Điểm đến Gia Lai

Thuyết minh viên đặc biệt của xã Gào

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Về thăm Khu căn cứ cách mạng Khu 9 xã Gào (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), mọi người không khỏi ngạc nhiên bởi được gặp thuyết minh viên đặc biệt Rơ Mah Djói. Sinh ra và lớn lên ở xã Gào và từng tham gia chiến đấu tại căn cứ này, dù đã ở tuổi 80 nhưng giọng ông Djói vẫn rất hào sảng khi giới thiệu về “địa chỉ đỏ” cho thế hệ trẻ và du khách gần xa.
Ông Rơ Mah Djói say sưa kể những câu chuyện lịch sử về xã Gào anh hùng cho thiếu nhi. Ảnh: Mai Ka

Ông Rơ Mah Djói say sưa kể những câu chuyện lịch sử về xã Gào anh hùng cho thiếu nhi. Ảnh: Mai Ka

Dẫn chúng tôi xuống cây đa, hang đá làng C, ông Djói tự hào kể: “Năm 18 tuổi, tôi được tham gia vào đội du kích xã, có nhiệm vụ đưa tin tức và bảo vệ Ban cán sự Đảng Khu 9 (tiền thân của Đảng bộ TP. Pleiku ngày nay). Hồi đó, với địa hình hiểm trở, rừng rậm bao phủ, cây đa, hang đá là nơi trú ẩn an toàn cho các cán bộ, chiến sĩ và người dân trong xã. Ban ngày, chúng tôi làm nhiệm vụ canh gác, ban đêm chúng tôi vào tiếp tế lương thực, thực phẩm cho cán bộ. Đến năm 1970, tôi làm xã đội trưởng và được trực tiếp cầm súng chiến đấu. Năm 1974, tôi vinh dự được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Gào. Từ đó đến nay, tôi đã gắn bó đời mình với Khu căn cứ cách mạng Khu 9, với xã Gào anh hùng”.

Dưới gốc đa xù xì, chứng tích của một thời kháng chiến, ông Djói trở thành một thuyết minh viên thực thụ. Ông vừa dẫn đoàn du khách tham quan vừa ôn lại từng câu chuyện lịch sử rất rành mạch, rõ ràng. Theo lời ông Djói, khu căn cứ này là nơi trú ngụ của bộ đội chủ lực trong những trận đánh lớn nhỏ. Triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của năm 1970-1971 là tích cực đẩy mạnh tác chiến, đánh địch đi đôi với xây dựng lực lượng và đấu tranh chính trị..., Đảng ủy xã Gào lúc bấy giờ đã lãnh đạo lực lượng du kích tiến hành bố phòng đánh địch, bảo vệ căn cứ bàn đạp Khu 9. Trong 2 năm (1970-1971), du kích xã Gào đã đánh 54 trận, diệt 166 tên địch, trong đó có 34 tên Mỹ, diệt gọn 2 toán thám báo biệt kích. “Từ khu căn cứ này, phong trào cách mạng của địa phương phát triển mạnh mẽ, góp phần làm nên thắng lợi, giải phóng tỉnh nhà”-ông Djói nhấn mạnh.

Dù đã ở tuổi 80, ông Djói vẫn rất hào sảng khi giới thiệu về “địa chỉ đỏ”. Ảnh: Mai Ka

Dù đã ở tuổi 80, ông Djói vẫn rất hào sảng khi giới thiệu về “địa chỉ đỏ”. Ảnh: Mai Ka

Theo Bí thư Đảng ủy xã Gào Kpă Duan, ông Rơ Mah Djói là một trong những nhân chứng sống một thời chiến tranh gian khổ mà oanh liệt ở xã Gào anh hùng. Để người dân và du khách tới tham quan Khu căn cứ cách mạng Khu 9 được tìm hiểu rõ hơn, sinh động hơn về một thời kháng chiến nơi đây, xã đã mời ông Djói làm thuyết minh viên. Mỗi lần các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức hành trình về nguồn hay du khách phương xa tới, dù tuổi đã cao nhưng ông rất nhiệt tình tiếp đón, giới thiệu. Sau khi mũ áo chỉnh tề, ông Djói dẫn đoàn đi và giới thiệu rành rọt cho mọi người về căn cứ địa Khu 9, về những năm tháng chiến tranh và con người xã Gào thân thiện, mến khách.

Anh Rơ Mah Mang-Bí thư Đoàn xã Gào là người thường xuyên đưa đoàn viên, thanh niên tham gia hoạt động về nguồn tại Khu căn cứ cách mạng Khu 9. Trong anh luôn vẹn nguyên cảm xúc và niềm vinh dự khi nghe ông Djói kể chuyện. Anh Mang tự hào cho biết: “Ông Rơ Mah Djói không chỉ là người có uy tín tại địa phương mà còn là nhân chứng sống của một thời chiến tranh gian khổ, hào hùng. Được nghe ông kể chuyện ngay tại khu căn cứ, thế hệ trẻ chúng tôi thêm tự hào về lịch sử của địa phương, nhân lên lòng tự hào dân tộc, từ đó phấn đấu rèn luyện bản thân, ra sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển”.

Ông Rơ Mah Djói (thứ 4 từ phải sang) trực tiếp giới thiệu cho các đoàn tham quan về lịch sử Khu 9. Ảnh: Mai Ka

Ông Rơ Mah Djói (thứ 4 từ phải sang) trực tiếp giới thiệu cho các đoàn tham quan về lịch sử Khu 9. Ảnh: Mai Ka

Trò chuyện cùng P.V, ông Rơ Mah Djói bày tỏ: “Trước đây, tôi cùng những người già trong làng thường lui tới đây để ngồi kể nhau nghe những câu chuyện về vùng căn cứ này. Và hôm nay, tôi được vinh dự kể lại những câu chuyện ấy cho lớp trẻ, cho mọi người về đây thăm các chứng tích lịch sử như hang đá, cây đa, suối nước và thăm bà con xã Gào. Tất cả những ký ức đó tôi đều ghi nhớ để truyền lại cho thế hệ sau, góp phần đưa Khu căn cứ cách mạng Khu 9 xã Gào thành điểm đến hấp dẫn du khách, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho lớp trẻ”.

Có thể bạn quan tâm