(GLO)- Trong 2 ngày 29 và 30-7, Đoàn do Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn làm Trưởng đoàn làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai, TP. Hà Nội và đại diện Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) đến làm việc với BHXH TP. Hồ Chí Minh và một số cơ sở khám-chữa bệnh trên địa bàn, theo phân công của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.
BHXH Gia Lai và Công ty bảo hiểm BVI Gia Lai ký kết hợp đồng ủy quyền thu BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng. Ảnh: Như Nguyện |
Tại TP. Hồ Chí Minh, các bên đã cùng lắng nghe, phân tích và đưa ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc thanh quyết toán BHYT giai đoạn trước năm 2021. Ông Phan Văn Mến-Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh cho biết, phía BHXH muốn giải quyết sớm trong quyền hạn của mình để công tác khám chữa bệnh BHYT diễn ra thuận lợi, quyền lợi của người tham gia được giải quyết kịp thời và mong muốn những vướng mắc sớm được giải quyết để thuận lợi cho các bên.
Tại Bệnh viện Bạch Mai-Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp phát triển KT-XH, trong đó có tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh. “Chúng ta cần ngồi lại với nhau để chỉ ra những vướng mắc giữa cơ sở khám-chữa bệnh và ngành BHXH trong thanh quyết toán chi phí khám-chữa bệnh BHYT giai đoạn trước đây. Dù với bất kỳ lý do gì, mục tiêu của chúng ta vẫn luôn dành ưu tiên hàng đầu cho việc đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân BHYT”-ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Vũ Văn Hồng-Phó Giám đốc phụ trách kinh tế Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dịch làm ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hoạt động của đơn vị thí điểm tự chủ toàn phần, đặc biệt vấn đề tài chính và thanh toán khám chữa bệnh BHYT tồn đọng kéo dài, nhiều vướng mắc. BHXH TP. Hà Nội cũng cử nhiều đoàn công tác xuống làm việc, nắm bắt vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Giai đoạn 2017-2020, qua làm việc với BHXH Việt Nam, bệnh viện đề nghị nhưng chưa được thanh quyết toán gần 4 tỷ đồng. 13 hạng mục, chủ yếu liên quan dịch vụ kỹ thuật của bệnh viện bị từ chối thanh toán.
Những vướng mắc chưa thống nhất, bệnh viện liệt kê 9 hạng mục với khoảng 26 tỷ đồng chưa được thanh toán, trong đó chi phí vượt mức thanh toán năm 2020 gần 21,8 tỷ đồng. Số tiền hơn 3,1 tỷ đồng bị từ chối thanh toán, bệnh viện khẳng định các dịch vụ kỹ thuật đã thực hiện cho người bệnh BHYT trong thời gian thí điểm, chờ quyết định phê duyệt chính thức và đúng với yêu cầu chuyên môn, không lạm dụng, không thu bất cứ chi phí của người bệnh thuộc phạm vi thanh toán của BHYT. Bệnh viện cũng nêu 4 nội dung bất cập về cơ chế chính sách với số tiền đề nghị thanh toán hơn 1,1 tỷ đồng.
Từ đó, bệnh viện kiến nghị BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ bãi bỏ Điều 24 Nghị định 146/NĐ-CP, dữ liệu hồ sơ thay thế được phép gửi trước ngày 15 của tháng kế tiếp đối với các máy đưa vào sử dụng từ năm 2018 về trước nhưng không đầy đủ hồ sơ, xem xét thanh toán khi nhóm thiết bị đã ghi nhận trong tài sản cố định của đơn vị .
Về những vấn đề Bệnh viện Bạch Mai nêu, lãnh đạo BHXH TP. Hà Nội cho rằng cần giải quyết nhanh chóng. Giữa BHXH thành phố và bệnh viện nhiều lần làm việc để tháo gỡ nhưng đa phần nội dung là những tồn tại thời gian trước. Hiện còn tồn khoảng 10 ngàn hồ sơ chưa được giải quyết.
Liên quan vấn đề thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT giai đoạn 2020-2021, Điều 32 Luật BHYT quy định thời điểm quyết toán là tháng hoặc quý. BHXH Việt Nam đề nghị BHXH TP. Hà Nội thực hiện đúng quy định. Đề xuất hồi tố chi phí của bệnh viện cần được thảo luận kỹ, vì nội dung này thuộc thẩm quyền cấp cao hơn.
Theo ông Lê Văn Phúc-Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), Bệnh viện Bạch Mai cần tập trung chuẩn hóa dữ liệu để phục cụ công tác thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cũng như quản lý quỹ khám-chữa bệnh BHYT… Cần nêu rõ nội dung kiến nghị như chậm thanh toán hay chưa thanh toán, nguyên nhân vì sao…
Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn chia sẻ với những khó khăn với Bệnh viện Bạch Mai, các cơ sở y tế và cơ quan thục hiện chính sách. BHXH TP. Hà Nội đã tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho Bệnh viện Bạch Mai, ông Sơn nhấn mạnh: ”BHXH Việt Nam không nợ chi phí khám-chữa bệnh BHYT đối với các cơ sở khám chữa bệnh. Những khoản chưa thanh toán là do hồ sơ chưa đúng, chưa đủ”.
Tiếp tục nghiên cứu vận dụng cơ chế chính sách để tháo gỡ tồn tại vướng mắc đảm bảo tối ưu lợi ích của người bệnh BHYT là đề nghị của ông Sơn. Những khoản chưa được thanh toán do khó khăn về phân loại, cần có 1 tổ phân loại, bóc tách các cấu phần để thanh toán, những khoản nếu thanh toán được thì thanh toán ngay.
THẤT SƠN