Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Tiết lộ "động trời" của tình báo Mỹ về vụ đụng độ Ấn - Trung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một tướng cấp cao Trung Quốc đã cho phép binh lính tấn công binh sỉ Ấn Độ tại thung lũng Galwan tuần trước, dẫn đến cuộc đụng độ Ấn - Trung tàn khốc khiến hàng chục người thương vong và làm leo thang hơn nữa căng thẳng giữa hai nước.



Theo nguồn tin của tình báo Mỹ, tướng Triệu Tông Kỳ, Tư lệnh chiến khu miền Tây, đã cho phép binh sĩ Trung Quốc có hành động như thế dọc theo khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ.

Cũng theo nguồn tin trên, ông Triệu trước đó cho rằng Trung Quốc không được tỏ ra yếu đuối để tránh sự lợi dụng của Mỹ và các đồng minh, kể cả New Delhi, và xem cuộc đụng độ tuần trước là một cách để "dạy cho Ấn Độ một bài học".

Đánh giá của tình báo Mỹ mâu thuẫn với khẳng định từ phía Trung Quốc về những gì đã xảy ra trong tuần trước.


 

Triệu Tông Kỳ - tân Tư lệnh Chiến khu Tây, phụ trách chống khủng bố ở Tân Cương, phạm vi tác chiến vươn theo con đường tơ lụa. Ảnh chụp khi còn đeo lon thiếu tướng. Ảnh: Sina
Triệu Tông Kỳ - tân Tư lệnh Chiến khu Tây, phụ trách chống khủng bố ở Tân Cương, phạm vi tác chiến vươn theo con đường tơ lụa. Ảnh chụp khi còn đeo lon thiếu tướng. Ảnh: Sina



Đánh giá của tình báo Mỹ cho thấy vụ đụng độ (khiến ít nhất 20 lính Ấn Độ và 35 lính Trung Quốc tử vong, một số binh lính mỗi bên bị bắt và sau đó được thả ra) không phải là kết quả của một tình huống căng thẳng vượt khỏi tầm kiểm soát. Đúng hơn, đây là một quyết định có mục đích của Bắc Kinh nhằm gửi thông điệp sức mạnh đến Ấn Độ.

Tuy nhiên, kế hoạch đó dường như đã phản tác dụng, vì vụ việc châm ngòi phẫn nộ trên diện rộng ở Ấn Độ trong suốt 1 tuần sau đó.

Ngoài ra, những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khiến Ấn Độ lép về hơn trong các cuộc đàm phán tương lai, trong đó có cả chuyện tranh chấp lãnh thổ, dường như đã đẩy gã khổng lồ kinh tế ở châu Á này đến gần Mỹ hơn.

Câu chuyện không còn dừng ở vấn đề kiểm soát lãnh thổ. Mỹ trong nhiều tháng qua đã ép Ấn Độ hủy kế hoạch thuê Công ty công nghệ Trung Quốc Huawei xây dựng cơ sở hạ tầng 5G. Sau sự cố tuần trước, người Ấn Độ được cho là đã xóa ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc TikTok và phá hủy nhiều điện thoại sản xuất tại Trung Quốc.

Nguồn tin nói: "Kết quả đụng độ Ấn - Trung ngược lại với những gì Trung Quốc mong muốn. Đây không phải là một chiến thắng cho quân đội Trung Quốc".


 

 Binh lính Ấn Độ và Trung Quốc trong một hoạt động ở khu vực biên giới hai nước. Ảnh: PTI
Binh lính Ấn Độ và Trung Quốc trong một hoạt động ở khu vực biên giới hai nước. Ảnh: PTI



Các quan chức Ấn Độ và Trung Quốc gặp nhau trong hôm 22-6 để thảo luận về vụ đụng độ.

Những tháng gần đây quân đội Ấn-Trung tập trung tại khu vực phía Bắc Ấn Độ Ladakh và khu vực Aksai Chin nằm ở phía Tây Nam Trung Quốc, khiến cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại về nguy cơ gia tăng căng thẳng giữa hai bên.

Theo báo cáo hồi tuần trước của Công ty phân tích địa lý Hawkeye 360, hình ảnh vệ tinh từ cuối tháng 5 cho thấy sự gia tăng lực lượng ở phía Trung Quốc, có vẻ là binh lính vũ trang và pháo tự hành.

Trước đó, vào đầu tháng 6, các quan chức cấp cao Ấn Độ và Trung Quốc đã đồng ý giải giáp và rút quân khỏi khu vực. Tuy nhiên, hai bên sau đó cáo buộc bên kia tiếp tục vận chuyển và thiết lập các thiết bị cần thiết cho một chiến dịch quân sự.

Trung Quốc cũng cáo buộc Ấn Độ xây dựng cơ sở hạ tầng như đường xá ở khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Theo H.Bình (NLĐO/Usnews)

Có thể bạn quan tâm