Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

"Tiếp sức" ý tưởng khởi nghiệp trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp lần thứ III” do Tỉnh Đoàn phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tổ chức đã khép lại vào chiều 28-12. Cuộc thi đã khơi nguồn sáng tạo để phát triển những ý tưởng, dự án của thanh niên, qua đó lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thế hệ trẻ toàn tỉnh Gia Lai.
Trải qua vòng thi sơ khảo với 32 ý tưởng, vòng bán kết với 17 ý tưởng, cuộc thi đã chọn ra 5 ý tưởng xuất sắc nhất vào vòng chung kết. Đây là những ý tưởng được Ban giám khảo đánh giá cao về tính sáng tạo, khả thi và hiện thực hóa. 
Đa dạng ý tưởng 
Với mong muốn khơi dậy, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Jrai, chị Khương Thị Ngọc Ánh-giáo viên Trường Tiểu học Anh hùng Núp (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã đem đến cuộc thi ý tưởng “Ơ này Jrai”. Theo kế hoạch kinh doanh được trình bày tại cuộc thi, dự án này sẽ triển khai tại làng văn hóa-du lịch Plei Ốp (phường Hoa Lư) dưới hình thức một quán cà phê với kiến trúc nhà rông, nhà dài. Từ cách bố trí bên ngoài lẫn bên trong đều mang phong cách đặc trưng của người Jrai, sử dụng cà phê sạch do chính người Jrai sản xuất. Đồng thời, quán mời nghệ nhân đến làm các sản phẩm thủ công truyền thống tại chỗ để khách trải nghiệm và bán làm quà lưu niệm. Kế hoạch dài hơi hơn sẽ là xây dựng chuỗi các hoạt động mang tính chất du lịch cộng đồng tại đây để du khách có thể cùng ăn, ở và trải nghiệm cuộc sống của người Jrai. Để quán cà phê được nhiều người biết đến, chị Ánh cũng lên ý tưởng kết nối với các công ty du lịch để kêu gọi khách đến tham quan nhiều hơn.
 Chị Khương Thị Ngọc Ánh với mô hình của dự án “Ơ này Jrai”. Ảnh: P.L
Chị Khương Thị Ngọc Ánh với mô hình của dự án “Ơ này Jrai”. Ảnh: P.L
Với ý nghĩa và tính khả thi, sự sáng tạo, Ban giám khảo đã quyết định trao giải ba (không có giải nhất và giải nhì) cho ý tưởng này. Chị Ánh cho biết: “Qua tìm hiểu, tôi thấy Pleiku chưa có những quán cà phê mang đặc trưng Jai, mô hình du lịch cộng đồng về bản sắc Jrai còn đơn lẻ, chưa khai thác tiềm năng sẵn có. Làng Ốp nằm gần trung tâm thành phố nên thuận tiện cho du khách khi di chuyển. Hiện tại, tôi đã kết nối với các nghệ nhân và những hộ dân ở làng Ốp, năm 2020 sẽ tiến hành xây dựng quán cà phê này”.
Bên cạnh đó, 4 dự án được Ban giám khảo trao giải khuyến khích gồm: Bộ sản phẩm sạch từ thiên nhiên-tác giả Nguyễn Thị Kim Anh (phường Hoa Lư, TP. Pleiku); Mô hình trồng cây măng tây xanh hữu cơ-tác giả Trần Văn Hạnh (thôn Đồng Tâm, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông); Xe đẩy thu nhặt quả điều, gom lá cây trong vườn-tác giả Nguyễn Xuân Sử (xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện); Hồ lô Tây Nguyên-tác giả Rơ Châm Toàn, Ksor Ngyên (lớp 11B5, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai). 
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp
Đến với cuộc thi, nhiều dự án bước đầu đã có những thành công nhất định. Là lần thứ 2 tham gia cuộc thi, chị Nguyễn Thị Kim Anh đem đến bộ sản phẩm với tên gọi An Thiên với ý nghĩa “an toàn từ thiên nhiên”. Dự án này đã được triển khai thành công gần 2 năm qua, nhận được sự phản hồi tích cực từ khách hàng. Theo đó, chị Kim Anh đã nghiên cứu để đưa ra thị trường các sản phẩm thảo dược như tinh dầu sả chanh, tinh dầu hương nhu, tinh dầu bưởi; ngoài ra còn có nước lau sàn, nước rửa bát, xà phòng tắm… sản xuất từ những nguyên liệu thiên nhiên như: lá hương nhu, quả bưởi, lá tre, bạch đàn, quả bồ hòn... Hiện mỗi ngày, chị xuất bán ra thị trường 150-180 sản phẩm. Tại cuộc thi, Ban giám khảo đánh giá cao tính hiện thực hóa của dự án, đồng thời định hướng thêm cho mô hình này về quy trình khép kín, cách điều chỉnh dung lượng tinh dầu.
Ban tổ chức trao giải ba cho tác giả Khương Thị Ngọc Ánh với dự án Ơ này Jrai. Ảnh: Phan Lài
Ban tổ chức trao giải ba cho tác giả Khương Thị Ngọc Ánh với dự án Ơ này Jrai. Ảnh: Phan Lài
Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” hàng năm luôn thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia. Vượt qua nhiều “đối thủ”, dự án “Hồ lô Tây Nguyên” của 2 học sinh lớp 11B5 (Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai) là Rơ Châm Toàn và Ksor Ngyên đã lọt vào vòng chung kết. Nhiều hoa văn độc đáo như thổ cẩm, cồng chiêng, nhà sàn, hoa dã quỳ… đã được thể hiện sinh động trên mỗi quả bầu hồ lô do các em tự phơi khô, xử lý các công đoạn để thành sản phẩm du lịch. Thành công bước đầu là khi đăng tải trên mạng xã hội, nhóm tác giả đã bán được hơn 100 sản phẩm với giá 30.000-80.000 đồng/chiếc. Em Rơ Châm Toàn chia sẻ: “Vì còn là học sinh nên khi thực hiện dự án, chúng em gặp những khó khăn nhất định do thiếu kinh nghiệm kinh doanh, chưa tìm được nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Tham gia cuộc thi, chúng em được Ban giám khảo nhận xét, định hướng để đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng”.
Anh Phan Hồ Giang-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi, thành viên Ban giám khảo-đánh giá: Qua 3 lần tổ chức, cuộc thi đã thu hút số lượng tác giả, nhóm tác giả đăng ký tham gia tăng dần qua từng năm; các lĩnh vực khởi nghiệp cũng ngày càng đa dạng: nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, thương mại… cho thấy hiệu ứng tích cực mà cuộc thi mang lại. Những dự án lọt vào vòng chung kết đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung và tự tin thuyết trình về kế hoạch kinh doanh, định vị thương hiệu, kết quả thực tiễn, ý nghĩa tác động xã hội và tính cạnh tranh trên thị trường. Dù cuộc thi năm nay chưa tìm được tác giả của giải nhất và giải nhì, nhưng với sự định hướng của Ban giám khảo, các tác giả có điều kiện điều chỉnh để phát triển dự án của mình. Bên cạnh đó, thông qua cuộc thi, Ban tổ chức mong muốn tinh thần khởi nghiệp tiếp tục được lan tỏa rộng rãi trong đoàn viên, thanh niên trên toàn tỉnh.
PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm