(GLO)- Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh, tính từ ngày 26-4-2021 đến 24-3-2022 (đợt dịch thứ 4), Gia Lai ghi nhận 79.111 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 91 ca tử vong.
Qua phân tích của ngành Y tế cho thấy, số trường hợp tử vong do chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin chiếm tỷ lệ 80%. Theo các chuyên gia về y tế, con số này phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới. Tiến sĩ Rochelle Walensky-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ-cho biết: Những người không được tiêm vắc xin phòng Covid-19 có khả năng nhiễm cao hơn khoảng 6 lần so với những người đã được tiêm chủng, nguy cơ phải nhập viện cao hơn 9 lần và khả năng tử vong tăng 14 lần do các biến chứng liên quan đến Covid-19. Vì vậy, công tác tiêm chủng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong phòng-chống đại dịch Covid-19.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh-cho hay: Các trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19 chủ yếu rơi vào 2 nhóm đối tượng gồm: chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin và những người từ 65 tuổi trở lên có bệnh lý nền.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho rằng: Thực tế cho thấy, tỷ lệ tử vong do Covid-19 phụ thuộc chủ yếu vào năng lực điều trị của các cơ sở y tế và công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Tính đến ngày 23-3, công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 ở Gia Lai đã đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận. Theo đó, đối với người từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin đạt 103,74%, tiêm đủ 2 mũi đạt 95,77%, tiêm mũi 3 đạt 52,04%. Đối với lứa tuổi từ 12 đến 17, tỷ lệ trẻ đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin đạt 100,71%, tiêm đủ 2 mũi đạt 87,57%. Riêng các nhóm tuổi 5-11 và 2-5 tuổi sẽ được tiêm vắc xin theo lộ trình, đảm bảo nguyên tắc thận trọng, đặt an toàn lên hàng đầu.
Kết quả này là một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng-chống dịch trên địa bàn tỉnh cũng như kéo giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19 xuống còn 0,11%, thấp hơn rất nhiều so với cả nước. Điều đó cũng thể hiện sự quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và triển khai công tác tiêm chủng của Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 và hệ thống chính trị các cấp.
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân tại điểm tiêm Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn, TP. Pleiku). Ảnh: Bá Bính |
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn, tuy tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Gia Lai đang ở mức rất thấp, song thực tế cũng đặt ra một số vấn đề cần quan tâm đối với công tác phòng-chống dịch, đặc biệt là công tác tiêm chủng. Theo đó, hiện nay, một bộ phận dân cư do chủ quan hoặc nhận thức sai lệch về dịch bệnh nên vẫn chưa tiêm vắc xin phòng dịch. Trong số 17 huyện, thị xã, thành phố thì Ia Pa có các chỉ số tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 thấp nhất với tỷ lệ tiêm mũi 1 đối với lứa tuổi 18 trở lên mới đạt 95,71%, trong khi đó, tỷ lệ trẻ 12-17 tuổi tiêm mũi 1 mới chỉ đạt 85,39%. Điều đó chứng tỏ công tác tiêm chủng và nhận thức về công tác tiêm chủng của một bộ phận cán bộ và người dân ở huyện nghèo này cần được quan tâm chấn chỉnh kịp thời!
Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chính thức phát động Chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa xuân 2022. Đây chính là mệnh lệnh từ trái tim của người đứng đầu Chính phủ vì mục đích đảm bảo sức khỏe và bảo toàn tính mạng của hàng triệu đồng bào trong cả nước. Vì vậy, ngay từ bây giờ, hệ thống chính trị các cấp cần sát cánh cùng ngành Y tế đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để mọi người dân nhận thức một cách đúng đắn và tự giác tiêm vắc xin phòng Covid-19. Trước mắt, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh cần phấn đấu hoàn thành mục tiêu: Đến hết quý I-2022 sẽ tiêm phủ mũi 3 cho lứa tuổi 18-65 và phủ mũi 2 cho lứa tuổi 12-17.
DUY LÊ