(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, các nghệ nhân, già làng ở huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đã tích cực truyền dạy kỹ thuật diễn tấu cho thế hệ trẻ. Nhờ đó, nhiều đội chiêng được thành lập, nhân rộng, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Làng Jro Ktu-Đak Yang (xã Yang Bắc) hiện có 4 đội cồng chiêng, gồm: đội người lớn, thanh niên, “nhí” và phụ nữ. Theo ông Đinh Lê-Phó Trưởng thôn Jro Ktu-Đak Yang, trước đây, làng chỉ có đội cồng chiêng người lớn tham gia trong các dịp lễ hội, ma chay. Khoảng 5 năm gần đây, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được lan tỏa. Các già làng và những người biết đánh cồng chiêng quan tâm truyền lửa đam mê cho thanh-thiếu niên, phụ nữ. Nhờ đó, ngày càng nhiều người từ già đến trẻ, từ đàn ông đến phụ nữ trong làng biết diễn tấu và biểu diễn cồng chiêng. Không chỉ vậy, họ còn nhiệt tình tham gia trong các dịp lễ của làng đến ngày hội, liên hoan do các cấp tổ chức và thường đạt giải cao.
Tròn 10 tuổi, em Đinh Nhân đã là thành viên đội cồng chiêng “nhí” của làng Jro Ktu-Đak Yang. Tất cả kỹ thuật trình diễn của Nhân và đội đều nhờ bố cùng ông nội em truyền dạy. Nhân vui vẻ nói: “Em tham gia đội cồng chiêng được 4 năm. Mỗi lần đội cồng chiêng chuẩn bị đi biểu diễn, ông và bố không chỉ dặn dò mà còn cẩn thận hướng dẫn từng thành viên thêm một vài động tác khó, bài mới để chúng em làm quen, nâng cao kỹ năng trình diễn. Càng gắn bó với cồng chiêng, em càng thấy yêu hơn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình và muốn biểu diễn được nhiều hơn nữa”.
Đội cồng chiêng nữ làng Brang-Đak Kliết (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) biểu diễn tại một lễ hội. Ảnh: Ngọc Minh |
Trong vòng 10 năm, làng Hven (thị trấn Đak Pơ) đã có 4 đội cồng chiêng ra mắt với tổng số hơn 100 thành viên. Năm 2012, đội cồng chiêng thanh niên ra đời, sau đó đến đội cồng chiêng “nhí” và gần đây nhất là đội cồng chiêng phụ nữ. Mỗi lần làng tổ chức lễ hội, các đội thay phiên nhau diễn tấu, thanh âm vang vọng, quyện hòa, ngân xa. Già làng Đinh Ju phấn khởi chia sẻ: “Ngày trước, làng chỉ có đội cồng chiêng người lớn. Khi có lễ hội, tang ma, đội phải đánh từ đầu đến cuối rất vất vả. Nay thì vui rồi, không chỉ thanh niên, phụ nữ mà mấy cháu thiếu niên cũng biết trình diễn cồng chiêng. Như vậy, truyền thống văn hóa ông cha được gìn giữ, bảo tồn, không sợ mai một”.
Việc thành lập các đội cồng chiêng ngày càng được lan tỏa sâu rộng ở Đak Pơ, nhất là đội cồng chiêng nữ. Bỏ qua mọi quy tắc, chị em phụ nữ không chỉ đi bên cạnh hòa điệu xoang uyển chuyển mà còn thể hiện sự khỏe khoắn, khéo léo khi cùng nhau tấu lên những bài chiêng trầm hùng, vang vọng núi rừng. Không những vậy, cồng chiêng còn giúp người dân trong làng, ngoài xã gắn kết với nhau hơn. Chị Đinh Thị Đôl-thành viên đội cồng chiêng nữ làng Brang-Đak Kliết (xã Ya Hội) tâm sự: “Năm 2020, đội cồng chiêng ra mắt với gần 40 thành viên. Hầu hết chị em sinh hoạt tại Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ xã Ya Hội nên chúng tôi có nhiều cơ hội giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các đội khác. Chúng tôi rất vui và tự hào vì không chỉ mang đến buổi trình diễn những vòng xoang duyên dáng, uyển chuyển mà còn hòa nhịp trong những giai điệu say đắm lòng người. Chúng tôi sẽ tiếp tục truyền dạy cồng chiêng cho con em mình”.
Thành viên đội cồng chiêng thanh niên làng Jro Ktu-Đak Yang (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) thường xuyên luyện tập. Ảnh: Ngọc Minh |
Để tiếng cồng chiêng mãi vang xa, hàng năm, huyện Đak Pơ tổ chức hội thao các dân tộc thiểu số, thu hút đông đảo người dân tham gia; định kỳ 2 năm 1 lần, huyện tổ chức liên hoan cồng chiêng, ca múa nhạc dân gian. Bên cạnh đó, huyện còn cử một số nghệ nhân có năng khiếu, tâm huyết tham gia các lớp học chỉnh chiêng, tạc tượng dân gian do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức. Huyện cũng chọn những đội cồng chiêng tiêu biểu tham gia giao lưu, trình diễn tại các sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh. Cụ thể, năm 2012, đội cồng chiêng của huyện đã vinh dự được chọn đại diện cho tỉnh đi tham gia sự kiện “Những ngày văn hóa Tây Nguyên” tại Hà Nội lần thứ II và tham gia nhiều chương trình, hoạt động văn hóa khác của tỉnh.
Trao đổi cùng P.V, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Pơ Nguyễn Thanh Hiền cho biết: Hiện toàn huyện có 21 đội cồng chiêng. Để người dân bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, thời gian tới, ngành Văn hóa tiếp tục tham mưu giúp huyện tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao bổ ích; vận động người dân gìn giữ, bảo quản những bộ cồng chiêng cũng như tích cực luyện tập để tiếng cồng chiêng gắn với văn hóa truyền thống tiếp tục được bảo tồn và ngân dài mãi muôn đời.
NGỌC MINH