Giáo dục

Tiến sĩ giả vào dạy thật: Trường phải chịu trách nhiệm về hồ sơ giảng viên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những ngày qua, vụ ông Nguyễn Trường Hải sử dụng bằng tiến sĩ giả tham gia giảng dạy tại nhiều trường ĐH và CĐ gây xôn xao dư luận. Nhiều vấn đề được đặt ra không chỉ trong việc tuyển dụng giảng viên mà còn ở công tác đảm bảo chất lượng của chính các trường ĐH.

Xung quanh vụ việc này, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Cường. Ảnh: AN NGUYỄN

Tiến sĩ Nguyễn Đức Cường. Ảnh: AN NGUYỄN

YÊU CẦU CÁC TRƯỜNG BÁO CÁO, GIẢI TRÌNH

Trước thông tin được phản ánh về việc nhiều trường ĐH cùng mời ông Nguyễn Trường Hải, người được cho đã sử dụng bằng tiến sĩ giả làm giảng viên, Bộ GD-ĐT có nhận định, đánh giá như thế nào, thưa ông?

Cơ sở giáo dục ĐH được quyền tự chủ theo quy định của luật Giáo dục ĐH 2012, luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH số 34/2018/QH14, trong đó có nội dung tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự.

Các trường phải chịu trách nhiệm về hồ sơ ứng viên (trong đó có văn bằng, chứng chỉ) khi tuyển dụng giảng viên, có trách nhiệm kiểm tra, xác minh thông tin liên quan đến lý lịch, văn bằng chứng chỉ khi có nghi ngờ hoặc dấu hiệu không đúng. Hiện nay, có nhiều công cụ để thực hiện việc này, các cơ sở đào tạo khi cấp bằng tốt nghiệp cho người học cũng đã công khai thông tin trên trang thông tin điện tử của họ. Nếu văn bằng do nước ngoài cấp thì gửi cơ quan công nhận văn bằng, chứng chỉ của Bộ GD-ĐT để công nhận.

Việc để lọt các trường hợp dùng bằng giả là lỗi của những bộ phận chức năng có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định hồ sơ khi tiếp nhận vào trường. Khi chúng tôi đi thanh tra, kiểm tra, các trường cung cấp thông tin về danh sách giảng viên đã đóng dấu, khẳng định có hợp đồng lao động, có bảo hiểm để xác định là giảng viên cơ hữu của trường… Các trường phải chịu trách nhiệm về hồ sơ giảng viên.

Bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Trường Hải được Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM xác nhận không có trong dữ liệu văn bằng của trường. ẢNH DO TRƯỜNG CUNG CẤP

Bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Trường Hải được Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM xác nhận không có trong dữ liệu văn bằng của trường. ẢNH DO TRƯỜNG CUNG CẤP

Hiện cơ quan công an đang làm việc với các trường ĐH về vụ việc. Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng có yêu cầu các trường CĐ trên địa bàn thực hiện báo cáo về sự việc. Bộ GD-ĐT có những động thái gì với các trường ĐH thuộc phạm vi quản lý của mình?

Việc giảng viên sử dụng bằng thạc sĩ, tiến sĩ có dấu hiệu như báo nêu, chúng tôi sẽ yêu cầu các trường liên quan báo cáo, giải trình và xử lý trước theo quy định. Trên cơ sở xác minh, báo cáo và kết quả xử lý của các trường, theo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ, Thanh tra Bộ GD-ĐT sẽ tham mưu làm rõ và xử lý theo thẩm quyền. Việc mua bán, sử dụng "bằng giả" theo nghĩa đen thuộc chức năng xác minh, kết luận của cơ quan công an.

ĐỂ TRÁNH TÌNH TRẠNG NGƯỜI VỀ HƯU CŨNG CÓ TÊN Ở MỘT SỐ TRƯỜNG

Thưa ông, sau sự việc này, Bộ có những khuyến cáo, giải pháp kỹ thuật nào với các trường ĐH trong việc tuyển dụng giảng viên nhằm tránh tình trạng trên?

Bộ GD-ĐT đã xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu ngành giáo dục, trong đó có việc cập nhật dữ liệu danh sách giảng viên cơ hữu của các trường, khi các trường nhập liệu vào phần mềm phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của dữ liệu do mình nhập. Phần mềm là một trong những cơ sở để xác định trùng lặp giảng viên cơ hữu trong các trường, ví dụ một người đang là giảng viên cơ hữu của một trường không thể là giảng viên cơ hữu trường khác.

Tuy nhiên có một thực tế, hiện nay việc quản lý ở hai hệ thống khác nhau, có những tiến sĩ ở trường CĐ (Bộ LĐ-TB-XH quản lý) nhưng đồng thời có tên ở trường ĐH. Bên cạnh đó, số giảng viên về hưu có thể cũng có tên ở một số trường. Do đó, chúng tôi đang hoàn thiện hệ thống phần mềm để xác định rõ tình trạng này, từ đó mới có cơ sở xử lý.

Xin ông thông tin thêm những quy định hậu kiểm của Bộ với các trường trong việc tuyển dụng giảng viên và vai trò của công tác thanh tra ở đâu trong việc này?

Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 43/2023/NĐ-CP có quy định về thanh tra nội bộ trong đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục ĐH công lập là đơn vị sự nghiệp công lập nên việc hoàn thiện hệ thống thanh tra nội bộ là yêu cầu bức thiết. Trước thực tế với gần 300 trường ĐH và số lượng cán bộ giảng viên, quy mô sinh viên của mỗi trường rất lớn, các trường được tự chủ theo quy định pháp luật rất lớn tất nhiên cần phải thanh tra, kiểm tra, phải tự thanh tra, kiểm tra rà soát để đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật.

Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định 43/2023/NĐ-CP đã giao thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định về thanh tra nội bộ. Có nghĩa là thủ trưởng các trường ĐH phải làm chuyện đó. Hiện nay chúng tôi đang đợi Nghị định hướng dẫn luật Thanh tra về thanh tra chuyên ngành, nếu Nghị định giao Bộ trưởng quy định vấn đề này, chúng tôi tham mưu ban hành quy định chung về công tác thanh tra nội bộ, tạo hành lang pháp lý thống nhất để thực hiện.

Đội ngũ là điều kiện số 1 đảm bảo chất lượng

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hiện nay 2 lĩnh vực được xếp vào nhóm đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ ĐH gồm máy tính và công nghệ thông tin; du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân. Trong đó, riêng lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin có 8 ngành đào tạo bậc ĐH. Các lĩnh vực đào tạo đặc thù này có cơ chế đặc thù trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ.

Theo quy định hiện nay, số lượng sinh viên trình độ ĐH chính quy trên 1 giảng viên (GV) quy đổi theo lĩnh vực đào tạo dao động từ 15 - 25, với lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin chỉ số này là 20. Hệ số quy đổi GV sẽ được tính theo từng trình độ, chức danh của GV và khác nhau với GV toàn thời gian (cơ hữu) và thỉnh giảng. Ví dụ, một GV cơ hữu có trình độ ĐH được tính hệ số 0,3; không tính hệ số với GV thỉnh giảng (trừ ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ ĐH). GV có trình độ thạc sĩ, hệ số quy đổi 1.0 với GV cơ hữu và 0,2 với GV thỉnh giảng. GV có trình độ tiến sĩ được tính hệ số 2.0 với cơ hữu và 0,4 với thỉnh giảng.

Riêng với các ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ ĐH, hệ số GV thỉnh giảng được tính cao hơn. Ngoài ra, các ngành đào tạo đặc thù GV thỉnh giảng được xác định bao gồm cả các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý là những người lao động có bằng tốt nghiệp trình độ ĐH cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo.

Về quy định này, GS Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng các quy định của Bộ GD-ĐT chỉ là điều kiện tối thiểu về đảm bảo chất lượng, các trường cần phải tuân theo không chỉ số lượng mà phải cả chất lượng. Trong các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, đội ngũ là điều kiện số 1.

Có thể bạn quan tâm