến Cường-Giám đốc Công ty Thủy điện Ia Ly-cho hay: “Chúng tôi cũng xác định sẽ đưa Nhà máy Thủy điện Ia Ly vào các điểm đến cho du khách tại Gia Lai. Sau khi hoàn thành dự án, Nhà máy sẽ lại đón khách tham quan. Chúng tôi rất hoan nghênh việc xã hội hóa để tái tạo, đầu tư thêm những hạng mục cần thiết phục vụ cho phát triển du lịch. Công ty sẵn sàng liên kết, hợp tác với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư phát triển du lịch tại đây”.