Đô thị

Tiến tới xây dựng thành phố thông minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Giải pháp nào để xây dựng một thành phố thông minh trong thời gian sớm nhất? Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 của Sở Thông tin và Truyền thông-đơn vị được tỉnh giao chủ trì xây dựng Đề án thành phố thông minh. Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông NGUYỄN NGỌC HÙNG-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về các vấn đề liên quan đến đề án tương lai này.

 

- Thời gian gần đây, nhiều tỉnh, thành phố đăng ký xây dựng thành phố thông minh. Đặc biệt, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có ít nhất 3 thành phố thông minh. Vậy, cần có yếu tố gì để thực sự tạo nên một thành phố thông minh, thưa ông?   

Ông NGUYỄN NGỌC HÙNG: Trước hết, thành phố thông minh hay còn gọi là đô thị thông minh (smart city) là một khái niệm mới với nhiều quan điểm khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, các khái niệm đó có điểm thống nhất là xây dựng và vận hành hoạt động của thành phố dựa trên nền tảng phát triển tổng thể công nghệ số, vi mạch, internet kết nối vạn vật (IoT), quản lý dữ liệu lớn (Big Data), hệ thống bảo mật bảo đảm tính riêng tư, viễn thông... nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân theo hướng tiện lợi-hạnh phúc, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, phát huy sự đóng góp của doanh nghiệp, giảm tiêu thụ năng lượng, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Có rất nhiều yếu tố cơ bản để tạo nên thành phố thông minh trong tương lai như: cuộc sống thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh, nông nghiệp thông minh... Nhưng trên hết, thành phố thông minh đòi hỏi nền quản trị thông minh. Chính phủ điện tử chắc chắn là một phần quan trọng trong nội dung xây dựng thành phố thông minh, đi cùng với nó là thương mại điện tử, doanh nghiệp đie n tử, công dân điện tử. Một điều phải khẳng định là, trong xây dựng thành phố thông minh, con người phải là trung tâm, công nghệ không là yếu tố quyết định. Do đó, cần có chiến lược phát triển con người, xây dựng hạ tầng xã hội nhằm đảm bảo tất cả các công dân đủ điều kiện để trở thành chủ nhân của thành phố thông minh.

- Thành phố thông minh sẽ mang lại những lợi ích gì cho người dân, cho chính quyền đô thị, thưa ông?

 

Thành phố Pleiku. Ảnh: internet
Thành phố Pleiku. Ảnh: internet

Ông NGUYỄN NGỌC HÙNG: Mục tiêu, lợi ích mà thành phố thông minh hướng tới rất rõ ràng theo từng chủ thể. Đối với chính quyền, đô thị thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển. Thông qua xây dựng chính quyền điện tử sẽ kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên các mặt, lĩnh vực hoạt động. Đối với người dân, đô thị thông minh giúp cung cấp các tiện ích hỗ trợ người dân ra quyết định một cách tối ưu hơn, tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân. Người dân có cuộc sống nhiều tiện ích, hạnh phúc hơn, được phục vụ nhiều hơn. Đối với doanh nghiệp, đô thị thông minh sẽ kiến tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, thuận tiện hơn, cung cấp nhiều thông tin để doanh nghiệp có những quyết định kinh doanh chính xác, tạo lợi thế cạnh tranh so với các khu vực khác...  

- Ở góc độ địa phương, Gia Lai đã có được những yếu tố căn bản nào để hướng đến các tiêu chí của thành phố thông minh gắn với việc xây dựng chiến lược, định hướng cho tương lai, thưa ông?

Ông NGUYỄN NGỌC HÙNG: Trong những năm qua, tỉnh ta đã tích cực xây dựng khung kiến trúc chính quyền điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông để gia tăng hiệu quả quản lý, điều hành và phục vụ người dân một cách tốt nhất, minh bạch thông tin, góp phần phòng-chống tiêu cực tham nhũng, giảm thiểu thời gian đi lại cho người dân trong các giao dịch với chính quyền sở tại. Đơn cử như hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, các cổng thông tin điện tử, cải tiến hội nghị truyền hình, các hệ thống quản lý công việc... Việc xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh ta đã được Bộ Thông tin và Truyền thông nhìn nhận là đi đúng hướng và có hiệu quả. Bên cạnh đó, có một số dự án đã và sẽ triển khai trên địa bàn tỉnh theo hướng xây dựng thành phố thông minh như các dự án về xây dựng dữ liệu dùng chung trên nền GIS, về giám sát môi trường, giám sát giao thông, xây dựng bệnh viện thông minh và bệnh án điện tử, lớp học thông minh, camera giám sát an ninh trật tự.

Tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh vào cuối năm 2017, đã có nghị quyết định hướng xây dựng TP. Pleiku là đô thị thông minh của tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng để xây dựng Đề án này trong năm 2018. Sở dự kiến sẽ lựa chọn 3 lĩnh vực để ưu tiên đầu tư công nghệ thông tin gồm du lịch, y tế, an ninh theo định hướng phát triển đô thị thông minh, gắn với sự đột phá trong thực hiện chính quyền điện tử. Trên cơ sở lựa chọn TP. Pleiku là đô thị thông minh, Sở sẽ thuê đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để nghiên cứu xây dựng Đề án, học tập các mô hình đô thị thông minh của các tỉnh thành khác. Tất nhiên, việc xây dựng thành phố thông minh phải có một lộ trình, định hướng phát triển bài bản chứ không đơn thuần là mục tiêu trước mắt theo phong trào.

Sơn Ca (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm