Giáo dục

Tiến sĩ trẻ có 35 bài báo khoa học trong lĩnh vực logistics

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Là ứng viên trẻ nhất trúng tuyển Chương trình VNU 350 của ĐH Quốc gia TP.HCM, tiến sĩ Trương Ngọc Cường (30 tuổi), đang là giáo sư nghiên cứu, giảng viên hợp đồng tại ĐH Quốc gia Hàng hải và Hải dương Hàn Quốc, sở hữu 35 bài báo khoa học trong nước và quốc tế.

Năm 2019, anh Cường tốt nghiệp thạc sĩ loại giỏi tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), và có 5 bài báo khoa học được đăng tải trên các hội nghị và tạp chí quốc tế. Trong quá trình học thạc sĩ, anh Cường còn là kỹ sư toàn thời gian tại Tập đoàn Intel.

Năm 2019, anh Cường nhận được học bổng bậc tiến sĩ toàn phần tại ĐH Quốc gia Hàng hải và Hải dương Hàn Quốc. "Trong quá trình học thạc sĩ tại Trường ĐH Bách khoa, hướng nghiên cứu của mình là làm sao để tối ưu hóa các hệ thống lưu trữ hàng hóa trong kho, một phần của hoạt động logistics. Hàn Quốc là đất nước rất phát triển các công nghệ liên quan, đồng thời ĐH Quốc gia Hàng hải và Hải dương Hàn Quốc có nhiều mối liên kết với cảng Busan - cảng container lớn thứ năm thế giới và là cảng trung chuyển lớn nhất đông bắc Á", anh Cường chia sẻ lý do chọn Hàn Quốc để du học.

Tiến sĩ Trương Ngọc Cường

Tiến sĩ Trương Ngọc Cường

Anh Cường cho biết khó khăn lớn nhất khi học tập tại Hàn Quốc là các giáo sư đòi hỏi kết quả nghiên cứu phải có chất lượng rất cao, phòng lab gần như là mở cửa 24/7 để nghiên cứu sinh làm việc. Vì vậy, anh Cường phải tự thúc đẩy bản thân chăm chỉ và nỗ lực nhiều hơn để theo kịp nhịp độ làm việc, học tập và nghiên cứu.

Anh Cường hiện có 35 bài báo khoa học, trong đó có 19 bài thuộc danh mục ISI/SCOPUS uy tín. Trong đó anh Cường tâm đắc nhất ở bài báo đã được đăng trên tạp chí Computers & Industrial Engineering, thuộc danh mục SCI, Q1 (chỉ số trích dẫn IF = 7.9) và là nền tảng cho luận án tiến sĩ nói về chủ đề làm sao để phục hồi tốc độ tăng trưởng của các cảng tại Việt Nam sau đại dịch Covid-19 trong một số giả thiết nghiên cứu nhất định.

Trong suốt quá trình du học tại Hàn Quốc, anh Cường đã nghiên cứu nhiều mô hình, mô phỏng hóa các hệ thống công nghiệp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dự báo, đưa ra những kế hoạch vận hành máy móc ở cảng và trong nhà máy hiệu quả. Nhờ vậy mà anh Cường đã có một số nghiên cứu đáng chú ý và nhận giải thưởng khoa học, công nghệ xuất sắc, được trao tặng bởi Liên đoàn các tổ chức khoa học và công nghệ Hàn Quốc.

Hiện tại, anh Cường đã trúng tuyển chương trình VNU 350 của ĐH Quốc gia TP.HCM. Tiến sĩ trẻ sẽ sắp xếp công việc và kết thúc hợp đồng lao động tại ĐH Quốc gia Hàng hải và Hải dương Hàn Quốc, để trở về công tác tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) vào tháng 8 tới. Anh Cường cho biết ở Hàn Quốc hay các nước phát triển sẽ có được mức lương và chế độ tốt hơn. Tuy nhiên, tiến sĩ trẻ muốn trở về Việt Nam để đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

"Mình sẽ làm việc ở vị trí tự động hóa hệ thống công nghiệp, phát triển về nhà máy thông minh, một phần của chuỗi cung ứng và logistics. Cụ thể là làm sao để lập kế hoạch sản xuất trong nhà máy một cách tối ưu nhất. Mình và những cộng sự sẽ tập trung nghiên cứu các giải thuật để tối ưu hóa hoạt động sản xuất trong nhà máy. Mục tiêu đưa ra là số hóa, tự động hóa, tối ưu hóa các hệ thống công nghiệp vừa và nhỏ, đây là hướng nghiên cứu thiết thực với công cụ hỗ trợ dựa trên trí tuệ nhân tạo, máy học", anh Cường chia sẻ về định hướng phát triển khi trở về Việt Nam công tác.

PGS-TS Nguyễn Duy Anh, giảng viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), từng hướng dẫn tiến sĩ Cường hoàn thành luận văn bậc đại học và thạc sĩ cho biết: "Cường là một người trẻ rất siêng năng, độc lập, tự chủ trong quá trình nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu của bạn luôn chỉn chu và mang tính ứng dụng vào thực tế cao. Tôi đánh giá cao Cường ở tư duy muốn quay về Việt Nam để đóng góp cho sự phát triển của đất nước".

Có thể bạn quan tâm