Du lịch

Tiến tới giảm loại hình du lịch cưỡi voi Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lần đầu tiên, loại hình du lịch cưỡi voi ở Tây Nguyên hiện nay được chính thức đưa ra một giải pháp để giảm dần với mục tiêu bảo vệ đàn voi nhà đang kiệt quệ vì phục vụ du lịch.

 Voi hiện nay đang được sử dụng để đưa khách du lịch tham quan tại Khu du lịch Buôn Đôn, Đắk Lắk. Ảnh: TTH
Voi hiện nay đang được sử dụng để đưa khách du lịch tham quan tại Khu du lịch Buôn Đôn, Đắk Lắk. Ảnh: TTH



Ngày 13-7-2018, Tổ chức Động vật châu Á, một tổ chức phi Chính phủ có uy tín toàn cầu đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hỗ trợ chuyển đổi mô hình du lịch với Vườn Quốc gia Yok Đôn, Đắk Lắk. Theo đó, tổ chức này sẽ tài trợ 65 ngàn đô-la Mỹ để hỗ trợ việc triển khai phát triển mô hình du lịch thân thiện không cưỡi voi tại Đắk Lắk. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm, bắt đầu từ tháng 7-2018 tới tháng 6-2023. Có mặt tại buổi lễ ký kết, ngoài đại diện 2 bên trao và nhận hỗ trợ, còn có các chủ voi, nài voi – những người được đánh giá là đặc biệt quan trọng trong mục tiêu thay đổi quan điểm, hành vi, phương pháp sử dụng voi nhà cho hoạt động du lịch tại địa phương.

Loại hình du lịch tiếp cận với voi không hoàn toàn bị loại bỏ, thay vào đó là một mô hình thân thiện và văn minh hơn. Tổ chức Động vật châu Á và Vườn Quốc gia Yok Đôn sẽ có các chiến lược tuyên tuyền, giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ và bảo tồn voi ở Tây Nguyên. Mặt khác, tổ chức này còn tư vấn thiết kế khu vực chăm sóc voi, đảm bảo phù hợp với mục đích và an toàn cho cả voi và khách tham quan. Mục đích của hợp tác và cam kết này là nhằm thúc đẩy mô hình phát triển dự án du lịch thân thiện với voi đầu tiên ở Việt Nam.

Về phía Vườn Quốc gia Yok Đôn cam kết thay thế du lịch cưỡi voi bằng các dịch vụ du lịch sinh thái, thân thiện hơn với môi trường và với voi. Nhiều năm qua, các chủ voi và Vườn Quốc gia Yok Đôn - cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên rừng đã khai thác mô hình du lịch cưỡi voi trong khu du lịch Buôn Đôn, Đắk Lắk. Mỗi lượt các nài voi đưa khách du lịch qua sông du khách cưỡi voi phải trả phí từ 150 đến 200 ngàn đồng. Chủ voi thu về chi phí từ tiền vé của khách tham quan và cho khách du lịch cưỡi voi đi trong Vườn Quốc gia Yok Đôn khu vực gần sông Xê Rê Pốc, Buôn Đôn và Khu du lịch dịch vụ Buôn Đôn. Việc này được đánh giá là đã làm kiệt sức voi nhà nhiều năm qua khi chúng liên tục phải chở khách qua sông và đi thăm thú dưới thời tiết nắng nóng không được chăm sóc đúng tiêu chuẩn. Hơn thế nữa, voi có biểu hiện bị ngược đãi, mất đi bản năng sinh đẻ, mất nguồn gen tự nhiên và nhiều hệ lụy khác dưới góc nhìn văn hóa.

Cùng với dự án này, Vườn Quốc gia Yok Đôn tự nguyện cam kết không sử dụng voi cho các hoạt động cưỡi voi, lễ hội, các sự kiện cộng đồng hay các trải nghiệm khác mà phía Tổ chức Động vật châu Á cho rằng có thể ảnh hưởng tới voi. Voi được phép di chuyển tự do trong khu vực vườn quốc gia hằng ngày, không bị xích chân kể cả khi không có du khách. Voi không bị còng hai chân trước, hoặc bị xích vào ban đêm.

Với ý nghĩa bảo tồn voi, Tổ chức Động vật châu Á qua dự án này muốn có cái nhìn mới của cộng đồng về động vật hoang dã bị thuần hóa ở Tây Nguyên. Mục đích của các thỏa thuận cũng hướng đến các hợp phần nâng cao nhận thức về bảo tồn voi và các loài động vật hoang dã khác ở Việt Nam. Một phần của dự án sẽ dành cho nâng cấp cơ sở hạ tầng tại Vườn quốc gia Yok Đôn, phúc lợi cho động vật, đầu tư mở rộng, chăm sóc voi và quảng bá mô hình dịch vụ mới với du khách có nhận thức khác biệt về sự thân thiện của đời sống con người với môi trường thiên nhiên hoang dã.

Hiện tại, Nhà nước đã cấm săn bắn, thuần dưỡng đàn voi hoang dã trong rừng Tây Nguyên. Tuy nhiên, đàn voi đã từng bị săn và thuần hóa trước đây cũng không thoát khỏi những nguy hiểm rình rập. Chúng chết dần vì các hoạt động phục vụ du lịch quá sức, bị săn lấy ngà, nhổ lông đuôi... Các gia đình sở hữu voi hiện nay vẫn còn mua bán lại các con voi nhà. Theo truyền thống của người M,nông ở Tây Nguyên, voi được coi là thành viên trong gia đình. Khi rước voi về có cúng tế thần linh ban cho sức khỏe và sự sinh sôi. Tuy nhiên, voi nhà dần mất bản năng hoang dã vì bị bóc lột và bị sử dụng như động vật có sức kéo, vận tải và làm cảnh. Không phải nài voi nào cũng yêu quý và biết cách chăm sóc con vật to lớn của rừng này.

Để bảo tồn voi và bảo tồn cả hình ảnh có ý nghĩa về sự dũng mãnh của con người thuần voi Tây Nguyên, cần có cách nhìn khác, sự ứng xử trân trọng với voi và sử dụng chúng hợp lý với đời sống con người. Một phương thức hỗ trợ về tài chính, về cơ sở hạ tầng và phương pháp sử dụng voi được đánh giá là hợp lý trong bối cảnh hiện nay.

Thụy Văn (bienphong)

Có thể bạn quan tâm