Mặc dù có nhiều ý kiến góp ý khác nhau nhưng Bộ Tài chính tiếp tục bảo lưu quan điểm tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít trong dự thảo mới được công bố.
Vì sao không để mức 5.000-6.000 đồng/lít?
Trước đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường xăng được Bộ Tài chính đưa ra lần đầu hồi tháng Một, có đề xuất nâng khung thuế với mặt hàng xăng 1.000-4.000 đồng/lít hiện tại lên 3.000 đồng- 8.000 đồng/lít.
Ảnh: H.P |
Có ý kiến gửi về Bộ Tài chính sau đó đề nghị quy định lộ trình áp dụng ngay tại dự thảo luật để đảm bảo tính ổn định của chính sách. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng căn cứ điều chỉnh khung thuế chưa rõ.
Ý kiến khác cũng đề nghị điều chỉnh tăng mức thuế tối đa trong khung thuế bằng 1,5 lần mức thuế tối đa trong khung thuế hiện hành (từ 4.000 đồng/lít lên 6.000 đồng/lít). Ngoài ra, có cơ quan đề nghị điều chỉnh tăng mức thuế tối đa đối với xăng chỉ là 5.000 đồng/lít vì xăng dầu là mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, lưu thông và tiêu dùng, do đó khi tăng mức thuế sẽ ảnh hưởng lớn đến mọi mặt hoạt động của xã hội.
Tuy nhiên, trong dự thảo tiếp theo vừa được Bộ Tài chính công bố, cơ quan này tiếp tục nêu quan điểm, giữ nguyên đề xuất nâng khung thuế lên 3.000-8.000 đồng/lít như dự thảo ban đầu.
Theo đại diện Bộ Tài chính, việc tính toán điều chỉnh khung thuế không chỉ xem xét đến yếu tố cam kết quốc tế về cắt giảm dần thuế nhập khẩu mà còn nhiều yếu tố khác như: xăng dầu là sản phẩm khi sử dụng gây tác động rất xấu đến môi trường cần có chính sách nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng thay thế.
Nguyên nhân khác được lãnh đạo ngành Tài chính nêu ra là khung thuế trên nhằm chủ động ứng phó với tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là tác động do giá dầu thế giới có biến động lớn.
Cho rằng khung thuế này sẽ áp dụng cho lộ trình dài, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng khẳng định, mức thuế cụ thể đối với xăng vẫn áp dụng như hiện hành là 3.000 đồng/lít.
“Tùy vào điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, khi đề xuất mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể đối với xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ phải đánh giá tác động của việc điều chỉnh mức thuế đến nền kinh tế trong nước, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tới giá bán lẻ xăng dầu và đời sống người dân, đảm bảo cùng với các giải pháp cải cách hành chính sẽ không làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam”- báo cáo của Bộ Tài chính có nêu.
Có ưu đãi thuế với xăng đạt chuẩn EURO 3, 4?
Một số ý kiến gửi về Bộ Tài chính cũng kiến nghị bổ sung khung thuế bảo vệ môi trướng ưu đãi đối với xăng, dầu đạt chuẩn khí thải EURO 3, 4, 5.
Theo đánh giá, việc khuyến khích sử dụng các loại xăng dầu đạt chuẩn khí thải EURO 3, 4, 5 sẽ giúp giảm hàm lượng các khí độc hại có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường tự nhiên như Nox, Cox hay hydrocacbon (HC).
Với quan điểm trên, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, hiện chưa có quy chuẩn về khí thải mức 5. Trong khi đó, nhiên liệu để thử nghiệm khí thải mức 3, 4 có rất nhiều loại, tùy từng động cơ xe trong đó có các loại xăng dầu gốc hóa thạch và một số loại khác như: không chì, xăng E5, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí thiên nhiên (NG);...
Ngoài ra, tiêu chuẩn khí thải mức 3 và mức 4 nêu trên còn căn cứ vào các điều kiện khác như giá trị giới hạn chất khí gây ô nhiễm, độ khói, giá trị giới hạn của hệ thống hấp thụ ánh sáng,...
Bởi vậy, lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá, nếu chi tiết từng loại xăng, dầu theo tiêu chuẩn khí thải mức 3, mức 4 để đánh thuế thì sẽ rất phức tạp và không có căn cứ để quy định mức thuế.
Do đó, cơ quan này đề nghị không quy định khung, mức thuế bảo vệ môi trường ưu đãi riêng đối với xăng dầu theo tiêu chuẩn khí thải mức 3 và mức 4, mức 5.
Theo TTXVN