Bé trai gần 2 tuổi được đưa vào Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) trong tình trạng nguy kịch: vật vã, kích thích, sốt cao, tinh thần lơ mơ, không tỉnh táo.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, các bác sĩ phải đặt ống nội khí quản, thở máy, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu bé tiếp tục được thở máy, lọc máu nhưng tình trạng vẫn rất nguy kịch.
Khai thác tiền sử, gia đình cho biết bé bị nấm miệng nên gia đình mua thuốc cam không rõ nguồn gốc để tưa lưỡi trong suốt 7 ngày. Trên cơ sở khai thác tiền sử và chẩn đoán, các bác sĩ xác định nguyên nhân cháu bé bị ngộ độc chì dẫn đến biến chứng nghiêm trọng gồm sốc nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa nặng.
Bác sĩ khuyến cáo các gia đình tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc với trẻ, đặc biệt là thuốc không rõ nguồn gốc, thành phần và không được Bộ Y tế kiểm định cấp phép. Khi có dấu hiệu bất thường, trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và tư vấn kịp thời.
Theo tên gọi từ Đông y, thuốc cam là các bài thuốc để điều trị bệnh cam và thường được bào chế dưới dạng thuốc bôi ngoài da hoặc viên hoàn dùng để uống. Tùy theo từng loại bệnh cam như tỳ cam (bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa), can cam (bệnh liên quan đến gan), tâm can (bệnh liên quan đến khí huyết, tim mạch), phế cam (bệnh ở phổi), thận cam (bệnh liên quan đến thận, hệ tiết niệu)... mà các dạng thuốc cam cũng có thành phần và công dụng khác nhau.