(GLO)- Việc công khai sử dụng dao kéo để can thiệp thẩm mỹ đã khiến ngành “công nghiệp tái tạo sắc đẹp” vút lên như diều gặp gió. Vì lẽ đó mà diễn ra tình trạng cơ sở làm đẹp bát nháo khiến không ít người “tiền mất tật mang”.
Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động Viện thẩm mỹ 108 Hà Nội-Cơ sở Gia Lai (34 Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku). Ảnh: Như Nguyện |
Từng là một người bài xích việc can thiệp vào sắc đẹp tự nhiên, nhưng sau khi nhìn thấy nhiều người đẹp lên nhờ thẩm mỹ nhân tạo, tư tưởng của mẹ tôi cũng dần lung lay. Một ngày, sau khi nhìn vào gương và bất chợt nhận thấy đôi lông mày của mình quá mờ nhạt, bà quyết tâm đi phun thêu. Và tôi là người đảm nhận khâu tìm kiếm một cơ sở thẩm mỹ an toàn, kỹ thuật chuyên nghiệp, đảm bảo. Nghiên cứu qua nhiều công nghệ làm đẹp hiện đại, tìm hiểu thêm từ nhiều bạn bè, người thân, cuối cùng tôi cũng chọn được một nơi khá ổn để đưa mẹ đến “cải tạo” lông mày. Đó là một nơi làm việc có tâm, nhân viên có tay nghề, được đào tạo bài bản, các nguyên-vật liệu sử dụng trong suốt quá trình phun thêu đều có nguồn gốc rõ ràng. Dù chỉ là một vỉ mực để lên màu, nhân viên cũng giải thích cặn kẽ xuất xứ, màu sắc chính xác, tạo cảm giác yên tâm cho khách. Hàng lông mày của mẹ tôi sau khi được phun thêu không hề bị đau rát, trông cũng rất đẹp, tự nhiên… như chưa hề có sự can thiệp của rất nhiều mũi kim.
Cách đây vài năm, nhiều chị em ở quê tôi rần rần đi xin việc tại các cơ sở làm đẹp ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội và cả Pleiku. Chừng dăm bữa nửa tháng, các chị trở về với làn da trắng như vôi bột, đôi lông mi dày rậm, cong vút, hàng chân mày đen láy. Sau đó, phòng khách của gia đình được các chị cải tạo, phía trước treo tấm bảng cơ sở spa cùng các dịch vụ cắt mí, nối mi, phun xăm lông mày, xăm môi, nhấn lúm đồng tiền… trông nửa quê nửa phố kèm bảng giá dịch vụ rẻ... giật mình. Những khách hàng đầu tiên thường là bạn bè, người thân. Mọi người truyền tai nhau nên một vài cơ sở làm đẹp ngày càng đông đúc.
Tuy nhiên, cũng chóng vánh như khi mới trình làng, chỉ sau 1-2 tháng, khi những cặp chân mày vừa đủ thời gian bong tróc, những sợi mi giả cũng rụng lả tả, vết mực xăm môi loang lổ không đều màu hiển hiện trên những khuôn mặt, người ta bắt đầu kéo đến kiện cáo, đòi “bảo hành” nhan sắc, thì tiệm spa cũng… đóng cửa. Những khách hàng kia phải ròng rã đi hết cơ sở này đến cơ sở khác để chỉnh lại dung nhan. Suốt một thời gian dài, người ta truyền tai nhau những câu chuyện cười ra nước mắt khi vợ cắt mí về tối ngủ không thể nhắm kín mắt, đôi môi vừa xăm sưng vù như bị ong chích… Vậy mới thấy, không phải ai cũng có đủ bình tĩnh để lựa chọn cho mình cơ sở làm đẹp uy tín, chất lượng khi trước mắt có quá nhiều lời mời chào hấp dẫn.
Tại TP. Pleiku, một cơ sở làm đẹp vừa bị đình chỉ hoạt động vì không đủ điều kiện hành nghề, không xuất trình được bất kỳ giấy phép hay hợp đồng cung ứng thuốc, các giấy tờ liên quan đến số thuốc men và các vật tư khác. Điều đáng nói là cơ sở này có khá đông chị em đến sử dụng dịch vụ. Ngay khi tin tức bị kiểm tra và đình chỉ lan truyền trên báo chí, mạng xã hội, tôi đoán có không ít người đã từng sử dụng dịch vụ tại đây “hú hồn”. Đây là một lời cảnh tỉnh dành cho những ai đã, đang và sẽ có dự định sử dụng dao kéo, mũi kim hay đưa các loại thuốc làm đẹp vào cơ thể.
Tuy nhiên, cơ sở này chỉ là một trong rất nhiều cơ sở thẩm mỹ đang hoạt động “chui”. Việc “dẹp loạn” các cơ sở thẩm mỹ không đủ điều kiện kinh doanh cần phải được thực hiện thường xuyên hơn nữa. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ từ khâu cấp giấy phép kinh doanh, có quy định rõ ràng đối với hoạt động đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề; cần có chế tài đủ sức răn đe để chấn chỉnh tình trạng bát nháo, loạn cơ sở làm đẹp, để người sử dụng dịch vụ không bị “tiền mất, tật mang”.
KHÔI NGUYÊN