Bạn đọc

Tiệc cưới vẫn tưng bừng giữa đại dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trong 2 ngày cuối tuần này, trên địa bàn TP. Pleiku có nhiều đám cưới được tổ chức với quy mô hàng trăm người. Riêng người viết bài này cùng lúc nhận đến 3 thiệp mời dự đám cưới, 1 của hàng xóm, 2 của gia đình cán bộ đang công tác tại các cơ quan tỉnh. Thật tình mà nói thì người được mời cảm thấy vô cùng khó xử trước những tình huống như thế này. Nếu chỉ đến gửi phong bì rồi về thì hơi bất nhã. Không đến thì càng bất nhã hơn. Còn nếu tì tì dự hết 3 tiệc cưới này thì xanh mặt vì sợ bị lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2.
Thời gian qua, Chính phủ đã dành nhiều tâm sức cho công tác phòng-chống dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt phương châm: “Chống dịch như chống giặc”. Theo đó, hàng loạt giải pháp phòng-chống dịch bệnh đã được triển khai một cách đồng bộ, toàn diện và quyết liệt. Một trong những giải pháp cấp bách là tạm ngừng các lễ hội và sự kiện có đông người tham gia. Cũng vì lý do phòng ngừa dịch bệnh lây lan mà hàng chục triệu học sinh trong cả nước phải dừng việc học vô thời hạn. Cũng chính vì lý do này mà V.League 2020 buộc phải tạm hoãn chỉ sau 2 vòng đấu đầu tiên. Trong khi đó, tại tỉnh ta, hàng loạt đám cưới với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn thực khách vẫn diễn ra. Đặc biệt, tại hầu hết các đám cưới, khách mời không được trang bị một biện pháp phòng dịch nào cả. Theo một số cán bộ y tế thì đây là lỗ hổng rất lớn trong công tác phòng-chống dịch Covid-19 ở tỉnh ta hiện nay.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Qua thông tin báo chí, chúng tôi được biết, nhiều tỉnh, thành đã có những quy định rất cụ thể về việc cưới, việc tang trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến rất đáng lo ngại. Vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có công văn yêu cầu thực hiện nghiêm và đầy đủ biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 trong tổ chức việc cưới, tiệc mừng, ma chay. Đối với lễ cưới, tiệc cưới, tiệc mừng, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương vận động người dân tổ chức trong phạm vi gia đình phù hợp nghi lễ truyền thống, hạn chế đông người. Ngày 16-3, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có văn bản khẩn đề nghị người dân địa phương tạm hoãn tổ chức đám cưới, liên hoan... để ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan. Tương tự, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền, vận động các gia đình điều chỉnh thời gian tổ chức tiệc cưới vào thời điểm thích hợp...
Việc tổ chức tiệc cưới, tang ma là quyền của mỗi người dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp và trực tiếp uy hiếp tính mạng của hàng triệu người trên thế giới thì quyền tự do đó phải được đặt trong khuôn khổ. Để ứng phó với loại “giặc” vô hình như Covid-19, mỗi người dân phải ý thức được trách nhiệm của mình trước cộng đồng. Nếu chỉ vì niềm vui của gia đình, hạnh phúc riêng tư của đôi bạn trẻ mà tạo môi trường cho dịch bệnh lây lan nguy hiểm thì đó là hành vi tội ác. Theo chúng tôi, trong bối cảnh hiện nay, tiệc cưới chỉ nên tổ chức gọn nhẹ trong gia đình. Nếu ai đó, vì lý do nào đó mà vẫn tổ chức tiệc tùng linh đình thì cộng đồng xã hội cần có thái độ dứt khoát.
Trong khi chờ đợi ý thức tự giác của người dân, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương cũng như các cơ quan, đơn vị cần vận động cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện các quy định về phòng-chống dịch bệnh, đặc biệt là không tổ chức tiệc tùng đông người trong thời gian có dịch. Cùng với đó, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch, ngành Công thương cần vận động các nhà hàng tạm dừng việc tổ chức tiệc tùng có đông người tham gia.
Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, thiết nghĩ, các tổ chức, cá nhân cần tuân thủ những quy định và khuyến cáo của ngành chức năng để phòng-chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả.
ĐỨC AN 

Có thể bạn quan tâm