Kinh tế

Doanh nghiệp

Tiếp tục "cởi trói" để kinh tế tư nhân phát triển, là cột trụ kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện doanh nhân phát huy sáng tạo.

Năm 2021, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển. Ảnh: Vũ Long
Năm 2021, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển. Ảnh: Vũ Long



Kinh tế tư nhân là động lực chính tăng trưởng kinh tế 2021


Theo TS Hoàng Đức Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho biết, khu vực kinh tế tư nhân có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển năng động của nền kinh tế, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập của người dân. Trong thời gian qua, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động; đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong cơ cấu GDP luôn ở mức trên 43%, trong khi khu vực kinh tế nhà nước là 28,9% và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 18% GDP.

Ông Nguyễn Quốc Điển - Ban Kinh tế Trung ương nêu ví dụ: Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã chung tay cùng các bộ, ngành và Chính phủ góp phần chống dịch hiệu quả, động thái này thể hiện sự đồng hành hiệu quả của doanh nghiệp với Chính phủ và cho thấy vai trò của kinh tế tư nhân là vô cùng quan trọng.

TS Nguyễn Thị Luyến - Phó trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM), cũng cho rằng: Các doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp quan trọng trong những giai đoạn có tính bất định như dịch bệnh COVID-19.

Tiếp tục cải cách để kinh tế tư nhân phát triển

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư-KHĐT), tháng 1.2021 có 25.750 doanh nghiệp rút khỏi thị trường kinh doanh, tăng 36% so với cùng kỳ. Trong số này có hơn 18.000 doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn, phần còn lại là ngừng hoạt động chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể.

Mặc dù so sánh lượng doanh nghiệp giải thể tháng 1.2021 với tháng 1.2020 là khập khiễng bởi thời điểm tháng 1.2020 dịch COVID-19 chưa xuất hiện ở Việt Nam, nhưng lượng doanh nghiệp ngừng kinh doanh tháng 1.2021 tăng cao so với cùng kỳ cho thấy sự ảnh hưởng rộng và lâu dài của COVID-19.

Để doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, vượt qua đại dịch, cần tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo độ thông thoáng.

Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế - VCCI, mặc dù trong 3 năm qua Chính phủ đã nỗ lực cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục rườm rà trói buộc doanh nghiệp, làm thui chột ý chí sáng tạo của doanh nhân, nhưng thời gian qua, vẫn còn có tình trạng cải cách các điều kiện kinh doanh chưa thực chất. “Nhiều bộ, ngành đưa ra phương án cắt giảm cho có, mang tính đối phó, không thực chất” – ông Đậu Anh Tuấn nói.

Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, vẫn đang tồn tại tình trạng cắt giảm theo hình thức, không đi vào thực tế, gộp 3 điều kiện kinh doanh cụ thể làm 1 và thống kê là đã cắt giảm 2 điều kiện. Hay tình trạng chuyển điều kiện kinh doanh sang hình thức quản lý khác bằng quy chuẩn kỹ thuật hay quy định mới để giữ nguyên tinh thần xin phép, cấp phép.

Để khu vực kinh tế tư nhân có thể trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, có rất nhiều việc phải làm từ cả Nhà nước và phía doanh nghiệp. Trong đó, phải có các 'luật chơi" được xác định rõ ràng, minh bạch; hệ thống phân bổ nguồn lực của Nhà nước cần được cải cách mạnh mẽ.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, giải pháp cần thực hiện thời gian tới là cần thực hiện rốt ráo Nghị quyết 68 đã được Chính phủ ban hành năm 2020, trong đó đẩy mạnh cắt giảm các quy định liên quan đến kinh doanh, giảm chi phí thực hiện cho doanh nghiệp, hạn chế ban hành thông tư cấp bộ.

https://laodong.vn/kinh-te/tiep-tuc-coi-troi-de-kinh-te-tu-nhan-phat-trien-la-cot-tru-kinh-te-877710.ldo
 

Theo Vũ Long  (LĐO)

Có thể bạn quan tâm