Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Tiếng lục lạc trong tâm thức đồng bào Trường Sơn-Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày xưa, một số làng đúc đồng ở miền Trung chế tác lục lạc với nhiều kiểu khác nhau để cung cấp cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Nó có một số hình dạng khác nhau, hình tròn, hình quả bầu, chiếc chuông. Đối với các tộc người vùng Trường Sơn-Tây Nguyên, lục lạc được sử dụng để làm đồ trang sức, nhạc hiệu trong nghi lễ cúng thần linh, nhạc cụ hòa âm với trống, chiêng, chập chõa tạo nên nhịp điệu cho các điệu múa dân gian.
Mỗi chiếc lục lạc bao giờ cũng có phần đầu và phần đuôi. Phần đuôi thường được khoét lỗ để xâu lại thành chuỗi hạt lục lạc hoặc phối hợp với một số loại trang sức khác như cườm để đeo hoặc gắn trên quần áo, đồ dùng sinh hoạt hay nghi lễ. Giữa đầu chiếc lục lạc có một khe hở rộng, chia đều đầu lục lạc ra hai bên giống như cái mồm cá. Trên thân lục lạc có trang trí điểm xuyết một số hoa văn, họa tiết. Bên trong lục lạc thường gắn một thanh nhỏ hay những viên bi rời để khi rung hoặc cử động, những vật này chạm vào thành lục lạc hay chạm vào nhau, nhờ cộng hưởng phát ra âm thanh.
Đồng bào Jrai gọi lục lạc là Yao. Đây cũng là vật được người dân sử dụng khá phổ biến trong đời sống tâm linh và sinh hoạt văn hóa nghệ thuật. Ngày xưa, trước cổ ngựa của các Pơtao Apui (Vua Lửa) ở Plei Ơi (huyện Phú Thiện) thường đeo lục lạc to có âm thanh đặc trưng, vang xa. Theo tâm thức dân gian, khi nghe tiếng lục lạc reo với âm thanh riêng biệt thì từ xa, dân làng sẽ nhận biết đó là vó ngựa của Pơtao để né sang đường khác hay như lục lạc của tù trưởng hoặc người giàu có cũng có âm thanh khác lạ để phân biệt với người bình thường. Lục lạc gắn với các nghi lễ như: pơ thi, lễ cúng ma... Trong lúc nhảy múa, đàn ông Jrai, Bahnar quàng xâu lục lạc vào cổ như là món trang sức đặc biệt chỉ dành cho lễ hội. Khi múa xoang, một nhạc công hai tay cầm 2 đầu xâu lục lạc, vừa nhún nhảy vừa giật làm cho lục lạc phát ra tiếng reo rộn ràng, hòa nhịp âm điệu trống, chiêng. Dịp lễ hội, những ché rượu cần xưa quý giá cũng được đeo bộ lục lạc như món đồ trang sức, làm đẹp cho thần ché.
Nhạc công dân tộc Jrai diễn tấu nhạc cụ chập chõa với xâu lục lạc đồng trên cổ. Ảnh: Tấn Vịnh
Nhạc công dân tộc Jrai diễn tấu nhạc cụ chập chõa với xâu lục lạc đồng trên cổ. Ảnh: Tấn Vịnh
Đối với người Cơ Tu, lục lạc (rơriu) là đồ trang sức mới du nhập vào cộng đồng so với đồ trang sức có từ xưa như cườm, mã não. Đây là loại trang sức được đeo trên cổ và gắn lên các loại váy áo, dùng cho cả nam và nữ ở trong các dịp lễ hội, trong đám cưới. Khi đi lục lạc sẽ phát ra tiếng reo giòn giã như tiếng nhạc. Thanh niên nam nữ đều thích đeo lục lạc vì tiếng reo của chúng như tín hiệu thay cho lời kêu gọi bạn tình. Người Ca Dong cũng ưa thích món trang sức bằng lục lạc. Trên chiếc vòng đeo cổ thường gắn thêm hai chiếc lục lạc nhỏ.
Trang phục lễ hội của dân tộc M’Nông cũng không thể thiếu những chiếc lục lạc. Nó được gắn trên gấu áo, mép váy, đuôi khố... Khố hoa của đàn ông M’Nông dệt bằng chỉ đen, hai đầu có dệt hoa văn, phía cuối hai đầu khố có kết hoa bạc hoặc đồng hay hạt cườm màu ngũ sắc, chiếc khố này gọi là troi nhong, dài từ 5 đến 7 vòng lưng. Người giàu sang mới quấn loại khố này. Ở các đuôi khố còn treo nhiều chiếc lục lạc nhỏ gọi là rlêm và vài chiếc lục lạc to gọi là ryu. Phụ nữ M’Nông buộc dây lưng bằng đồng, trên đó có treo những lục lạc nhỏ xen kẽ với những bông hoa bằng bạc. Nhong dũk là loại chuỗi hạt đeo cổ của đồng bào được kết bằng hạt cườm to bằng ngón tay út xen với những chiếc lục lạc to.  
Đặc biệt, đồng bào Tây Nguyên còn dùng lục lạc đồng loại to để đeo trên cổ voi, trâu, bò... Khi các con vật nuôi được chăn thả trong rừng hay bị thất lạc, chủ nó nghe tiếng lục lạc mà tìm ra chúng đưa về chuồng. Lục lạc không chỉ giúp con người làm đẹp mà còn là đồ vật hộ thân. Khi đi đường hai đuôi khố đưa qua đưa lại, những chiếc lục lạc to nhỏ chạm vào nhau vang lên tiếng nhạc, chim chóc và thú rừng nghe âm thanh đó mà hoảng sợ chạy xa. Theo quan niệm của người đồng bào địa phương, khi đi đường một mình mà quấn chiếc khố có gắn lục lạc thì tiếng nhạc nghe vui tai, phấn chấn, tạo tâm lý an toàn, không sợ thú dữ chặn đường.
Cùng với các loại trang sức khác, lục lạc chính là vật gia bảo của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn-Tây Nguyên. Lục lạc vừa là trang sức làm đẹp cho chủ nhân của nó vừa là vật dụng gắn với lễ nghi cúng bái Pơtao, thần linh của một số tộc người. Cũng như chiêng ché, người sở hữu nhiều lục lạc chính là người giàu có, được mọi người nể phục, tôn kính.
TẤN VỊNH

Có thể bạn quan tâm