Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Thủy điện thiếu nước giữa mùa mưa lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quản đốc Phân xưởng Vận hành Nhà máy Thủy điện Plei Krông-Đinh Viết Thiện, cho biết: Làm thủy điện thì trông chờ vào nguồn nước, nhưng năm nay thời tiết rất bất thường, cực đoan. Lẽ ra vào thời điểm này mọi năm đã là giữa mùa mưa ở Tây Nguyên, lũ xuất hiện liên tục nhưng năm nay vẫn chưa thấy lũ nên nguồn nước phục vụ cho việc phát điện thiếu hụt nghiêm trọng. Nhà máy Thủy điện Plei Krông có 2 tổ máy nhưng hiện chỉ duy trì chạy 1 tổ và mỗi ngày cũng chỉ chạy phát điện được 12 giờ. Như vậy, nhà máy chỉ đạt 1/4 công suất phát điện.

Theo thiết kế, dung tích hữu ích của hồ chứa Plei Krông là 942 triệu m3 nước. Tuy nhiên, do hiện tượng El Nino kéo dài đã dẫn đến tình trạng hạn hán khốc liệt nhất gần 100 năm qua ở khu vực Tây Nguyên nói chung và khu vực đầu nguồn Plei Krông nói riêng nên lượng nước về hồ chứa hiện chỉ đạt 172 triệu m3, chưa bằng 20% dung tích. Lưu lượng nước về hồ trong tháng 7-2016 chỉ đạt 86,63 m3/s, mặc dù có nhích hơn tháng 6 một chút do đã xuất hiện mưa nhưng vẫn kém xa mức 133,06 m3/s cùng thời điểm năm 2015 và kém xa mức 275,48 m3/s năm 2014.

 

Nhiều thủy điện vẫn đang thiếu nước để hoạt động.
Nhiều thủy điện vẫn đang thiếu nước để hoạt động.

Do đó, sản lượng điện của Nhà máy Thủy điện Plei Krông trong tháng 7 cũng chỉ đạt 21,291 triệu kWh, thấp hơn mức 756,35 triệu kWh cùng kỳ năm 2015 và 996,45 triệu kWh của năm 2014. Điều đó dẫn đến tổng sản lượng điện 7 tháng qua của Nhà máy Thủy điện Plei Krông cũng chỉ đạt 145,170 triệu kWh, bằng 43,73% sản lượng điện kế hoạch cả năm (332 triệu kWh). Ông Đinh Viết Thiện cũng khẳng định, năm nay, nhà máy khó có thể hoàn thành chỉ tiêu sản lượng điện được giao vì thiếu hụt nguồn nước. Xuất phát từ tình trạng hạn hán kéo dài nên UBND tỉnh Kon Tum cũng phát lệnh vận hành hồ chứa một cách bất thường, tức là duy trì mực nước xả từ 90 đến 195 m3/s (một biên độ rất lớn) để duy trì nguồn nước phục vụ trồng trọt và sinh hoạt cho nhân dân vùng hạ du.

Plei Krông là hồ chứa đầu nguồn, bên cạnh việc cung cấp nước phục vụ việc phát điện cho Nhà máy Thủy điện Plei Krông thì còn có vai trò cung cấp nước cho 6 nhà máy thủy điện khác phía hạ lưu sông Sê San. Vì vậy, các nhà máy khác trên bậc thang sông Sê San cũng đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn nước và đạt sản lượng điện rất thấp so với mọi năm dù đã là giữa mùa mưa, lũ.

Ông Đoàn Tiến Cường-Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Ia Ly, phụ trách nhiệm vụ điều tiết nước của hồ chứa Plei Krông, Ia Ly, Sê San 3 cho biết, theo quy trình 1.182 ngày 27-7-2014 của Chính phủ ban hành thì từ ngày 1-7 trở đi đến tháng 8, hồ Plei Krông được tích nước bình thường, mức cao nhất là 570 mét. Nếu nước về lớn thì xả nước chống lũ. Mức 569,5 mét là mực nước đón lũ, nếu cao hơn thì xả đi nhưng hiện nay, mực nước tại hồ Plei Krông thấp hơn rất nhiều mức quy định trên. Riêng hồ Ia Ly, mực nước hạ xuống 511,2 mét, thấp hơn 0,8 mét so với mực nước cao nhất được tích (512 mét) nhưng do hạn hán kéo dài, nguồn nước về các hồ quá hạn chế nên tại thời điểm này sức chứa của các hồ còn rất lớn. Thời gian tới, nếu nguồn nước về các hồ thuận lợi cho đến cuối năm thì chỉ Nhà máy Thủy điện Plei Krông có thể gần đạt được sản lượng điện cả năm, còn Nhà máy Thủy điện Ia Ly và Sê San 3 sẽ không thể đạt kế hoạch sản lượng điện.

Tuy nhiên, theo ông Đoàn Tiến Cường, từ kinh nghiệm quan sát nhiều năm cho thấy, thời tiết năm nay rất có khả năng xảy ra hiện tượng cực đoan và dẫn đến bất thường, nguy hiểm. Rất có thể sau hạn hán kéo dài sẽ xuất hiện bão lũ lớn. Vì địa hình Tây Nguyên dốc đứng nên mưa về là lũ lớn, biên độ lũ lên nhanh và giảm cũng nhanh, rất khó khăn trong việc điều tiết. Nếu xả lũ sớm thì có thể lãng phí nguồn nước phục vụ phát điện, còn nếu xả lũ muộn thì gây nguy hiểm cho hạ du. Vì vậy, Công ty Thủy điện Ia Ly đã chủ động kế hoạch chống lũ với phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ dù rằng đây là thời điểm vẫn đang hạn hán.

Hoàng Anh Phượng

Có thể bạn quan tâm