Kinh tế

Doanh nghiệp

"Tiếp sức" doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh “hụt hơi”. Thời điểm này, doanh nghiệp rất cần các chính sách trợ sức của Nhà nước để vượt qua khó khăn ổn định sản xuất kinh doanh.

Khó khăn trong đại dịch

Chị Lê Thị Lý-Giám đốc Công ty giáo dục Smart Kids Gia Lai-cho hay: Đợt dịch lần thứ 4 này, tất cả các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng nhưng có lẽ doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực giáo dục bị ảnh hưởng trực tiếp và kéo dài nhất. Năm học 2019-2020, các trung tâm giáo dục trên địa bàn tỉnh liên tục tạm dừng hoạt động gần 5 tháng; riêng năm học 2020-2021 cũng đã ngừng hoạt động hơn 4 tháng.

Dịch Covid-19 kéo dài khiến cho các hoạt động của Công ty Giáo dục Smart Kids Gia Lai và các chi nhánh trên địa bàn tỉnh bị ngưng trệ, giáo viên thất nghiệp, không có nguồn thu. Ảnh: Minh Nguyễn
Dịch Covid-19 kéo dài khiến cho các hoạt động của Công ty Giáo dục Smart Kids Gia Lai và các chi nhánh trên địa bàn tỉnh bị ngưng trệ. Ảnh: Minh Nguyễn


Theo Giám đốc Công ty giáo dục Smart Kids Gia Lai, dù doanh nghiệp đã cố gắng chống chọi trước mọi khó khăn nhưng đại dịch kéo dài đã gây ra rất nhiều hệ lụy. Hơn nữa, sau mỗi đợt dịch, tỷ lệ học sinh đi học lại chỉ chiếm 50-60% nhưng chi phí vận hành vẫn đảm bảo 100% nên phải liên tục bù lỗ. “Do vậy, thời gian tới, Nhà nước cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thông qua các chính sách miễn, giảm thuế hoặc hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực giáo dục vượt khó trong giai đoạn này”-chị Lý đề xuất.

Cũng bị tác động nhiều bởi dịch bệnh, cộng với các nguồn vốn đầu tư chậm giải ngân nên từ đầu năm đến nay, doanh thu của Công ty TNHH một thành viên TCD Đại Nam (TP. Pleiku) chỉ duy trì ở mức 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Để có kinh phí duy trì hoạt động và trả lương, đóng bảo hiểm cho hơn 20 công nhân, ông Trần Khắc Tính-Giám đốc Công ty phải cầm cố trụ sở làm việc cho ngân hàng để vay 2 tỷ đồng. “Nếu đóng bảo hiểm đầy đủ cho công nhân thì chi phí lên đến 200 triệu đồng. Nhưng giờ lo tiền ăn, tiền lương cho công nhân còn thiếu trước, hụt sau nên Công ty chỉ mới đóng bảo hiểm được 2-3 tháng. Bình quân mỗi năm, tiền lương, bảo hiểm xã hội cho công nhân và tiền thưởng xấp xỉ 3 tỷ đồng, nhưng từ đầu năm đến nay nguồn thu của Công ty rất hạn hẹp. Giờ mà cho công nhân nghỉ thì họ cũng đói, còn để giữ chân họ thì doanh nghiệp phải trả lương 7-10 triệu đồng/người/tháng. Nếu kéo dài tình trạng này thì doanh nghiệp khó mà cầm cự nổi”-ông Tính than thở.

Theo ông Tính, hiện tại, doanh nghiệp đã được tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh theo gói hỗ trợ từ Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, với số tiền vay được là 154 triệu đồng (lãi suất 0%, hạn vay 11 tháng) theo mức đóng bảo hiểm của người lao động thì cũng chỉ đủ trả 1 tháng lương cho công nhân. “Điều mà doanh nghiệp cần Nhà nước chung tay lúc này là giảm 50% số tiền thuế giá trị gia tăng phải nộp, đồng thời giảm lãi suất vay ngân hàng 2-3% so với mức vay hiện nay; tiếp tục kéo giãn thời gian gia hạn nộp thuế đến giữa năm sau, thay vì phải nộp trong tháng 9 tới. Chúng tôi mong Chính phủ cho nâng mức vay hỗ trợ trả lương cho người lao động từ 600 đến 700 triệu đồng và không phạt đối với số tiền bảo hiểm xã hội chậm nộp”-ông Tính đề xuất.

Chung tay cùng doanh nghiệp vượt khó

Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm-Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Giám đốc Công ty cổ phần cà phê Classic-cho biết: Trong thời gian bị thu hẹp sản xuất, gián đoạn các chuỗi cung ứng thì cái cần nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp là cầm cự để vượt qua giai đoạn này. Muốn vậy, phải giảm thiểu các chi phí bắt buộc dù không hoạt động nếu không muốn dẫn đến phá sản. Thời điểm này, việc không tạo ra doanh thu, lợi nhuận, chi phí lãi vay trở thành gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp. “Theo tôi, Chính phủ cần có sự điều chỉnh về trần lãi suất huy động của ngân hàng xuống ở mức 3-3,5%, điều tiết giảm biên độ lợi nhuận của ngân hàng xuống còn 2-2,5% nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Đồng thời, chuẩn bị nguồn ngân sách hỗ trợ cho các quyết định này nhằm giúp doanh nghiệp giữ vững hoạt động sản xuất, tiếp tục cuộc chiến lâu dài với dịch bệnh”-ông Lâm nêu quan điểm.

 Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đề nghị ngành Ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Ảnh: Minh Nguyễn
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đề nghị ngành Ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Ảnh: Minh Nguyễn

Tính đến ngày 25-8, tỉnh Gia Lai đã thực hiện hỗ trợ hơn 21,8 tỷ đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 441/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
 

Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của cấp trên nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến nay, số dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch là 12.781 tỷ đồng; số dư đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cuối kỳ là 721 tỷ đồng với 751 khách hàng đã được hỗ trợ. Số dư nợ đã miễn, giảm cuối kỳ là 6.937 tỷ đồng với số khách hàng được hỗ trợ tính theo lũy kế là 11.977 khách hàng, số tiền được miễn, giảm lũy kế là 19,8 tỷ đồng.

Nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Theo ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh: “Trên địa bàn tỉnh hiện có 4.527 doanh nghiệp. Qua phối hợp với cơ quan Bảo hiểm Xã hội, chỉ có 2.058 người sử dụng lao động có tham gia đóng bảo hiểm cho người lao động, chiếm 45,46% số người sử dụng lao động trên địa bàn. Đến cuối tháng 8-2021, Ngân hàng đã cho 34 người sử dụng lao động vay hơn 2,5 tỷ đồng, trả lương ngừng việc cho 806 lượt lao động”.

 

 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm