Xã hội

Tiếp tục đổi mới công tác gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm qua, công tác gia đình đã được các ngành, địa phương trong tỉnh Gia Lai triển khai nghiêm túc, ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Những kết quả đáng ghi nhận
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 95% gia đình chính sách, hộ nghèo được cung cấp thông tin về chính sách phúc lợi xã hội; hơn 95% hộ nghèo, hộ cận nghèo được trang bị kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế gia đình, ứng phó thiên tai. Các trung tâm chính trị cấp huyện, Trường Chính trị tỉnh và các trường phổ thông đã lồng ghép nội dung phòng-chống bạo lực gia đình trong chương trình giảng dạy. Hiện cả 17/17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã có mô hình phòng-chống bạo lực gia đình.
Các mô hình, đề án chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số được thực hiện có hiệu quả. Mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” triển khai ở các địa phương góp phần giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện mục tiêu quy mô gia đình ít con. Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai tại 220/220 xã, phường, thị trấn để theo dõi sức khỏe, nâng cao dinh dưỡng ăn uống, sinh hoạt khi mang thai. Việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em được chú trọng. Đến nay, hầu hết trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc, giúp đỡ về giáo dục, y tế; 100% trẻ em khuyết tật, tàn tật, có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi được trợ giúp. Tỷ lệ người cao tuổi được con cháu quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng đạt trên 95%.
Gia đình là nơi trao truyền các giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Ảnh: NVCC
Gia đình là nơi trao truyền các giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Ảnh: NVCC
Nhờ thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án nên công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh đã hoàn thành chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 167/2008/QĐ-CP của Chính phủ với 10.922 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà, tổng kinh phí thực hiện hơn 157,7 tỷ đồng. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; công tác giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo từ 19,71% năm 2015 giảm còn khoảng 3,96% vào cuối năm 2021.
Việc xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ nhà ở cho người có công; nâng cấp, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ; thăm hỏi, hỗ trợ người có công khi ốm đau… được triển khai rộng khắp. Phong trào tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; công tác giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng được thực hiện kịp thời, đầy đủ. Hàng năm, tỉnh đã phân bổ kinh phí để khám-chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người dân tộc thiểu số. Các bệnh viện, trung tâm y tế thực hiện khám-chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách; cấp thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, Quỹ Khám-chữa bệnh cho người nghèo, Quỹ Bảo trợ bệnh nhân nghèo, Quỹ Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, Quỹ Bảo trợ trẻ em... được nhiều cá nhân, tổ chức tự nguyện đóng góp phục vụ chăm sóc sức khỏe cho đối tượng khó khăn.
Khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình chị Siu H’Lan-Thôn Tung Blai, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh. Ảnh: NVCC
Khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình chị Siu H’Lan (thôn Tung Blai, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh). Ảnh: NVCC
Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp đã vận động cán bộ, đảng viên và người dân nghiêm túc thực hiện các tiêu chí không có bạo lực gia đình, không lạm dụng rượu bia, không vi phạm các tệ nạn xã hội để xét công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa… Nhờ vậy, việc công nhận gia đình văn hóa ngày càng thực chất hơn. Năm 2020, toàn tỉnh có 282.238 hộ được công nhận gia đình văn hóa, chiếm 78,43%; có 1.294 thôn, làng, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa, chiếm  82,05%; 135 xã đạt văn hóa nông thôn mới, chiếm 74,17%. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần được nâng cao; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được thực hiện nghiêm túc.
Tiếp tục đổi mới công tác gia đình 
Tuy đạt nhiều kết quả tích cực nhưng quá trình tổ chức thực hiện công tác gia đình trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Cụ thể, công tác tuyên truyền, giáo dục đời sống gia đình, phòng-chống bạo lực gia đình, giáo dục pháp luật gia đình còn hạn chế, nhất là ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các biện pháp để hạn chế, ngăn chặn hiệu quả nạn tảo hôn, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, ly hôn, ly thân, xâm hại phụ nữ, trẻ em còn chưa có nhiều; tình trạng thanh-thiếu niên phạm tội có xu hướng gia tăng. Công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Sự quan tâm của cộng đồng đối với công tác gia đình, phòng-chống bạo lực gia đình chưa đầy đủ, còn coi bạo lực gia đình là vấn đề riêng tư. Việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi bạo lực gia đình chưa kịp thời, nghiêm minh. Nhiều gia đình đời sống còn khó khăn nên chưa có điều kiện để chăm sóc, giáo dục tốt các thành viên, đặc biệt là chăm sóc trẻ em và người cao tuổi.
Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Chư Pưh tổ chức Hội thi “Mâm cơm gia đình ấm áp yêu thương” để nhắc nhở mọi người trân quý những phút giây đầm ấm (ảnh đơn vị cung cấp).
Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Chư Pưh tổ chức Hội thi “Mâm cơm gia đình ấm áp yêu thương” để nhắc nhở mọi người trân quý những phút giây đầm ấm. (ảnh đơn vị cung cấp).
Để góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược gia đình Việt Nam giai đoạn 2020-2030, thiết nghĩ, các ngành, địa phương cần xác định công tác gia đình là nội dung quan trọng trong các kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế-xã hội, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên. Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể giải quyết những thách thức, khó khăn về gia đình và công tác gia đình; xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; phòng-chống các tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Bên cạnh đó, cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ mới. Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức và sản phẩm truyền thông phù hợp với từng vùng, đối tượng, giới tính, dân tộc, tôn giáo để phát huy hiệu quả nhằm thực hiện tốt hơn chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình; giúp các gia đình có kiến thức và kỹ năng sống, chủ động phòng-chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình; kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiên tiến của gia đình trong phát triển kinh tế-xã hội.
"A bố về" là khoảnh khắc hạnh phúc của sự đoàn tụ sau bao ngày xa cách. Ảnh: NVCC
"A bố về" là khoảnh khắc hạnh phúc của sự đoàn tụ sau bao ngày xa cách. Ảnh: NVCC
Ngoài ra, cần chú trọng hơn đến việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ có liên quan để góp phần ổn định và phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa gia đình. Trong đó, cần ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa gia đình cho các đối tượng chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Xây dựng và nhân rộng các gia đình ấm no, hạnh phúc điển hình tiêu biểu; biểu dương các gia đình vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, hiếu học, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
TỐNG THỚI MỐC
 

Có thể bạn quan tâm