Xã hội

"Tiếp sức" phụ nữ đơn thân thoát nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhờ sự đùm bọc và sẻ chia của cộng đồng, nhiều phụ nữ đơn thân, khuyết tật ở xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã được tiếp sức để thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống.
Chị Then-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Hà Đông-cho biết: Toàn xã có 324/634 hội viên, phụ nữ thuộc diện hộ nghèo. Đặc biệt, trung bình mỗi làng có đến 15 trường hợp phụ nữ đơn thân, khuyết tật. “Ranh giới giữa hộ nghèo và đã thoát nghèo rất gần. Phần lớn bà con đều khó khăn nên không thể giúp nhau tiền bạc, chỉ có thể giúp ngày công làm nương rẫy, lo việc gia đình”-chị Then chia sẻ.
Hội LHPN xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) phối hợp với các đoàn thể trao sữa hàng tháng cho cháu bé mất mẹ khi vừa mới sinh (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Minh Châu
Hội LHPN xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) phối hợp với các đoàn thể trao sữa hàng tháng cho cháu bé mất mẹ khi vừa mới sinh (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Minh Châu

Chị Joan (làng Kon Mahar) là phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi chồng mất sớm, một mình nuôi 4 đứa con. Dù chăm chỉ nương rẫy, ai gọi gì làm nấy, không cho phép bản thân nghỉ ngơi nhưng gia đình vẫn luôn có tên trong danh sách hộ nghèo. Sau những cuộc họp bàn, năm 2019, chị Joan được chị em phụ nữ trong xã giúp ngày công trồng 1.200 cây keo trên diện tích đất rẫy bạc màu của gia đình. Những cây keo lai bén rễ, xanh tốt từng ngày mang theo hy vọng thoát nghèo của người phụ nữ đơn thân này. Không giống như lúa rẫy cho thu hoạch chỉ sau một mùa vụ, cây keo lai cần thời gian dài hơn mới mang lại thu nhập. Chị Joan chia sẻ: “Mình được giúp cây giống và ngày công lao động nên trồng rừng mà không tốn kém gì cả. Sau 2 năm, vườn keo phát triển tốt, đầu ra cũng được cam kết thu mua tận nơi nên mình rất an tâm”.

Nhiều phụ nữ đơn thân, khuyết tật khác cũng được cộng đồng tiếp sức, tạo nên nguồn sức mạnh giúp vượt lên số phận. Chị Đem (làng Kon Mahar) bị liệt một chân từ nhỏ, trở thành người mẹ đơn thân của 2 đứa con, cuộc sống vốn đã khó càng thêm khó. Hàng ngày, chị vẫn bước thấp bước cao lên rẫy trồng mì, lúa. Trước số phận không may mắn của chị Đem, phụ nữ trong làng đã chung tay giúp ngày công thu hoạch nông sản. Mấy năm trước, chị còn được Hội LHPN huyện xây tặng ngôi nhà tình thương. Thương chị Đem đi lại khó khăn, nhiều chị em trong làng đã tới giúp hàng trăm ngày công thu dọn nhà cửa. Sợi dây tình cảm giữa người làng ngày càng bền chặt sau những lần đỡ đần giúp nhau như vậy.
Trao nhà đại đoàn kết cho cho gia đình chị Trăt-hội viên phụ nữ khó khăn làng Kon Mahar. Ảnh: Minh Châu
Trao nhà "Đại đoàn kết" cho cho gia đình chị Trăt-hội viên khó khăn ở làng Kon Mahar, xã Hà Đông (năm 2020). Ảnh: Minh Châu

Chị Ble (làng Kon Jốt) cũng là mẹ đơn thân nuôi 4 con nhỏ. Vừa qua, chị được Hội LHPN huyện xây tặng căn nhà “Mái ấm tình thương”. Rồi chị Nhrah (làng Kon Pơdram), chị Trăt (làng Kon Mahar) cũng được Hội LHPN huyện phối hợp với các đoàn thể xây tặng nhà mới khang trang. Chủ tịch Hội LHPN xã Hà Đông chia sẻ: “Cuộc sống tuy còn nghèo nhưng tinh thần “tương thân tương ái” của hội viên, phụ nữ các làng rất cao. Chỉ cần tổ chức đứng ra phát động, kêu gọi giúp đỡ một hoàn cảnh nào đó là chị em hưởng ứng ngay, có mặt đông đủ, nhà ai có việc gì mọi người đều chung tay vào làm như việc của nhà mình. Ngoài ra, Hội LHPN xã còn có mô hình mượn đất trồng mì gây quỹ giúp những trường hợp gặp rủi ro, khẩn cấp; mô hình “3 trong 1”, là 3 hộ khá giúp 1 hộ nghèo bằng cách hỗ trợ vốn, giống vật nuôi, cây trồng và giúp ngày công cho những phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế nên 5 năm qua, Hội LHPN xã chỉ mới giúp được 5 chị thoát nghèo. Chúng tôi hy vọng có thêm các chương trình về phát triển cộng đồng bền vững của các tổ chức, đơn vị để hỗ trợ thêm phụ nữ đơn thân, phụ nữ khó khăn ở xã”.

MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm