Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Tiếp nguồn cảm thức biên cương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với cảm thức công dân ở một tỉnh có đường biên giới, người đọc rất tâm đắc với trường ca “Sa mộc” của Phạm Vân Anh (công tác ở Báo Biên phòng) do Nhà Xuất bản Lao Động ấn hành đầu năm 2017. Trường ca “Sa mộc” viết về đề tài biên giới, dài 7 chương, gần 1.000 câu thơ, thể hiện một bút lực và bản lĩnh mới của Đại úy-nhà thơ nữ trẻ này.

Không nệ vào cấu trúc truyền thống, thoát khỏi lối kể chuyện tuyến tính bằng diễn ngôn, Phạm Vân Anh đã có một cấu trúc riêng mang màu sắc hiện đại cho trường ca của mình. Chính cấu trúc mới mẻ và tư tưởng nghệ thuật khác biệt này đã đem lại cho bạn đọc một nhận định rằng: Nếu không có vốn sống phong phú về các dân tộc ở những vùng biên cương và biển đảo của Tổ quốc, không am tường và thấu hiểu lịch sử văn hóa của các dân tộc anh em, không có tình cảm sâu đậm với những đồng đội của mình thì sẽ không thể viết nên một trường ca xúc động và có tầm tư tưởng như vậy.

 

Tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Đức Thụy
Tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Đức Thụy

Trường ca mượn hình tượng cây sa mộc nơi núi rừng biên giới phía Bắc để biểu trưng cho lực lượng Bộ đội Biên phòng và qua đó diễn đạt cảm thức về biên cương Tổ quốc: “Dặm dài miền dã sử/Gặp những thân cây độc hành xẻ đá sinh sôi/Vạm vỡ tiêu binh miền phên giậu”. Ai đã từng thấy những vạt rừng sa mộc uy nghi trầm mặc giữa núi rừng Việt Bắc thì sẽ dễ đồng tình với tác giả. Cây sa mộc cũng có thể ví như cây kơ nia ở Tây Nguyên vậy, đều là những dáng cây vạm vỡ, hiên ngang, cứng cỏi gắn liền với miền biên viễn của đất nước.

Trong thơ ca Việt Nam từ xưa đã có một dòng chảy không khoa phô mà âm thầm lưu đọng trong tâm thức công dân một mạch ngầm minh triết về quốc gia, dân tộc, chủ quyền mà các sách văn học sử và các tập thi tuyển xếp vào loại  mục “Thơ biên tái” còn lưu lại bao vần thơ trầm hùng, tiêu sái. Mạch nguồn cảm thức công dân ấy lặng lẽ tiếp truyền qua bao thế hệ thi nhân, góp phần nuôi dưỡng tinh thần và hào khí dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm. Ở Phạm Vân Anh, bạn đọc dễ dàng nhận ra dấu ấn khá đậm nét nguồn cảm thức này.

Được công tác trong lực lượng Biên phòng, bước chân đã qua khắp các vùng miền Tổ quốc, cảm thức biên cương trong Phạm Vân Anh càng dài rộng hơn và trải nghiệm nhiều hơn: “Thiêng liêng phút trang nghiêm chào Tổ quốc/Nhìn thế núi mạch sông nhận cương vực ngàn đời”. Vâng, khái niệm “cương vực ngàn đời” đã được danh tướng Lý Thường Kiệt xác tín từ ngàn năm trước: “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”!

Phạm Vân Anh đã “huy động” mọi kiến văn và cảm thức, từ lịch sử đến dã sử, từ truyền thuyết đến thực tế trong quá trình hoang du đến định cư nhập quốc của 54 dân tộc anh em, để thấy/hiểu rằng biên cương, cương vực sinh tồn của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia là vô cùng thiêng liêng và bất diệt: “Miền dã sử tôi qua/Vùng Đất Tổ bao sắc dân thiểu số/Vầng trán mẹ hoài chứa ngàn huyền thoại/Chia vào tôi tình cảm mến thương/Tặng cho tôi món quà tri thức bản địa/Bền bỉ chảy trong huyết quản nhân sinh/Thêm hiểu thêm yêu/Thêm hành trang những góc tâm hồn Việt”.  

Biên giới, biên cương luôn gắn liền hình ảnh Bộ đội Biên phòng. Hình ảnh trấn gác biên cương ấy được Phạm Vân Anh diễn đạt qua khái niệm hào tráng và bi hùng: “Lứa chúng con lớn vội lớn vàng/Bỏ quên niên thiếu/Quáng quàng ba lô, quáng quàng đạn pháo/Tuổi quân chưa đầy năm đã ngược Cao Bằng, xuôi Thanh-Nghệ/Ký ức biên cương dốc mắt chỉ rừng già…/Lũ chúng con/Cầm mùa trăng đi qua phù sinh/Cầm tuổi mình đi qua chiến tranh/Lớn vội lớn vàng cho thanh tân Tổ quốc”. Vâng, Tổ quốc luôn “thanh tân” từ sự hy sinh ấy!

Trước đây, nhà thơ Lê Anh Xuân đã tạc một “dáng đứng Việt Nam” của anh giải phóng quân nơi sân bay Tân Sơn Nhất. Nay, Phạm Vân Anh cũng “tạc” hình bóng người lính Biên phòng nơi đỉnh cao biên ải: “Người lính biên phòng như cây trên rừng ấy/Bén rễ rồi thì bền gốc tươi cành/Quân hàm xanh uống hơi núi mà xanh/Đỉnh cao lồng bóng…/Tuần tra theo mùa đi bát ngát/Rừng tạc vào xuân một dáng người”! Câu thơ hay thắt thỏm! Không phát lộ rõ một dáng người, chỉ phác thảo một hình tượng ảo huyền để quyện hòa vào sức truyền lan của nghệ thuật ngôn từ và thi điệu làm ám ảnh, lay động trong tâm trí người đọc một chân dung muôn thuở, vừa lãng mạn vừa hào tráng!

Thơ ca đã viết nhiều về người lính nhưng “đặc tả” Biên phòng trong một mạch thơ mang tính tổng hòa thì có lẽ trường ca “Sa mộc” là dài hơi, dày dặn nhất, tính đến thời điểm này. Bạn đọc thực sự ấn tượng trước những câu thơ mà Phạm Vân Anh đã thay mặt đồng đội của mình cất lên với niềm tự hào: “Chúng tôi/ Những người trai giữ đất đêm nay/ Giữ ánh mắt trẻ thơ trong veo trời biên giới/ Giữ minh triết người già về nguồn cội/ Bảo vệ từng trang dã sử ngàn đời”…

Với giá trị tư tưởng và nghệ thuật sâu sắc, bạn đọc tin rằng trường ca “Sa mộc” sẽ có tác dụng góp phần bồi dưỡng, vun trồng những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Biên phòng nói riêng và “Bộ đội Cụ Hồ” nói chung.

(Đọc trường ca “Sa mộc” của Phạm Vân Anh)

Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm