Sức khỏe

Tin tức

Tia hy vọng trong chữa trị di chứng COVID-19 kéo dài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hai bệnh nhân bị COVID-19 kéo dài (long COVID-19) ở California (Mỹ) đã gần như giảm hoàn toàn các triệu chứng bằng cách dùng thuốc kháng histamine hàng ngày.

Hình minh họa. Ảnh: AFP
Hình minh họa. Ảnh: AFP
Theo Science Alert, mặc dù bằng chứng chỉ là giai thoại, nhưng các kết quả đáng chú ý không phải là không có tiền lệ. Các tác giả hy vọng những câu chuyện mà họ trình bày chi tiết có thể mang lại cho bệnh nhân hy vọng và chỉ ra cho các nhà nghiên cứu hướng đi đúng để điều trị trong tương lai.
Hiện tại, không có phương pháp điều trị dựa trên bằng chứng nào đối với COVID kéo dài - còn được gọi là di chứng sau nhiễm cấp tính SARS-CoV-2 (PASC), nhưng thuốc kháng histamine là một con đường đầy hứa hẹn, vì nó thường an toàn để sử dụng hàng ngày, miễn là nó không ảnh hưởng đến các loại thuốc khác.
Y tá Melissa Pinto từ Đại học California, Irvine (UCI) nói: "Hầu hết bệnh nhân nói với chúng tôi rằng, các nhà cung cấp đã không đưa ra lời khuyên hữu ích nào. Nếu bệnh nhân muốn thử thuốc kháng histamine không kê đơn, tôi khuyên họ nên sử dụng dưới sự giám sát y tế".
Trường hợp đầu tiên được các nhà nghiên cứu tại UCI trình bày chi tiết là một nữ nhân viên y tế ở độ tuổi 40 - một trong những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên ở Mỹ. Bệnh nhân bị mắc bệnh vào khoảng tháng 1.2020. Ba ngày sau khi ngã bệnh, bệnh nhân bị đau đầu và mệt mỏi nghiêm trọng.
Những ngày sau, bệnh nhân phát ban và bắt đầu bị đau ngực, sốt và đổ mồ hôi ban đêm. Khoảng thời gian tồi tệ này kết thúc sau 24 ngày, nhưng nhiều triệu chứng vẫn tiếp diễn. Vào tháng 3 cùng năm, bệnh nhân báo cáo một triệu chứng mới: Sương mù não.
Chỉ đến khi dùng thuốc kháng histamine do dị ứng pho mát vào tháng 6.2020, bệnh nhân mới đột nhiên cảm thấy dễ chịu hơn. Bệnh nhân đã dùng 50 miligam diphenhydramine (một loại thuốc kháng histamine không kê đơn phổ biến, thường được bán ở Mỹ với tên gọi Benadryl) mỗi ngày. Bệnh nhân sau đó được bác sĩ kê cho một loại thuốc khác với liều lượng phù hợp để thử, nhằm kiểm soát các triệu chứng.
Bệnh nhân hiện đã được kê đơn 50mg hydroxyzine pamoate trong hơn 9 tháng và các triệu chứng mệt mỏi, sương mù não và đau ngực gần như biến mất. Trở lại với công việc toàn thời gian, bệnh nhân nói rằng đã hồi phục được 90% so với trước khi bị bệnh.
Bệnh nhân thứ hai là một giáo viên trung tuổi cũng có câu chuyện tương tự. Một tháng sau khi nhiễm SARS-CoV-2, bệnh nhân vẫn bị đau khớp, mất ngủ, tim đập nhanh và khó tập trung. Một năm sau, các triệu chứng vẫn còn.
Một ngày nọ, bệnh nhân chuyển ngẫu nhiên thuốc kháng histamine từ fexofenadine sang 25 miligam diphenhydramine, vì loại thuốc này dễ tìm mua hơn. Sáng hôm sau, bệnh nhân nhận thấy tình trạng sương mù ở não và sự mệt mỏi của cơ thể đã được cải thiện, vì vậy bệnh nhân duy trì sử dụng. Hiện bệnh nhân uống 25mg diphenhydramine vào ban đêm và 180mg fexofenadine vào buổi sáng. Bệnh nhân cho hay, sức khỏe hồi phục tới 95%.
Sự hồi phục gần như hoàn toàn của cả hai bệnh nhân đều đáng chú ý, nhưng chúng không phải là câu chuyện đầu tiên về loại bệnh này.
Các triệu chứng của COVID-19 kéo dài rất giống với bệnh viêm não tủy sống/Hội chứng mệt mỏi mãn tính (ME/CFS). Thuốc kháng histamine thường được bệnh nhân ME/CFS sử dụng, mặc dù một thử nghiệm nhỏ năm 1996 cho thấy loại thuốc này không có lợi ích gì đối với 30 người tham gia.
Tuy nhiên, gần đây hơn, các bác sĩ đã bắt đầu kêu gọi thực hiện nghiên cứu mới về thuốc kháng histamine như một phương pháp điều trị ME/CFS khả thi. Một số ít bệnh nhân bị ME/CFS có dấu hiệu các tế bào miễn dịch hoạt động quá mức, có thể được làm dịu bằng thuốc kháng histamine.
Một nghiên cứu nhỏ năm 2021 được thực hiện với 49 bệnh nhân COVID-19 kéo dài cho thấy, hệ thống miễn dịch ở trạng thái cảnh giác cao. Hơn nữa, hơn 70% trong số những người tham gia thử nghiệm dùng thuốc kháng histamine đã báo cáo sự cải thiện lâm sàng đối với các triệu chứng kéo dài của họ. 
Sẽ cần nghiên cứu thêm về COVID-19 kéo dài để thực sự đưa thuốc kháng histamine vào thử nghiệm. Hai trường hợp đầy hứa hẹn từ California có thể giúp khởi động quá trình này.
Nghiên cứu được công bố trên The Journal for Nurse Practitioners.
NGUYỄN HẠNH (LĐO)
https://laodong.vn/suc-khoe/tia-hy-vong-trong-chua-tri-di-chung-covid-19-keo-dai-1013231.ldo

Có thể bạn quan tâm